Đọc báo theo dõi ca nhiễm trên cả nước mỗi ngày vẫn còn thấy tăng cao lắm bà con ạ. Biết khi nào mới chấm dứt được tình trạng này đây?

Tính đến hiện tại, tại một số, tỉnh thành trong cả nước đang đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng với mục tiêu phủ rộng vắc-xin đến toàn dân. Bên cạnh đó, nhà chức trách yêu cầu bà con vẫn cần phải nâng cao ý thức phòng chống dịch bệnh bằng việc yêu cầu thực hiện nguyên tắc 5K. Đồng thời, cần đầu tư hệ thống y tế cơ sở để tiếp cận sớm với F0 nhằm tránh tình trạng bệnh diễn biến nặng hơn.

hình ảnh


Ảnh minh họa. Nguồn: Zing News. 

Vai trò của y tế cơ sở tại Việt Nam hiện nay được đánh giá là chưa tốt, do đó dẫn đến khả năng chăm sóc ban đầu cho người bệnh không hiệu quả. Vì lý do này mà theo hướng dẫn mới đưa ra, các tỉnh thành cần chuẩn bị sẵn sàng các Trạm Y tế lưu động, đặc biệt là sẵn sàng oxy y tế tại các trạm lưu động này.

Đồng thời, ngành y tế cần xem lại hệ thống vận chuyển, hỗ trợ bệnh nhân tiếp cận việc điều trị chuyên sâu khi có diễn biến nặng. Sự việc xảy ra tại TP.HCM trong thời gian vừa qua cho thấy đó là bài học kinh nghiệm cho các tỉnh, thành khi rơi vào tình huống quá tải bệnh nhân. Nhiều ca diễn biến nặng nhưng dịch vụ chăm sóc ban đầu thiếu oxy, việc chuyển F0 lên cơ sở điều trị chuyên sâu muộn nên nhiều người bệnh đến nơi nhưng không thể chữa được vì đã trễ quá rồi.

Song song với việc thống kê số giường hồi sức, lượng máy thở, các cơ sở y tế cần đánh giá có bao nhiêu nhân viên y tế sử dụng thành thạo và đáp ứng các kỹ thuật điều trị chuyên sâu. Cần phải đánh giá để biết rằng chúng ta đang thiếu bao nhiêu và cần bao nhiêu để được hỗ trợ nhằm cải thiện lỗ hổng này.

Khi đáp ứng điều kiện về y tế cơ sở, các tỉnh, thành cần triển khai ngay việc cách ly F1, F0 tại nhà nếu có diễn biến nhẹ để đảm bảo trơn tru trước khi dịch bệnh bùng phát. Chỉ đến khi dịch bệnh lan rộng mới thí điểm thì chắc chắn sẽ không thể đáp ứng nổi.

Trước đó, tại cuộc họp báo định kỳ của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch COVID-19, Chánh Văn Phòng Sở Y tế khẳng định rằng dù số ca F0 ở TP.HCM vẫn dao động mức trên dưới 1.000 ca nhiễm, nhưng không thể nói là có đợt dịch mới.

Ngoài ra, theo trang Zing News chia sẻ, các nhà chức trách dự báo rằng số ca nhiễm bệnh COVID-19 sẽ tăng cao trong dịp Tết Dương Lịch và Tết Nguyên Đán sắp tới.

Để ứng phó với tình huống này, các địa phương nhất là tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM đang xây dựng kịch bản khi có nhiều ca nhiễm và đề nghị chủ động chuẩn bị nghiêm túc cho tình huống này.

Bộ Y tế vừa có ý kiến đánh giá rằng, nguy cơ dịch bệnh có thể xuất hiện ở bất cứ đâu, bất cứ thời điểm nào do lượng người di chuyển về các địa phương từ vùng dịch sau nới lỏng giãn cách. Vì thế cần phải lên kế hoạch ứng phó sớm nhất có thể. Đặc biệt, việc xây dựng kịch bản này cần mang tính thống nhất, thông suốt trên toàn quốc, phát huy tính chủ động, sáng tạo, không cục bộ, ‘cát cứ’ và ban hành quy định vượt quá mức cần thiết.

Tình hình dịch bệnh ở toàn Việt Nam hiện tại vẫn đang còn diễn biến phức tạp, song đa phần các địa phương đang kiểm soát được dịch. Khi mình nới lỏng các hoạt động, cho phép đi lại thì việc tiếp xúc giữa người với người tăng lên, người lành tiếp xúc với người nhiễm và từ đó xuất hiện nhiều ca nhiễm trở thành ổ dịch.

Đó là thực tế chúng ta cần phải đối diện và chấp nhận khi một số địa phương trở về trạng thái ‘bình thường mới’, đồng thời cần bình tĩnh để ứng phó với tình hình mới.

Việc cần làm của bà con bây giờ để ứng phó với dự báo số ca nhiễm bệnh có thể tăng cao là:

#1. Chủ động tiêm vắc-xin khi tới lượt của mình.

Theo PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Phó chủ tịch Hội Kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội cho biết, đa số người đã được tiêm vắc-xin phòng COVID-19, nếu nhiễm bệnh thường diễn biến nhẹ, thậm chí không xuất hiện triệu chứng. Do vậy, khi số ca nhiễm tăng cao mà mọi người đã tiêm đủ vắc-xin thì không cần quá lo lắng, thay vào đó hãy tiếp tục tập trung thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh đang làm. Cho nên, khi tới lượt mình, bà con cứ chủ động để tiêm vắc-xin nha.

#2. Thực hiện các biện pháp an toàn và dự phòng cá nhân.

Bà con hãy coi các nước Châu Âu là bài học kinh nghiệm cho mình, khi họ chỉ trông chờ vào vắc-xin mà không áp dụng các biện pháp an toàn hay dự phòng cá nhân. Điều đó khiến nguy cơ bùng dịch tăng cao.

An toàn ở đây cần hiểu theo nghĩa rộng là nơi làm việc an toàn, chợ an toàn, bệnh viện an toàn và các hoạt động an toàn… và theo nghĩa hẹp là phải tuân thủ nguyên tắc 5K của Bộ Y tế gồm khẩu trang, khử khuẩn, không tụ tập đông người, giữ khoảng cách và khai báo y tế.

Ngoài ra, bà con cũng cần dự liệu trong trường hợp nhiễm bệnh thì mình cần phải làm gì? Trang bị các vật dụng cần thiết như nhiệt kế, thiết bị đo SpO2, máy đo huyết áp, khẩu trang, vật dụng cá nhân, túi đựng chất thải riêng biệt… 

Khi phát hiện nhiễm bệnh thì cần báo ngay cho cơ sở y tế địa phương để được đánh giá và thông báo kế hoạch cách ly, điều trị, được theo dõi, chăm sóc sức khỏe, cấp phát thuốc, hỗ trợ trong trường hợp bệnh tình diễn biến nặng. Đồng thời khi hết thời hạn cách ly và điều trị sẽ được cấp Giấy chứng nhận để thuận tiện cho việc đi lại, hưởng các chế độ luật định…

hình ảnh


Ảnh minh họa. Nguồn: Zing News và VnExpress. 

Nói tóm lại, cả nước có kiểm soát được dịch bệnh hay không thì không chỉ cần có sự hỗ trợ của cả hệ thống y tế mà cần có ý thức đồng lòng tuân thủ đúng quy định của người dân. Có như vậy mới bảo vệ được sức khỏe của bản thân, người xung quanh và cả cộng đồng nữa.