Đề bài 'viết về ước mơ của em' có lẽ là dạng câu hỏi đã quen thuộc với nhiều thế hệ học sinh rồi. Hầu như, các thế hệ học sinh đều được các thầy cô giáo hỏi câu này và câu trả lời sẽ là những nghề nghiệp quen thuộc như: ước mơ được làm bác sĩ, giáo viên, chú bộ đội, bác bán tạp hóa, cô thu ngân siêu thị,....

Vậy nhưng, mới đây, có một bài viết về 'ước mơ' cực kì bá đạo của em học sinh lớp  khiến cô giáo phải phê 'rất thú vị'. Bài làm môn tiếng việt  này sau khi được chia sẻ đã nhận  được sự chú ý của đông đảo cộng đồng mạng, phần lớn mọi người xuýt xoa vì học sinh này có câu trả lời quá thông minh, khéo léo.

Cụ thể, với đề bài yêu cầu học sinh "Hãy viết về ước mơ của em (dựa vào các gợi ý).

1. Ước mơ của em là gì?

2. Vì sao em lại có ước mơ đó?

3. Em cần làm gì để thực hiện được ước mơ đó?

Bất ngờ, em học sinh này đã viết ra 1 đáp án chững chạc đến mức người lớn cũng không nghĩ tới:

"Hiện tại, em chưa có ước mơ nào cụ thể. Vì em đang rất hài lòng về cuộc sống gia đình em, về bạn bè và thầy cô em".

Câu trả lời ngoài tưởng tượng khiến cô giáo phải nhận xét: "Bài viết của em khiến cô thấy rất thú vị".

hình ảnh

Hài lòng về cuộc sống có lẽ cũng là ước mơ của rất nhiều người trưởng thành. Với 1 học sinh lớp 3, có thể thấy cậu bé này rất chững chạc và có chính kiến.

Theo mẹ của em học sinh này, khi làm bài, con ngồi suy nghĩ bài tập rất lâu rồi gọi mẹ lại bảo câu 3 này khó không làm được. Con bảo không có ước mơ nào hiện tại cả vì con cũng có một vài mong muốn nhưng đó không phải là ước mơ.

Hai mẹ con sau đó ngồi phân tích về việc vì sao mình không có ước mơ. Chị nói chắc sẽ có nhiều lý do, có thể mình thiếu khát khao, thiếu động lực, thiếu lý tưởng, thiếu năng lực, thiếu đồng cảm. Nhưng cũng có thể mình rất hài lòng về cuộc sống, về công việc, về bản thân, về ngôi nhà, về mọi thứ thuộc về mình... Thế là con làm được bài tập như trên và không phải trả lời về một ước mơ nào.

Vì sao bố mẹ cần biết trân trọng, nuôi  dưỡng ước mơ theo đúng mong muốn của con trẻ

Đa phần, nhiều bố mẹ có xu hướng áp đặt suy nghĩ và mong ước cá nhân vào con và cố ép con phải yêu thích cái mà chúng không hứng thú. Ví dụ như, khi bé muốn đi đá bóng cùng bạn bè hay học nấu ăn cho gia đình, bố mẹ lại hướng trẻ theo học nhạc, đàn trong khi chưa tìm hiểu rằng con mình có yêu thích âm nhạc hay không.

Hãy tưởng tượng, sau này con có thể sẽ trở thành một người “thành đạt” như định nghĩa của chúng ta và xã hội, nhưng đó lại không phải ước mơ của con, không phải là điều con thích. Lúc này, trẻ sẽ có hai luồng suy nghĩ:

Đối với xã hội, gia đình, mình đã “thành công” và hoàn thành trách nhiệm như những gì bố mẹ ước mong. Song, đối với chính bản thân, con sẽ cảm nhận rằng mình là người “thất bại” vì đã chẳng biết ước mơ của mình là gì, chẳng thể theo đuổi công việc mình say mê nên mỗi ngày đều chẳng thấy vui vẻ và hạnh phúc.

hình ảnh

Những ước mơ của trẻ rất đáng được trân trọng, ảnh: dSD

Thấu hiểu rằng những vất vả lo toan của bố mẹ là chỉ để nhìn thấy con thành tài, có cuộc sống sung sướng về sau. Nhưng thay vì “ép” trẻ vào một khuôn mẫu nhất định, bố mẹ nên để ước mơ của con được tự do lớn lên, phát triển hài hòa theo khả năng và đam mê của mình. Chúng ta có thể định hướng cho con, nhưng hãy lắng nghe và trân trọng, trao cho con quyền lựa chọn để con có trách nhiệm với chính quyết định đó.

Điều quan trọng nhất mà bố mẹ nên làm để giúp ước mơ của con sớm hiện thực hóa là giúp con lên một kế hoạch rõ ràng.

Bắt đầu từ việc xác định mục tiêu (ngắn hạn, dài hạn) và định hướng tương lai: Nghề nghiệp mà con lựa chọn là gì? Con khao khát đạt được những thành tựu gì trong 5 - 10 năm tới? Hay con tồn tại để thực hiện sứ mệnh gì cho cuộc đời mình? - Là bác sĩ, kỹ sư, doanh nhân, nhà giáo… Đồng thời, bố mẹ cần đề cập cho trẻ biết những cơ hội lẫn rủi ro trong mục tiêu trẻ lựa chọn, nhằm giúp trẻ học cách chấp nhận thử thách, khó khăn và cố gắng nỗ lực hết mình để đạt được mục tiêu đã đề ra.

Khi đã nắm bắt phần nào những điều trẻ yêu thích, ước muốn của trẻ, cha mẹ nên định hướng “đầu tư” trang bị cho con những kiến thức và kỹ năng cần thiết.

Nếu bé thích đàn, hãy giúp bé chọn một loại nhạc cụ yêu thích và sắp xếp lịch học. Nếu con thích vẽ, hãy dành thời gian tập vẽ cùng bé, sau đó tìm những tài liệu về mỹ thuật mà bé thích. Hay nếu bé nhà bạn thích tìm hiểu về lịch sử hoặc khảo cổ, bên cạnh những kiến thức trong sách giáo khoa, cách thiết thực nhất là lên lịch đưa trẻ đến tham quan những công trình lịch sử, viện bảo tàng, chứng tích…

“Cũng như thành công, thất bại là rất hay gặp phải với nhiều người, tuy nhiên với thái độ và tâm lý tích cực, thất bại sẽ là cơ hội để bạn rút kinh nghiệm, là một bậc thang và là nơi bạn có thể bình ổn suy nghĩ, chuẩn bị cho việc thử lại lần nữa.” - W. Clement Stone. Thật vậy, trước khi ước mơ của con hiện thực hóa, trẻ cần duy trì được tâm thế lạc quan khi đối diện với khó khăn.