Sau đợt giãn cách quá dài, nhiều người than thở bản thân mình đang bất ổn về tinh thần. Ngày bình thường hiền lành, dễ chịu vậy mà dạo gần đây lại cau có gắt gỏng không thôi.

Anh Lô Đức Đại, nhân viên công ty kính cường lực M.S (TPHCM) mệt mỏi kể lại sự việc tồi tệ lần đầu tiên trải qua sau nhiều năm đi làm. Mới đây, trong lúc trao đổi qua điện thoại về sản phẩm mà khách yêu cầu giải thích, khi mới nói được vài lời qua lại, anh Lô Đức Đại đột nhiên hét toáng lên "không làm thì dẹp".

Anh buông cả những lời khó nghe với khách trước khi cúp máy. Đến khi bình tĩnh lại, anh không hiểu nổi tại sao lại thiếu kiềm chế như vậy dù chỉ trong một tình huống hết sức bình thường. Không những đuổi khách, anh còn thể hiện là người thô lỗ.

Sau một ngày bình tĩnh, anh nhắn tin, gọi điện xin lỗi khách. Biết đã sai nhưng rồi cách hành xử đó của anh vẫn lặp lại trong một số tình huống khác. Vốn là một người thân thiện, dễ chịu, anh Lô Đức Đại lo lắng khi tự thấy xuất hiện nhiều dấu hiệu của một con người khác sau thời gian dài làm việc tại nhà.

hình ảnh

Hình minh họa (Ảnh: diamond.jp)

Cũng chia sẻ tại một chương trình tư vấn tâm lý mùa dịch, chị Đặng Thị Giang, 33 tuổi, làm việc tại một công ty xuất nhập khẩu ở Quận 1, TPHCM than vãn: "Tôi điên mất".

Chưa dừng lại ở đó, người mẹ rất dễ trút giận lên con, đánh mắng con rất vô lý. Sau mỗi lần như vậy chị lại ôm con khóc, lại xin lỗi và tự hứa... nhưng chỉ cần khó chịu một chút chị sẽ mất kiểm soát.

"Nhất là khi con bước vào năm học mới, vừa làm việc vừa kèm con học, tôi càng dễ cáu giận hơn. Các con tôi chán mẹ lắm rồi, chúng nói mẹ không còn là mẹ trước đây nữa. Tôi cũng chán tôi luôn", chị nghẹn ngào.

Vậy mới thấy, đại dịch lần này cho chúng ta quá nhiều nỗi đau và mất mát, không chỉ mất sức khỏe, mất công ăn việc làm mà còn mất luôn cả sự bình tĩnh trong công việc, trong cuộc sống thường ngày. Đó là chưa kể những trường hợp khủng hoảng khi bản thân là F0, gia đình có người mắc bệnh, qua đời.

Làm việc ở nhà, nhiều người cứ nghĩ hẳn đây sẽ là thiên đường hạnh phúc, nhưng khi trải qua rồi họ mới thấm thía được sự khó khăn không thể lường trước được. Như câu chuyện của anh Đức Đại, ngày bình thường anh sẽ trực tiếp gặp khác hàng, đến tận nhà tư vấn.

Nhưng mùa dịch, chỉ có thể nghe điện thoại, gọi video, giải thích không trực tiếp rất dễ khiến hai bên hiểu lầm ý nhau, nói qua nói lại dẫn đến ngôn từ nóng nảy. Trong khi ở nhà, có những chuyện không vui, vừa mới xảy ra cũng sẽ ảnh hưởng đến tâm trạng hiện tại.

Làm việc ở nhà, không được gặp sếp trình bày ý tưởng, không có đồng nghiệp chia sẻ buồn vui, không có đối thủ cạnh tranh năng lực cũng rất dễ gây tâm lý uể oải, chán chường. Dần dần, họ đánh mất chính mình, đánh mất kỹ năng chăm sóc khách hàng – vốn là thế mạnh từ xưa của họ.

hình ảnh

Ảnh minh họa (pixabay, emobile)

Biết là vậy, để chúng ta cảm thông cho nhau. Nhưng đừng viện lý do đổ lỗi, bởi mùa dịch ai cũng phải chịu áp lực như nhau cả thôi. Vậy nên, cách giải quyết tốt nhất là hãy thả lỏng cơ thể. Dù ở trong hoàn cảnh nào cũng không nên hoảng hốt, mất bình tĩnh một cách quá mức vì sẽ không giải quyết được vấn đề của hiện tại mà có thể làm cho sự việc phức tạp thêm.

Cuộc sống luôn có vui, có buồn, phải trải qua những lúc buồn mới hiểu được lúc vui; cũng như phải trải qua khó khăn mới thấy bản thân mình khao khát điều gì, để khi có được mới cảm nhận được hạnh phúc thực sự.

Nếu nhìn từ góc độ tích cực sẽ thấy những ngày này rất "đặc biệt" và chúng ta đang có cơ hội trải nghiệm những ngày đặc biệt theo cách riêng của mỗi người. Hãy dành thời gian đi bộ hay tập các bài tập tại nhà, vì khi tập luyện nhiều sẽ giúp cho cơ thể khỏe mạnh và có một tinh thần vui vẻ hơn.

 Ngoài ra, có thể làm những điều mình thích như đọc sách báo, nghe nhạc, xem một bộ phim hoặc nhiều tập phim hay... Ngay cả khi bị cách ly ở trong nhà thì hãy luôn giữ liên lạc với bạn bè, người thân, chia sẻ với mọi người những gì mình lo lắng, mong muốn.

Còn nếu một người quá lo lắng, căng thẳng thì nên tìm đến các dịch vụ tư vấn tâm lý online miễn phí hoặc các phòng tư vấn tâm lý online để được hỗ trợ tâm lý.

Nguồn: Dân Trí