Nhiều ông chồng ra ngoài đi làm nghĩ chắc mình cực khổ kiếm tiền, còn vợ ở nhà nội trợ sung sướng lắm. Cứ thử một ngày hoặc một tuần vào vị trí của vợ mình xem, mới biết họ vất vả cỡ nào.

Theo bài đăng trên trang Tuổi trẻ em đọc được, có đôi vợ chồng nọ sống ở miền Nam Tây Ban Nha đưa nhau ra tòa ly hôn. Tất nhiên, liên quan đến vấn đề ly hôn, còn có nghĩa vụ nuôi con và cấp dưỡng cũng như phân chia tài sản.

hình ảnhẢnh minh họa. Nguồn: Báo Tuổi trẻ. 

Được biết, cặp đôi này có 2 cô con gái và nghĩa vụ nuôi dưỡng thuộc về người mẹ, còn người cha có nghĩa vụ cấp dưỡng cho các con đến khi trưởng thành. Còn về vấn đề chia tài sản sau ly hôn, trước đó họ thỏa thuận chia theo kiểu tài sản bên nào kiếm được thì sẽ là của riêng bên đó. Việc phân chia như vậy khiến cho người vợ không được nhận bất kỳ khoản nào sau bao nhiêu năm chung sống, dù biết rằng chị là người đã hy sinh rất nhiều cho chồng con.

Tại phiên tòa, Thẩm phán phân tích với cả hai rằng chị vợ đã làm công việc nhà, chăm sóc nhà cửa, gia đình và tất cả mọi thứ liên quan, chị đã cống hiến hết mình. Điều này được thể hiện bằng các giấy tờ pháp lý rõ ràng và do đó Tòa phán rằng sau ly hôn, ngoài trách nhiệm cấp dưỡng cho con, anh chồng phải trả cho vợ 218.000 USD, tương đương hơn 5 tỷ đồng vì đã để vợ làm việc nhà suốt 25 năm. Và số tiền mà Tòa yêu cầu anh chồng phải trả cho vợ cũ được tính toán dựa trên mức lương tối thiểu mỗi năm của Nhà nước, kể từ thời điểm tháng 6/1995 đến hết tháng 12/2020.

Sau phán quyết của Tòa, chị vợ bày tỏ niềm hạnh phúc vì cảm thấy bản án xứng đáng và công tâm với những gì chị đã phải chịu thiệt thòi trong thời gian qua. Chị kể rằng chồng cũ của chị không muốn chị làm việc bên ngoài, do đó anh ta đã giao phòng tập thể dục mà anh sở hữu cho chị quản lý. Vừa làm việc chồng giao, vừa đảm đương công việc nội trợ và chăm sóc chồng con cùng nhà cửa là những công việc chị phải làm trong suốt 25 năm qua.

Không riêng gì chị, rất nhiều người hay tin này đều đồng tình với phán quyết của Tòa, bởi đâu thể chỉ tính công sức của người kiếm tiền mà không tính đến công sức của người vun đắp hạnh phúc, phải không nè? Thậm chí có người còn bảo nhiêu đây có đủ với những hy sinh và đóng góp của người phụ nữ đối với gia đình của mình. Đối với họ, suy cho cùng số tiền bồi thường cũng chỉ mang tính chất 'tượng trưng'. 

Tại Việt Nam, pháp luật về hôn nhân và gia đình cũng có đề cập tương tự, vợ ở nhà nội trợ và chăm sóc con cái vẫn được tính là có thu nhập tương đương với chồng đi làm và như vậy vẫn được bình đẳng chia tài sản khi ly hôn. Tuy nhiên, việc này phải có bằng chứng chứng minh cụ thể.

Tương tự, tại Trung Quốc cũng vậy, theo Zing News chia sẻ hồi tháng 01/2021, Bộ luật dân sự mới của nước này có hiệu lực đã cho phép một bên vợ hoặc chồng được đòi tiền đền bù nếu họ từng đóng vai trò chính trong việc chăm sóc con cái, gia đình và làm công việc nhà mà không được trả lương. Nếu 2 bên không thể thống nhất thì Tòa án sẽ là cơ quan ra phán quyết với số tiền đền bù tương xứng với công sức đóng góp của bên đó.

Trước đó vào tháng 6/2022, tại nước này từng có vài vụ việc giống câu chuyện nêu trên. Chẳng hạn như người vợ tên Wang sau khi lấy chồng và sinh con xong, tình cảm đôi bên nguội lạnh đành dắt nhau ra Tòa nộp đơn ly hôn. Tại đây, chị vợ đã yêu cầu anh chồng phải bồi thường cho mình vì đã làm việc nội trợ bao gồm giặt giũ, nấu nướng, mua sắm gia đình và nuôi dạy con cái mà không được trả lương. Hơn nữa, anh chồng này thiếu tôn trọng chị và xem thường những đóng góp của chị dành cho gia đình.

Nhận thấy các yêu cầu của chị vợ đưa ra hoàn toàn chính đáng nên Tòa án đã quyết định anh chồng phải đền bù cho chị vợ 30.000 Nhân dân tệ, tương đương hơn 100 triệu đồng tương ứng với 7 năm hôn nhân vừa làm mẹ, vừa làm vợ. Đồng thời phải cấp dưỡng tiền nuôi con hằng tháng cho đến khi đứa trẻ trưởng thành.

hình ảnh


Ảnh minh họa. Nguồn: Freepik và VietnamFinance. 

Mọi người đọc để thấy không hẳn lúc nào người vợ ở nhà nội trợ và chăm lo cho gia đình cũng phải chịu thiệt thòi đâu ạ. Xã hội càng tiến bộ thì vị trí và vai trò của người phụ nữ nhất là ở hậu phương càng được coi trọng và được ghi nhận tại các quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình để đảm bảo quyền lợi cho họ.

Vấn đề ở đây là người phụ nữ trong xã hội thời nay cần biết tự trang bị kiến thức pháp luật cho mình để hiểu biết rõ và ít nhất là tự bảo vệ mình, bảo vệ con cái trước nguy cơ có thể bị đối phương xâm phạm quyền lợi (nếu có).