Sống ở trên đời, sợ nhất là nghèo khó và bệnh tật. Vậy mà cuộc đời thật trớ trêu, người nghèo lại thường hay gặp nạn. Ví như câu chuyện của chị Hạnh và anh Lọc sẽ khiến nhiều người phải nhói lòng.

Nhà chị Thiều Thị Hạnh (SN 1976) nằm sâu trong con ngõ nhỏ ở thôn Bùi Hạ 2, xã Yên Phú, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa, nhưng đến đầu xã, hỏi hoàn cảnh nhà chị ai cũng tường tận. "Chỉ trong vòng 3 năm, cả hai vợ chồng đều phát hiện bị ung thư, giờ sống thoi thóp chăm nhau ở nhà, tội nghiệp cô chú ấy lắm!", một người dân kể lại.

Năm 2018, nhận tin chồng bệnh bị ung thư giai đoạn 4, cần phẫu thuật ngay, chị Hạnh đã phải bán đi cặp bò được 40 triệu đồng rồi cắm sổ đỏ vay ngân hàng được 80 triệu đồng. Sau hai năm, với nhiều liệu trình xạ trị, bệnh tình của anh Hà Văn Lọc (SN 1970, chồng chị) cũng dần ổn.

Những tưởng, khó khăn rồi sẽ dần qua đi nhưng một lần nữa, nỗi đau lại ập đến. Đầu tháng 2 vừa qua, trong khi đi làm phụ hồ, chị Hạnh đột nhiên thấy tức ngực. Vài ngày sau, cơn đau trở nên nghiêm trọng, chị vội vàng đi khám thì chết sững người khi phát hiện mình bị ung thư phổi giai đoạn 3.

hình ảnh

Hai vợ chồng cùng ung thư chăm nhau qua ngày đoạn tháng (Ảnh: Dân Trí)

Nghĩ đến số tiền vay mượn chữa bệnh cho chồng chưa trả hết, nay lại đến những khoản tiền để chữa bệnh cho mình, chị khóc đến khô cạn nước mắt. Chỉ qua vài tháng, người phụ nữ nhanh chóng già đi, đôi mắt thâm quầng, da xanh nhợt, trên đầu quấn chiếc khăn mỏng, để lộ cái đầu trọc lóc.  

Vừa qua, để có tiền xạ trị cho vợ, anh Lọc phải chạy đi vay mượn anh em họ hàng, bạn bè khắp nơi được 50 triệu đồng. Thế nhưng, sau 3 lần xạ trị cho vợ thì kinh tế gia đình rơi vào cảnh khánh kiệt, chị Hạnh đành phó mặc vào số phận, đến đâu hay đến đó.

"Giờ thì tôi bất lực thật rồi. Các bác sĩ nói liệu trình điều trị đang còn rất dài. Giờ sống được ngày nào biết ngày đó, nhà có hai lao động đều bị bệnh đến tiền ăn cũng không có thì lấy đâu ra tiền chữa bệnh", chị Hạnh nghẹn ngào.

Mỗi ngày trôi qua, hai vợ chồng bấu víu vào nhau cầm cự sống qua ngày. Vừa đi xạ trị lần 3 về nhà, ngồi bên góc giường, thi thoảng chị Hạnh lại ho liên hồi rồi nôn ọe. Nghe những tiếng ho khan của vợ, anh Lọc chỉ biết ôm vợ rồi nước mắt lăn dài trong cùng cực của sự bế tắc. "Vợ tôi đã vất vả vì tôi quá nhiều. Sau khi điều trị bệnh tôi vẫn chưa thể đi làm được vì sức khỏe quá yếu. Thương vợ nhưng tôi chẳng biết phải làm thế nào, bế tắc lắm rồi ", giọng anh Lọc rưng rưng.

Suốt nhiều tháng qua, vì thương cảnh vợ chồng bệnh tật không còn khả năng lao động, nhiều bà con hàng xóm và bạn bè đã hỗ trợ lương thực để vợ chồng anh sinh hoạt hằng ngày. "Người cân gạo, người mớ rau, có hôm chút thịt, con cá…mấy tháng nay, vợ chồng tôi sống được là nhờ tình yêu thương của mọi người.”

Theo lời anh Lọc, vợ chồng anh có cậu con trai vừa học ra trường đang đi làm thuê tại Hà Nội, “Thấy bố mẹ bệnh tật nó cứ đòi về nhưng tôi lấy cớ dịch bệnh không cho về. Chứ con về thấy cảnh bố mẹ thế này tôi sợ nó không cầm được lòng", anh nói.

hình ảnh

Chị Hạnh rơi nước mắt khi nghĩ về gia đình (Ảnh: Dân Trí)

Chua chát và đau đớn quá, cảm giác như trên đời này có bao nhiêu nỗi bất hạnh thì đều giáng xuống gia đình của anh Lọc và chi Hạnh – những con người thiện lương, chân thành, tảo tần nhưng chẳng có chút gì gọi là may mắn.

Xót họ bao nhiêu thì càng quý nghị lực sống của họ bấy nhiêu. Lúc chồng lâm bệnh, vợ một mình cáng đáng chăm chồng từ bữa cơm cho đến nước uống. Còn bây giờ, khi chị vợ đổ bệnh, anh chồng chạy vạy ngược xuôi để lo tiền thuốc men cho vợ.

Ai cũng khóc, cũng rơi nước mắt, không phải vì lo cho sức khỏe của mình mà bởi vì thương đối phương quá đỗi. Nhất là anh Lọc, nghe tin vợ ung thư, anh đau đớn khi trong gia đình chẳng còn gì để bán, anh cay đắng vì mình là đàn ông trụ cột trong gia đình lại chẳng thể đi làm. Có lẽ, anh đã tự trách bản thân nhiều lắm.

Họ khổ quá, khổ từ bệnh tật đến tiền bạc, khổ đến miếng cơm ngon cũng chẳng có để ăn. Nhưng họ vẫn lạc quan sống, vẫn cố bám trụ với thế giới này bởi họ không muốn bỏ rơi bạn đời, còn một ngày để sống, cũng quý giá bạc vàng.

Càng như thế, chúng ta càng càng nể họ vô cùng các mẹ nhỉ. Mấy ai nghèo khó mà biết yêu thương nhau, mấy ai bệnh tật mà biết vượt lên số phận. Tuy cuộc đời ngang trái cho họ nhiều thử thách, nhưng bù lại, tình cảm của anh chị khiến nhiều người xúc động vô ngần.

:hình ảnh

Bữa cơm 'ăn như không ăn" của đôi vợ chồng nghèo khổ (Ảnh: Dân Trí)

Cổ nhân có câu: “Một ngày vợ chồng bằng trăm năm ân nghĩa". Thế nên giữa vợ và chồng không chỉ tồn tại chữ tình, mà còn còn tồn tại chữ "nghĩa" và chữ "ân". Vì ân mà gắn bó, vì nghĩa mà giúp đỡ lẫn nhau.

Ngẫm xã hội thời bây giờ, không phải ai cũng biết trân quý người vợ/ người chồng của mình. Thậm chí nói không ngoa thì những kẻ càng học thức, càng giàu có lại càng xem hôn nhân như áo quần, muốn thay lúc nào thì thay.

Vậy cho nên, ngưỡng mộ lắm tình yêu của anh Lọc và chị Hạnh, họ tuy nghèo khó mà bền chặt, họ không nhà lầu xe hơi mà khiến bao người phải cúi đầu ngưỡng mộ. Giờ đây, chỉ mong lắm ‘ông trời’ hãy thương cho gia đình của họ, cho bệnh tình và sức khỏe của họ có chuyển biến tốt hơn. Hoặc có mạnh thường quân đứng ra giúp đỡ, hỗ trợ đôi phần.

Thôi thì qua câu chuyện của anh chị, mong tất cả chúng ta hãy biết trân trọng gia đình, hãy nhìn vào những thứ mình đang ‘có’ để mà hạnh phúc, chứ đừng chăm chăm nhìn vào những điều đã ‘mất’ mà oán than. Đôi lúc, còn sống và còn khỏe mạnh, đã là điều may mắn nhất trên đời!

Nguồn: Dân Trí