Chuẩn bị áp dụng 'thẻ xanh’, ‘thẻ vàng’ để quản lý và kiểm soát tình hình ‘cô vi’, nếu ai đã được tiêm ngừa thì dễ rồi (trừ khi hệ thống Sổ sức khỏe điện tử khi cập nhật của họ gặp vấn đề nhưng rồi sẽ được xử lý sớm thôi), còn ai là f0 mà không có mã bệnh nhân thì e là nhiều khó khăn đấy.

>>> Sai thông tin, chưa cập nhật mũi tiêm: Hướng dẫn bà con cách điều chỉnh mới nhất

Đối với những người chưa tiêm và cũng chưa bị nhiễm bệnh, nếu tiêm ngừa xong thì mọi thứ coi như được giải quyết. Còn đối với những người từng nhiễm bệnh và đã khỏi bệnh thì theo các bác sĩ họ có kháng thể chống lại bệnh nên được xem như người đã được tiêm phòng đầy đủ và được cấp ‘thẻ xanh’.

Thế nhưng đó là đối với người nhiễm bệnh được đưa đến cơ sở y tế điều trị, còn đối với người nhiễm bệnh nhưng không được điều trị tại cơ sở y tế mà tự điều trị tại nhà thì sao? Cơ sở nào để xác định cho họ để được cấp ‘thẻ xanh’ như các đối tượng F0 được điều trị tại cơ sở y tế có thẩm quyền?

hình ảnh


Ảnh minh họa. Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam. 

Hôm qua, em đọc tin trên trang VTV thì biết là Sở Y tế TP.HCM cho biết sẽ không cấp giấy chứng nhận cho F0 tự điều trị mà không thông báo y tế.

Theo đó, đối với F0 có kết quả tự xét nghiệm dương tính thì phải báo với y tế địa phương để ghi nhận và có biện pháp hỗ trợ điều trị như gói thuốc hỗ trợ điều trị, túi an sinh… đến khi khỏi bệnh mới có xác nhận.

Tại TP.HCM, số ca lây nhiễm vẫn còn tăng cao, trong khi nguồn lực y tế có hạn nên có thể không đáp ứng kịp thời nhu cầu cấp bách hiện nay. Theo quy định, khi có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm bệnh hoặc phát hiện nhiễm bệnh thì bà con cần báo ngay với cơ sở y tế gần nhất để được hỗ trợ đưa hỗ trợ điều trị kịp thời.

Mặc dù vậy có trường hợp người bệnh không báo với cơ sở y tế gần nhất, hoặc cũng có trường hợp đã báo nhưng lực lượng y tế không đến kịp, bỏ sót họ rồi họ phải tự tìm cách điều trị tại nhà.

Những đối tượng này khi nhiễm bệnh đã bị bỏ rơi, đến khi cấp ‘thẻ xanh’ nếu không có giải pháp cho họ thì xem như họ lại tiếp tục bị bỏ rơi lần nữa. Vì thế cần có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các đối tượng này dựa trên góc độ khoa học. Đây là ý kiến của Tiến sĩ, Bác sĩ Lê Quốc Hùng là Trưởng Khoa Bệnh Nhiệt đới của Bệnh viện Chợ Rẫy.

Dẫn thực tế theo tin em đọc được trên trang VnExpress, anh Hoàng Tuấn ở quận 8, TP.HCM kể sau 6 tuần tiêm vắc-xin mũi 1, anh được yêu cầu đến điểm tiêm chủng ở sân bay Tân Sơn Nhất để tiêm mũi 2 vào ngày 19/8/2021 với điều kiện phải có xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ mới được ra sân bay. Ngày 18/8/2021, anh đến Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn xét nghiệm thì có kết quả dương tính. Vì đã nhiễm bệnh nên anh Tuấn không được tiêm mũi 2 theo kế hoạch và phải tự cách ly tại nhà, báo với y tế phường nhưng không có nhân viên nào đến ghi nhận. Sau đó, khu trọ gần nơi anh sống có nhiều người nhiễm nên mới phản ánh với phường thì lúc đó mới lấy xét nghiệm mẫu gộp, nhưng thời điểm đó anh Tuấn có kết quả âm tính nên phường chỉ xác nhận anh là F1.

Anh tâm sự, vì anh là shipper, phải ra đường để làm việc kiếm sống. Với quy định cấp thẻ xanh mới được ra đường như vậy thì anh sẽ bị ảnh hưởng rất lớn. Anh mong được xét nghiệm kháng thể để chứng minh từng mắc bệnh và khỏi bệnh. Thêm nữa, vì không có chứng nhận F0 nên quyền lợi hưởng BHXH của anh cũng không được nhận.

Trường hợp của anh Tuấn chỉ là một trong số các trường hợp đã từng nhiễm bệnh và tự chữa trị rồi hết bệnh nhưng không có xác nhận.

Theo báo Tuổi trẻ em đọc được, về cơ bản có 3 trường hợp F0 được cho là đang ở ngoài vòng quản lý, khó có cơ sở để được cấp ‘thẻ xanh’:

- F0 tự xét nghiệm và cách ly y tế ở nhà, không báo với địa phương để được cập nhật, theo dõi sức khỏe, cũng như xác nhận kết thúc cách ly.

- Cách ly y tế ở nhà có thông báo địa phương, tuy nhiên vì lý do nào đó, địa phương "bỏ quên" không cập nhật và giám sát kịp thời.

- Được đưa đi cách ly điều trị tại cơ sở tập trung hoặc bệnh viện dã chiến; được điều trị khỏi bệnh và cho xuất viện nhưng không có tên trong danh sách F0 trên ứng dụng sức khỏe của Bộ Y tế.

Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho rằng đây là vấn đề phức tạp, ngành y tế đang nỗ lực tìm giải pháp, vừa hợp tình, hợp lý và đúng luật để sớm xác nhận cho các trường hợp F0 chưa kịp ghi nhận ở thời điểm ‘cô vi’ bùng phát mạnh mẽ, hệ thống y tế quá tải. Thêm nữa, cần phải kiểm soát chặt để cấp giấy xác nhận nếu không sẽ gây ra nhiều hệ lụy nguy hiểm cho cộng đồng, nhất là việc cấp giấy xác nhận có liên quan đến việc cấp ‘thẻ xanh’.

Thực tế, người dân đang nhìn ở khía cạnh có 'thẻ xanh' để được ra đường mà quên mất nó nhằm mục đích bảo vệ người đã mắc bệnh và khỏi bệnh thực sự. Việc cấp ‘thẻ xanh’ sai đối tượng F0 giả sẽ trực tiếp gây nguy hiểm cho chính người đó và cộng đồng.

hình ảnh


Ảnh minh họa. Nguồn: Báo Tuổi trẻ và Thanh Niên. 

Nói thêm về cách giải quyết trước mắt, một số F0 thuộc trường hợp không có giấy tờ, nghe ngóng tình hình, nóng lòng tự đi xét nghiệm định lượng kháng thể để chứng minh mình từng có bệnh, nhưng theo Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu khuyến cáo rằng người dân không nên đổ xô xét nghiệm kẻo bị người khác lợi dụng mà tốn kém tiền bạc. Hiện tại, Bộ Y tế chưa có hướng dẫn cụ thể về vấn đề này.

Còn Bác sĩ Trương Hữu Khanh cho biết không phải chúng ta chưa từng làm xét nghiệm kháng thể nhưng đối với trường hợp này thì cần có tiêu chuẩn chung để tránh việc người dân hoang mang, tìm đến nơi xét nghiệm không uy tín.

Sở Y tế TP.HCM đang tìm kiếm giải pháp để ‘hợp thức hóa’ cho các F0 nằm ngoài vòng quản lý nhằm giải quyết sơ suất trong giai đoạn quá tải vừa qua. Vì vậy những trường hợp tự xét nghiệm phát hiện mình nhiễm bệnh về sau thì bà con nên báo với cơ quan y tế địa phương để được cấp thuốc, quản lý và hỗ trợ nha.

Trong thời gian chờ ngành y tế nghiên cứu để có giải pháp phù hợp thì bà con không nên tự ý đi xét nghiệm, tất cả vì sự an toàn chung của cộng đồng. Mong nhận được sự chia sẻ của mọi người để sớm có giải pháp phù hợp.

Các bác sĩ và có cả người đứng đầu ngành y tế đã nói như vậy thì bà con yên tâm, chờ hướng dẫn chính thức từ Bộ Y tế để có bước thực hiện đúng quy trình, quy định nha. Làm trước không khéo lại ‘cầm đèn chạy trước ô tô’ thì khổ.