Tính từ giờ phút em bé Hạo Nam bị lọt trụ bê tông đến nay đã gần 4 ngày rồi (từ 11 giờ 55 phút ngày 31/12/2022 xảy ra sự cố). Trong khi lực lượng chức năng đang nỗ lực làm tất cả những gì có thể, thay đổi phương án liên tục để đẩy nhanh tiến độ thì hàng nghìn người trên cả nước cũng ngóng đợi từng phút giây được thấy em trở về. Tất cả lúc này đều chung một ước nguyện: Hạo Nam ơi, cố lên, bình an con nhé!

Mình đọc tin tức trên báo chí thấy đã bắt đầu gắn cáp kéo ống trụ bê tông lên rồi mọi người ơi. Từng giờ khắc trôi qua lúc này là tất cả nỗ lực, hy vọng, tình yêu thương vô bờ của tất cả mọi người dành cho em bé. Mong rằng em sẽ làm nên điều kì diệu nhé Hạo Nam.

Mình đọc trên báo Sức khỏe Đời sống, ngoài lực lượng chức năng tìm cách cứu cháu bé khỏi trụ bê tông thì lực lượng y tế cũng đã túc trực sẵn sàng ứng cứu bất cứ lúc nào.

Theo đó Bác sĩ Phan Văn Ê, Giám đốc TTYT huyện Thanh Bình, Đồng Tháp chia sẻ trên báo Sức khỏe Đời sống rằng, đã cử 2 kíp thầy thuốc ứng trực liên tục tại nơi đang tiến hành giải cứu bé Hạo Nam từ trụ bê tông sâu 35m.

hình ảnh

Bắt đầu kéo ống trụ bê tông lên cứu em bé, ảnh: VNN

Cụ thể, ngay từ khi nhận được thông tin về sự việc của cháu Thái Lý Hạo Nam, 10 tuổi rơi, lọt vào trong lòng cọc ống D500 UBND huyện cùng Sở Y tế, 2 kíp thầy thuốc bao gồm 8 người, trong đó có 2 bác sĩ đã được cơ quan chức năng cử xuống túc trực, thay phiên nhau ứng trực ngay tại nơi đang giải cứu em bé.

Theo bác sĩ Ê, 2 kíp được điều động đều là những cán bộ y tế ở khoa hồi sức cấp cứu, khoa ngoại và khoa gây mê hồi sức. Khi có yêu cầu, các bác sĩ sẵn sàng đặt nội khí quản, tiến hành truyền dịch và cấp cứu tại chỗ để tận dụng từng phút giây cứu sống em bé.

Đặc biệt, BS Chuyên khoa II Nguyễn Lâm Thái Thuận, hiện đang là Giám đốc Sở Y tế Đồng Tháp chia sẻ: Bệnh viện tỉnh Đồng Tháp cũng đã lên phương án sẵn sàng chi viện hỗ trợ cho TTYT Thanh Bình bất cứu lúc nào khi có yêu cầu.

hình ảnh

Người thân và hàng ngàn người đang ngóng đợi em trở về, ảnh: Zing

Trụ bê tông nơi xảy ra sự việc thuộc công trường thi công dự án cầu Kênh Rọc Sen, xã Phú Lợi. Ống trụ em bé bị lọt xuống có đường kính 50cm ngoài cọc và đường kính 25cm trong cọc. Việc giải cứu em bé gặp nhiều khó khăn vì chưa từng có tiền lệ, yếu tố địa hình, đất nước, thời tiết cũng ảnh hưởng đến tiến độ giải cứu.

Tiên lượng về tình hình sức khỏe của cháu bé, bác sĩ Đinh Tấn Phương, Trưởng Khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi đồng 1 TP HCM chia sẻ trên báo Người Lao Động đã nhận định: Về góc độ khoa học, khi rơi vào hố sâu sẽ có nhiều nguyên nhân khiến em bé khó qua khỏi. 

Bác sĩ phân tích: Thứ nhất, điều kiện thiếu oxy sẽ gây ngạt. Đồng thời, trong tình trạng ở dưới lòng đất, hố sâu 35m không thông khí thì sẽ xuất hiện khí độc. Nếu hít phải cũng rất nguy hiểm. Chính vì vậy, cần phải đảm bảo cung cấp được  oxy cho bé thì mới có hy vọng.

'Nguyên tắc là oxy sẽ bay lên. Vì vậy, cần đổ thêm nước với lượng vừa phải', bác sĩ Phương nói thêm.

hình ảnh

Về nhà thôi Hạo Nam ơi, ảnh: zing

Cho tới giờ phút này, không chỉ cha mẹ, người thân của em bé mà có tới hàng ngàn người dân trên cả nước đều đang ngóng đợi tin em - Hạo Nam.

Sinh ra vốn đã không được đủ đầy như các bạn, cuộc sống khó khăn đã khiến em tuy còn nhỏ tuổi nhưng em đã cùng bạn bè tới công trường để nhặt phế liệu, kiếm thêm tiền đi học. Dù đã là đứa trẻ 10 tuổi nhưng Hạo Nam mới chỉ có 20kg. 

Giờ đây, chỉ cần em bình yên trở về thôi, biết bao nhiêu tấm lòng hảo tâm sẽ đưa tay giúp đỡ em được đủ đầy hơn, sung túc hơn, không còn phải khó khăn vất vả lo đi kiếm '60 nghìn để học võ' nữa Nam à.

Dù ai cũng viết hy vọng là không nhiều, nhưng trên đời này điều gì cũng có thể xảy ra. Mình cũng đã từng sinh con, nuôi con và làm mẹ của 2 em bé, mình tin rằng Hạo Nam sẽ làm nên điều kì diệu. Em còn phải trở về bên gia đình, còn phải đi học vì em là em bé học rất giỏi. Còn cả tương lai phía trước đang đợi em đấy Hạo Nam.