Đây là câu chuyện thú vị đang được dân mạng chuyền tay nhau.
Cụ thể, khi được cô giáo giao bài tập về nhà, với đề bài yêu cầu học sinh viết thời gian biểu của mình sau 5 giờ chiều, nghĩa là khoảng thời gian trẻ đã tan trường và trở về nhà.
Với trí sáng tạo của mình, học sinh này đã thành thật “liệt kê” chi tiết: 17:00 đi học về; 18:00 ăn cơm tối; 19:00 xem ti vi; 20:30 đi ngủ. Tuy nhiên, tới đây thì em phát hiện vẫn còn một ô trống. Lẽ ra chỗ cuối cùng này phải là thời gian đi ngủ, nhưng vì ở trên đã lỡ điền đi ngủ rồi nên nếu để không thì vẫn còn một ô trống. Trong tình huống khó xử này, em học sinh đã nhanh trí “chữa cháy” bằng trí tưởng tượng. Vậy là em học sinh đã quyết định điền 21:00 là công việc 'ngủ say'. Câu trả lời bá đạo này có lẽ đến cả cô giáo cũng không bao giờ nghĩ ra được.
Thời gian biểu với trí tưởng tượng phong phú của học sinh tiểu học, ảnh: DSD
Xem xong thời khoá biểu của con, hẳn bố mẹ của học sinh này cũng lo lắng lắm vì nhìn mãi không thấy thời gian học bài và làm bài tập về nhà đâu. Theo như em học sinh này mô tả, sau 5 giờ chiều là em học sinh chỉ có ăn, chơi và ngủ. Thế này thì chả biết cuối năm nhận thưởng kiểu gì. Tuy bố mẹ có thể không hài lòng, nhưng quả thực đây là thời khoá biểu “lý tưởng” của nhiều cô cậu học trò chứ không riêng gì bạn nhỏ này.
Ngay sau khi thông tin này được chia sẻ, nhiều người đã tương tác với cảm xúc 'haha' và 'thả tim' cho cậu bé. Sự thành thật nhưng cũng đầy sáng tạo của trẻ thơ đã chạm tới những trái tim khô cằn của người lớn, dù là những người cứng rắn đến đâu cũng phải 'tan chảy' vì nhưng em học sinh nhỏ quá đáng yêu và có trí tưởng tượng phong phú!
Vì sao trẻ cần có thời gian biểu và nên vận dụng thời gian biểu một cách nghiêm túc và đều đặn trong cuộc sống hàng ngày
Thời gian biểu không chỉ quan trọng với người lớn chúng ta, mà với trẻ nhỏ là điều vô cùng cần thiết. Điều này sẽ giúp con cảm thấy được an toàn bởi biết mình sắp phải làm gì và chuẩn bị đối mặt với chuyện gì?
Lập thời gian biểu là xây dựng thói quen hàng ngày theo một khung thời gian nhất định. Chẳng hạn như trẻ nên ngủ dậy, ăn, chơi, hoạt động… như thế nào.
Nhiều bố mẹ cảm nhận, điều này là cứng nhắc đối với con. Tuy nhiên, theo chuyên gia, việc lập thời gian biểu sẽ giúp con hình thành tính tự lập, học cách tự giác. Chẳng hạn như khi trẻ hiểu được một buổi sáng thức dậy với công việc vệ sinh cá nhân, ăn sáng, mặc quần áo rồi sau đó đến trường.
Khi đó bố mẹ sẽ không cần phải liên tục hàng ngày nhắc nhở, thúc giục thậm chí là hò hét. Mà tất cả những công việc đó sẽ được diễn ra đúng lịch. Bởi trẻ cho đó là việc của bản thân và có trách nhiệm cần phải làm.
Trên thực tế, nhiều trẻ cảm thấy bức bối vì người lớn chỉ đưa ra ý kiến và con “cứ thế mà làm”. Không phải ở độ tuổi nào trẻ cũng dễ bảo và nói gì nghe nấy. Nhất là trong giai đoạn dậy thì, trẻ thường mong muốn được lắng nghe và bày tỏ quan điểm riêng. Nếu cứ cứng nhắc ép trẻ “miễn bàn luận” sẽ có những tác dụng ngược.
Nề nếp sinh hoạt khoa học giúp trẻ có cuộc sống lành mạnh và phát triển tốt hơn, ảnh: FĐ
Cô giáo Nguyễn Phương Thảo (Trường Tiểu học Yên Nghĩa, Hà Nội) cho rằng, nếp sống hàng ngày của trẻ cần rất nhiều khoảng trống linh hoạt để có thể hoàn thành một trong những nhiệm vụ quan trọng. Đó là khám phá và thử nghiệm. Và trẻ cũng cần thật nhiều cơ hội để tự ra những quyết định, lựa chọn của riêng mình về việc sẽ dùng thời gian như thế nào trong thời khóa biểu đã đề ra.
“Thành công của mỗi người gắn liền với những thói quen tốt được duy trì trong thời gian dài. Mặc dù, chúng ta không thể bắt chước thành công của người khác nhưng lại có thể học hỏi những thói quen của họ. Chính vì thế, nếu bố mẹ muốn con mình có một tương lai tươi sáng, ngay từ nhỏ cần rèn luyện thói quen, nền nếp tốt cho trẻ. Một trong số đó là lập thời gian biểu. Đây cũng là cách để trẻ quản lý thời gian hợp lý sau này”, cô Thảo nói.
Cũng theo cô giáo này, việc lập thời gian biểu đóng vai trò quan trọng trong quá trình học tập, lao động của con người. Đặc biệt, với đối tượng học sinh, hoạt động lập thời gian biểu giúp các em quản lý tốt thời gian, cân bằng giữa học tập và vui chơi nhằm đảm bảo sức khỏe lẫn sự phát triển toàn diện về trí tuệ và tinh thần. Nhưng người lớn cũng cần linh hoạt khi cùng con lập kế hoạch cho những hoạt động.
Nếu có thời khóa biểu rõ ràng, cả gia đình sẽ đỡ vất vả trong việc nuôi dưỡng trẻ hơn. Chính vì vậy, việc duy trì lịch trình sinh hoạt của con phải có sự đồng thuận của cả gia đình. Tránh hết sức việc bố cấm mẹ cho.
Khi xây dựng nền nếp bằng thời khóa biểu thì cả người lớn và trẻ em đều cần thực hiện nghiêm túc. Cha mẹ cũng nên tham khảo ý kiến của trẻ khi thiết lập quy tắc trong gia đình. Bởi những “điều lệ” này đều có ảnh hưởng tới con. Và mục đích của người lớn khi đưa ra quy định là mong muốn các thành viên đều thực hiện theo, trong đó có trẻ. Vì vậy, khi được nêu ý kiến cho những quy định đó, trẻ sẽ tôn trọng và dễ nghe theo hơn.