Cứ đến Tết nghe tiếng pháo nổ đì đùng là thấy vui, đấy cũng có thể xem là biểu tượng của Tết cổ truyền ở mình tự bao giờ. Nhưng nhiều năm nay, Nhà nước nghiêm cấm việc dùng pháo nổ vì tính nguy hại của nó cho người dùng lẫn người xung quanh là rất lớn. Mỗi năm cứ đến Tết là cơ quan chức năng phát hiện và bắt nhiều vụ liên quan đến buôn bán, tàng trữ, vận chuyển pháo nổ.

Đáng nói hơn là thời gian gần đây, khi mạng xã hội, Internet phát triển, nhiều bạn trẻ trong lứa tuổi thanh thiếu niên đã “tự mò” lên mạng để tìm hiểu và học cách chế tạo pháo nổ.

hình ảnh


Ảnh: Nhiều trang mạng, video trên mạng chia sẻ công khai cách chế tạo pháo nổ. Nguồn: Báo Tuổi trẻ. 

Trên một số trang web, nhiều bài viết hướng dẫn cách làm pháo nổ bằng que diêm, rồi kênh Youtube bày cách mua nguyên vật liệu cho đến cách chế tạo pháo nổ. Một số món đồ chơi được gọi tên khác để ngụy trang, nhưng thực chất là pháo nổ.

Thật bất ngờ khi mà kênh Youtube Pháo C. có tới hơn 51.000 lượt theo dõi liên tục đăng các đoạn video hướng dẫn cách làm pháo, từ việc trộn hóa chất, công thức để tạo tiếng nổ, tiếng hú… Chủ kênh này còn đứng ra chứng minh cho người xem chất lượng sản phẩm, tay nghề làm pháo bằng việc chiếu các clip thử pháo ngoài trời. Bên dưới có rất nhiều bình luận trao đổi cách làm.

Không thể hiểu rằng, tại sao người ta có thể vô tư bày nhau cách làm pháo Tết như chuyện thường ở huyện, bất chấp sự nguy hiểm lẫn hành vi này bị cấm bấy lâu. Người vi phạm tùy theo mức độ mà có thể bị phạt hành chính hay truy cứu trách nhiệm hình sư.

Cũng nói thêm để ba mẹ hiểu rằng, trước đó, báo chí có đưa tin người dân được sử dụng pháo dịp Tết, nhưng cũng cần phải hiểu rõ rằng chúng ta chỉ được dùng loại pháo hoa không gây ra tiếng nổ mà thôi. Còn loại pháo nổ vẫn bị cấm.

Đối với hành vi dùng các loại pháo không được phép sẽ bị phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng, còn hành vi sản xuất pháo nổ sẽ bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng, theo quy định tại Nghị định 167/2013/NĐ-CP. Trong trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với án phạt cao nhất đến 20 năm “bóc lịch” hoặc án chung thân.

Theo nguồn tin từ báo Tuổi trẻ, ngày 16/12/2021 vừa qua, Công an Bình Thuận đã phát hiện 2 vụ tàng trữ và chế tạo pháo nổ trái phép. Trong đó, 1 vụ do 2 thiếu niên cùng sinh năm 2005 làm, vụ còn lại do 2 thiếu niên sinh năm 2004 làm. Cùng ngày, ở Thanh Hóa cũng phát hiện 2 em học sinh THPT chế tạo pháo và bị thu giữ.

Các trường hợp này, đa số các em đều tự mày mò trên mạng xem rồi đặt mua online các nguyên vật liệu để về nhà tự chế và có trường hợp làm xong còn đem đi bán kiếm tiền.

Thời gian qua, từng xảy ra nhiều vụ tai nạn đau lòng từ việc tự chế pháo nổ theo hướng dẫn trên mạng, có em may mắn chỉ bị thương nhẹ, nhưng có em bị nát cả bàn tay, suýt mù mắt… thậm chí mất mạng.

Vậy nên, khi dịp Tết đang cận kề đến, để rút kinh nghiệm từ những vụ việc đau lòng đã xảy ra, ba mẹ cần kiểm soát tốt việc con truy cập mạng nhằm mục đích ngăn chặn con tự học chế pháo nổ, không để con trẻ có hành vi vi phạm ngoài đời.

Biết là lứa tuổi này, các bạn nhỏ có nhiều tò mò, thích khám phá thế giới xung quanh để mở mang tầm nhìn, kiến thức. Tuy nhiên, việc này cũng cần phải được giáo dục đâu là đúng sai, đâu là trái pháp luật và gây nguy hiểm cho xã hội để mà tránh.

hình ảnh


Ảnh trái: Ảnh chụp màn hình. Ảnh phải: Một thiếu niên 17 tuổi phải cắt một bàn tay vì dùng pháo tự chế. Nguồn: Báo Người Lao Động. 

Hiện, các cơ quan chức năng cho biết họ vẫn đang rốt ráo kiểm tra và xử lý các trường hợp vi phạm tương tự. Đồng thời, rà soát và loại bỏ các thông tin liên quan đến việc dạy cách tự làm pháo nổ trên không gian mạng và phổ biến rộng rãi đến bà con về hậu quả của hành vi vi phạm này gây ra để còn tránh.

Ba mẹ xem xong cần đề phòng cảnh giác với hành vi của con trẻ, nhắc nhở, quản lý và kiểm soát chặt chẽ con em mình để không xảy ra những vụ án thương tâm nha.