Điều trị dậy thì sớm trung ương

Dậy thì đánh dấu bước phát triển của trẻ từ trẻ con thành người lớn với sự phát triển của bộ phận sinh dục và các đặc điểm sinh dục thứ phát khác (phát triển vú ở trẻ gái, lông, vỡ giọng ở trẻ trai,...). Dậy thì được định nghĩa là sớm khi các biểu hiện dậy thì xuất hiện trước 8 tuổi ở trẻ gái và 9 tuổi ở trẻ trai.

Dậy thì sớm được chia thành 2 nhóm chính là dậy thì sớm ngoại biên và dậy thì sớm trung ương. Dậy thì sớm ngoại biên thường là biểu hiện của các nguyên nhân bệnh lý khác và có cách điều trị riêng theo từng nguyên nhân nên sẽ không được đề cập trong bài này. Nội dung bài này sẽ tập trung vào dậy thì sớm trung ương được điều trị bằng đồng vận GnRH (GnRH agonist/analogue), hiện nay thuốc đươc phê duyệt và có mặt ở Việt Nam là triptorelin.

Dậy thì sớm khiến giai đoạn tăng trưởng chiều cao của trẻ ngắn hơn bình thường và làm trẻ có khuynh hướng thấp lùn khi trưởng thành. Do đó đồng vận GnRH được sử dụng để kìm hãm dậy thì, qua đó cho trẻ có đủ thời gian để phát triển chiều cao tối ưu theo tiềm năng. Tuy nhiên, mức độ cấp thiết và hiệu quả của liệu pháp này tùy thuốc nhiều yếu tố (tuổi của trẻ, tuổi xương, tốc độ dậy thì,...). Do đó, chỉ định, phương án điều trị sẽ do bác sĩ chuyên khoa xác định và tư vấn cụ thể theo tình trạng riêng của từng trẻ.

Theo dõi hiệu quả điều trị


Đồng vận GnRH đạt hiệu quả ức chế hoàn toàn dậy thì sau 4 - 6 tháng bắt đầu điều trị. Do đó có thể mất một vài tháng để thấy hiệu quả điều trị: ba mẹ sẽ thấy tốc độ tăng chiều cao của trẻ chậm lại; tuyến vú và cơ quan sinh dục sẽ ngừng phát triển – thậm chí thu nhỏ kích thước; dừng kinh nguyệt,... Bên cạnh theo dõi ở nhà, ba mẹ cũng nhớ cho trẻ tái khám theo lịch hẹn để bác sĩ cùng theo dõi tình trạng dậy thì của trẻ.

hình ảnh
Thời điểm kết thúc điều trị sẽ tùy thuộc vào tình trạng của mỗi trẻ, thông thường là vào lúc 11 tuổi. Sau khi ngưng thuốc 12 tháng, trẻ gái sẽ xuất hiện kinh nguyệt.

Theo dõi tác dụng phụ 

Các dữ liệu hiện nay cho thấy thuốc đồng vận GnRH có tính an toàn cao cho trẻ. Tác dụng phụ thường gặp là sưng đau tại vị trí tiêm, cơn đỏ bừng mặt, táo bón. Tuy nhiên các triệu chứng này thường nhẹ và thoáng qua.

Tác dụng phụ ít gặp là áp xe vô trùng: sưng phồng, đỏ và mưng mủ nơi tiêm. Khối áp xe thường tự vỡ mủ và khỏi mà không cần phải can thiệp.

Mật độ xương của trẻ có thể giảm trong thời gian điều trị, tuy nhiên tình trạng này sẽ phục hồi sau ngưng thuốc. Có thể phòng tránh bằng cách bổ sung canxi cho trẻ đầy đủ.

Mặc dù rất hiếm, vì bản chất là một chất ngoại lai, đồng vận GnRH tiềm ẩn nguy cơ dị ứng. Do đó trước khi điều trị, ba mẹ nhớ trao đổi với bác sĩ về tiền sử bệnh dị ứng, dị ứng thuốc, thức ăn, vaccine,... (nếu có). Sau khi tiêm, nếu ba mẹ thấy trẻ có dấu hiệu tím tái, thở nhanh, khó thở, phù, nổi mẩn, ngứa trên da, than chóng mặt,...cần đưa ngay trẻ tới trạm y tế gần nhất để được tư vấn và cấp cứu nếu cần. Để đảm bảo an toàn thì thuốc cần được tiêm ở cơ sở y tế và bởi nhân viên y tế đã được đào tạo để tiêm bắp sâu theo hướng dẫn sử dụng thuốc.

Nâng đỡ về mặt tinh thần

Trẻ dậy thì sớm phải tập thích nghi dần với những thay đổi của cơ thể. Vì vậy ba mẹ cần trở thành chỗ dựa vững chắc cho trẻ.

Ba mẹ nên chủ động hướng dẫn, giúp trẻ hiểu được những thay đổi của bản thân, giáo dục giới tính, hướng dẫn kỹ năng để trẻ tự chăm sóc và bảo vệ bản thân. Tuyệt đối không bàn luận về ngoại hình của con.

hình ảnh
Khi trẻ có những biểu hiện bất thường, không phù hợp hay kết quả học tập tụt dốc, ba mẹ cần lắng nghe để hiểu nguyên nhân, tìm cách hỗ trợ trẻ hoặc nhờ tới chuyên gia tâm lý.

Ngoài ra, nên khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động tập thể, năng khiếu, thể dục thể thao để giúp trẻ phát triển toàn diện về mặt thể chất và tinh thần.