Dậy thì là quãng thời gian quan trọng trong cuộc đời của trẻ, là giai đoạn cơ thể có sự phát triển và hoàn thiện về thể chất, sinh dục, tâm sinh lý. Tuổi khởi phát dậy thì trung bình là 10,5 tuổi ở nữ và 11,5 tuổi ở nam. Hiện nay, độ tuổi khởi phát dậy thì ngày càng sớm hơn và gây nên nhiều bất lợi cho trẻ, đặc biệt là hạn chế chiều cao khi trưởng thành.

Dậy thì sớm là gì?

Dậy thì sớm (DTS) được định nghĩa là sự xuất hiện một trong các đặc tính sinh dục thứ phát sớm hơn bình thường, tức là trước 8 tuổi ở trẻ gái và trước 9 tuổi ở trẻ trai.

Các đặc tính sinh dục thứ phát ở trẻ gái bao gồm tăng kích thước ngực, xuất hiện kinh nguyệt, ở trẻ trai gồm tăng kích thước tinh hoàn, dương vật ở nam, hay sự phát triển hệ thống lông ở vùng sinh dục, nách, tăng tiết chất nhờn, mụn trứng cá …Tăng chiều cao (trẻ lớn nhanh hơn) so với tuổi cũng là một trong các triệu chứng của DTS nhưng thường không được chú ý.

Dậy thì sớm gây hạn chế chiều cao khi trưởng thành của trẻ:

Sau 4 tuổi, tốc độ tăng trưởng chiều cao của trẻ cho tới giai đoạn trước dậy thì vào khoảng 5cm/năm và đạt tối đa trong giai đoạn dậy thì, có thể tới 10-14 cm/năm ,. Tốc độ tăng chiều cao của trẻ sau 4 tuổi được xem là nhanh hơn bình thường là nếu trẻ tăng>6 cm/năm . Phụ huynh thường hiểu lầm và bỏ qua triệu chứng DTS này, cho rằng trẻ lớn nhanh hơn các bạn đồng trang lứa, nhưng không biết rằng, nếu trẻ thực sự bước vào giai đoạn dậy thì, sự phát triển chiều cao đạt đỉnh chỉ trong khoảng 2 năm, sau đó khi cốt hóa sụn đầu xương hoàn toàn, trẻ sẽ dừng cao sớm hơn, và hậu quả chiều cao ở trẻ khi trưởng thành của trẻ sẽ thấp hơn. Một số nghiên cứu cho thấy chiều cao khi trưởng thành ở trẻ DTS không được điều trị dao động từ 151 đến 156 cm ở nam và từ 150 đến 154 cm ở nữ, tức là trẻ mất khoảng 20 cm ở nam và 12 cm ở nữ so với chiều cao bình thường của người trưởng thành.

Nhận biết trẻ dậy thì sớm:

Khi trẻ có thay đổi về các đặc tính sinh dục như tăng kích thước vú ở trẻ gái, tinh hoàn ở trẻ trai, phát triển hệ thống lông, xuất hiện mụn trứng cá, tăng chiều cao >6cm/năm,…Cha mẹ cần đưa trẻ tới khám Bác sĩ chuyên khoa về Nội tiết trẻ em. Trẻ sẽ được thăm khám, tùy kết quả khám thì các bé có thể được tiến hành các xét nghiệm chẩn đoán DTS như đo nồng độ nội tiết tố trong máu, chụp Xquang xương bàn tay trái để xác định tuổi xương, các thăm dò khác để tìm nguyên nhân DTS như siêu âm vùng chậu, chụp MRI sọ não…

hình ảnh

Hình: Xquang xương bàn tay trái (từ trái sang: trẻ em, thanh niên, trưởng thành)

Cải thiện chiều cao ở trẻ dậy thì sớm:

  1. Thuốc điều trị DTS:

Trẻ DTS thể trung ương vô căn, điều trị bằng thuốc nội tiết ức chế nội tiết đặc hiệu khi có chỉ định giúp làm giảm hoặc dừng sự phát triển các đặc tính dậy thì và sự cốt hóa của sụn nhằm cải thiện chiều cao ở tuổi trưởng thành. Kết quả đạt được tốt nhất nếu trẻ được bắt đầu điều trị trước 6 tuổi, có thể cải thiện 3-8cm chiều cao trưởng thành so với trẻ DTS không được điều trị. Cha mẹ cần quan tâm chú ý đưa trẻ khám Bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

  1. Dinh dưỡng

Trẻ cần được cung cấp đủ năng lượng để đạt được tốc độ tăng trưởng tối ưu trong giai đoạn dậy thì, trong đó Canxi và Vitamin D là các vi chất thiết yếu cho xương phát triển. Nguồn thực phẩm giàu Canxi và vitamin D bao gồm: sữa, thực phẩm từ sữa như sữa chua, phô mai, các loại hải sản, mè, súp lơ …

hình ảnh
Hình: Thực phẩm giàu Canxi
  1. Thể thao

Thường xuyên tập thể dục nhưng đảm bảo an toàn, đặc biệt là các bài tập kéo giãn cơ thể (bơi lội, nhảy cao, bóng rổ, bóng chuyền…) ít nhất 5 buổi/tuần, mỗi buổi từ 15-30 phút sẽ giúp phát triển cơ xương, tăng tiết nội tiết tố tăng trưởng…

  1. Giấc ngủ

Ngủ là thời gian nội tiết tố tăng trưởng tiết ra nhiều nhất trong ngày, đặc biệt từ lúc nửa đêm nhưng với điều kiện là trẻ phải ngủ sâu. Cần bảo đảm trẻ ngủ đủ 8-10 giờ/ngày và ngủ trước 22 giờ để phát triển chiều cao tối ưu.

Nguồn tham khảo

1          C. Barstow, Rerucha C. (2015), "Evaluation of Short and Tall Stature in Children".Am Fam Physician, 92 (1), pp. 43-50.

2          J. C. Carel, Leger J. (2008), "Clinical practice. Precocious puberty".N Engl J Med, 358 (22), pp. 2366-2377.

3          D. A. Klein, Emerick J. E., Sylvester J. E., Vogt K. S. (2017), "Disorders of Puberty: An Approach to Diagnosis and Management".Am Fam Physician, 96 (9), pp. 590-599.

4 https://emedicine.medscape.com/article/924002-overview