Vì giãn cách xã hội, những món ngon ngày thường bỗng trở nên “khó mua” hơn bao giờ hết. Nhưng nhiều người vẫn chấp nhận giá cả đắt đỏ để thỏa mãn sự thèm muốn của dạ dày.

Có bạn trẻ mua một tô bún bò trị giá 126 ngàn, đợi ròng rã gần 2 tiếng mới có. Thậm chí dĩa cơm sườn bị đội giá lên 50 ngàn với phí ship là 40 ngàn (gần như mua được vài dĩa ngày bình thường). Nhưng đó không phải là điều mà các bạn trẻ quan tâm, bởi có những món ăn rất đắt nhưng chất lượng lại rất tệ.

Tài khoản Phạm Tường đăng tải lên một nhóm mua bán online quận Phú Nhuận những lời chân thành như sau: "Mình nói thật, mình đặt hàng đồ ăn sẵn trong group này khá nhiều, ngon có dở có. Mình không ngại giá một tô bún tăng cao vì dịch dã nguyên liệu khó kiếm, tiền ship lên, nhưng làm phải đàng hoàng, có tâm, như thế mới bền, khách không bỏ hay bóc phốt.

hình ảnh

Màn bóc phốt một "tiệm ăn online" trên ma mạng xã hội (Ảnh: Tuổi Trẻ Cười)

Mình mới order 2 tô bún ở 2 nơi khác nhau, nhìn xong muốn rớt nước mắt. Cả tô lèo tèo miếng chả, cọng rau, lại còn nấu siêu dở. Đây chắc là lần cuối mình mua hàng và tạm biệt luôn. Đồng thời, mong các anh chị bán buôn nhìn nhận sự việc và chụp hình đúng như sản phẩm mình bán, đừng lấy hình mạng cho đẹp vô rồi bán 1 nẻo, nản lắm.

Mốt ai mua gì xin thẳng hình đã chụp, đủ góc cho chắc hoặc xin review những ai đã ăn của quán, nếu cần thiết. Còn hỏi tại sao không nấu cho an tâm thì mình nói thẳng, là không phải ai cũng có điều kiện để nấu. Mình chỉ tâm sự vài dòng, không phốt ai, mong mọi người bình luận trong hòa bình nhé".

Tiếp lời, tài khoản Tuệ Minh nhắn lên group: "Tha thiết khẩn cầu luôn. Mùa này giá cả leo thang, đa phần chúng ta dùng phần tiền tiết kiệm. Ai nhắm chất lượng món ăn của mình được đảm bảo hãy bán, chứ đừng kiểu nửa vời. Khổ tâm người mua lắm!".

Cứ thế, những lời trách móc dở khóc dở cười như trên xuất hiện ở rất nhiều nhóm cộng đồng, nhất là những địa chỉ đang được netizen tìm đến để mua bán online. Tuy nhiên, vẫn có số ít đứng ra "bênh vực" cho những anh chị bán đồ ăn online mùa dịch, cho rằng có thể do khẩu vị vùng miền mà gây nên các tình huống dở khóc dở cười.

hình ảnh

Hình minh họa (Ảnh: Thanh Niên)

Nói về ẩm thực Việt Nam thì ngành này có đặc thù riêng. Nếu không biết gì về bếp mà mở quán thì bị bếp hành cho lên bờ xuống ruộng. Biết bếp mà không biết gì về quản trị cũng không xong. Khi bạn muốn buôn bán thì dù lớn hay nhỏ bạn phải tạo sự khác biệt. Phải trả lời được câu hỏi bạn có gì để lôi cuốn khách đến?

Tay nghề đầu bếp, hương vị món ăn là điều tố đầu tiên và cơ bản nhất. Nếu bạn không giỏi trong chuyện này thì có marketing xuất sắc cỡ nào cũng thua. Nhất là khi công nghệ bùng nổ, chỉ một cái click chuột, chỉ một comment chê dở, hay bị đánh giá 1-2 sao thì coi như công sức đổ sông đổ bể. Lúc đó, rất dễ lâm vào cảnh phá sản, hoặc khởi nghiệp thất bại hoàn toàn, mất trắng tiền vốn.

Nhìn xa hơn, các đối thủ cạnh tranh trong ẩm thực ngày một nhiều. Hàng loạt các thương hiệu nhà hàng, quán ăn, tiệm cà phê trà sữa mới xuất hiện mỗi này như nấm sau mưa. Điều này đã phản ánh phần nào về câu chuyện người người nhà nhà và nhất là chị em phụ nữ đã gửi gắm niềm tin, hy vọng làm giàu ở lãnh địa kinh doanh ẩm thực để khởi nghiệp. Tuy nhiên, sau đó vài tháng hoặc 1 năm, không ít các hàng quán thương hiệu bỗng chốc rơi vào cảnh “dẹp tiệm”.

Thậm chí, Nghệ nhân Ẩm thực Đoàn Thu Thủy đã chia sẻ lại một bài viết dài với mục đích nhắn nhủ, cũng như là cảnh tỉnh các bạn đang muốn khởi nghiệp kinh doanh ẩm thực như sau: "Bán món gì, bạn phải tìm hiểu tường tận, có thể bạn không đứng nấu nhưng bạn phải biết nó ngon dở ra sao, có gì đặc biệt, phải biết làm sao cho nó ngon hơn, làm sao giữ vững chất lượng?

hình ảnh

Hình minh họa (Ảnh trái: weheartit.com)

Nếu chưa biết thì đi học. Nếu không học, không am hiểu thì đừng mở nhà hàng. Bạn có thể thuê đầu bếp giỏi lên thực đơn, dạy lại bếp nhưng ý tưởng phải là của bạn, món ăn đó trình bày ra sao, đựng trong vật dụng gì? Bán bao nhiêu phải chính do bạn quyết định. Nếu không thì sẽ có hàng loạt nhà hàng do đầu bếp đó xây dựng thực đơn na ná nhau, không có dấu ấn riêng của người chủ".

Có câu “ghét ai thì xúi họ mở nhà hàng” hoàn toàn không sai bởi làm ngành này có hàng trăm thứ phải lo. Từ an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng cháy chữa cháy đến thuế má, từ cọng hành trái ớt cho tới món ăn, từ đầu bếp cho tới nhân viên phục vụ...

Thôi thì câu chuyện bán buôn hãy để người trong cuộc tự cảm nhận và có bài học riêng cho mình. Còn sau tất cả, ai nấy đều mong rằng đại dịch sẽ mau chóng qua đi, cuộc sống trở lại bình thường để có thể chỉ làm một việc đơn giản là dắt chiếc xe máy thân yêu ra đường và tìm đến ngay hàng quán yêu thích, để ăn tô mì, tô bún hay dĩa cơm sườn thơm nức mùi thịt nướng.

Nguồn: Tuổi Trẻ Cười