Mình mới 32 tuổi mà nói đến tập gym là sợ rồi đấy. Hồi mới sinh xong, mọi người khuyên đi tập gym lấy lại vóc dáng và giảm mỡ nhanh lắm, thế nhưng vào phòng tập có hơn 1 tháng là bỏ cuộc vì mệt các mẹ ạ.

Ngay cả ông xã mình cùng có thời gian nghĩ đi tập gym để tăng cường sức khỏe, nhưng thấy kiên trì được vài tháng, giờ cũng nghỉ luôn rồi.

Thế mà mình vừa đọc trên báo câu chuyện một cụ bà dù đã 71 tuổi, vẫn có niềm vui buổi xế chiều là tập gym đấy các mẹ ạ.

hình ảnh

Bà Mary Duffy 71 tuổi vẫn có niềm đam mê tập gym. Ảnh: Internet

Cụ bà mình đang nhắc tới là bà Mary Duffy (sống ở bang Connecticut, Mỹ), là ví dụ điển hình cho phương châm sống không bao giờ là quá muộn để bắt đầu tập gym.

Bà Duffy đã lập kỷ lục thế giới đáng ngạc nhiên ở bộ môn nâng tạ, bà nói rằng mỗi tuần đã dành ra 20 giờ để luyện tập bộ môn thể thao này. Với sức mạnh hiện tại, bà có thể nâng được 113 kg tạ.

Niềm đam mê cử tạ của bà Duffy bắt nguồn từ sau khi người mẹ qua đời, khi ấy bà 59 tuổi, đã bị tăng cân rất nhiều vì đau buồn và thương tiếc người mẹ quá cố của mình.

Ban đầu, bà tập luyện vì muốn giảm một ít mỡ thừa và duy trì sức khỏe, thế nhưng bà không ngờ bà lại yêu thích môn này.

Nhiều người nghĩ bà Duffy đã quá tuổi để bắt đầu tập gym, nhưng bà vẫn theo đuổi niềm đam mê của mình. Thời gian trôi qua, bà đã cho thấy điều ngược lại. Càng tập luyện, cơ bắp của bà càng phát triển, mỡ ít đi và khối cơ càng khỏe mạnh.

hình ảnh

Bà có thể tập luyện 3 tiếng mỗi ngày. Ảnh: Internet

Năm đầu tiên tập luyện, bà Duffy đã giảm hơn 25 kg nhờ sự hướng dẫn của huấn luyện viên cá nhân. Đến năm bà Duffy 64 tuổi, huấn luyện viên đề nghị bà hãy thử tập nâng tạ. Và cũng trong năm đó, bà đã tham gia cuộc thi cử tạ đầu tiên và tham gia thường xuyên cho đến tận bây giờ.

Hiện tại, bà Mary tham gia 3 lớp huấn luyện nâng tạ và 2 lớp đào tạo cá nhân mỗi tuần. Thời lượng tập luyện trung bình mỗi ngày của bà là gần 3 tiếng. Bà cũng thường xuyên chia sẻ quá trình tập luyện của mình lên trang Instagram cá nhân khiến nhiều người ngưỡng mộ.

hình ảnh

Ảnh: Internet

Từ trước đến nay, bà Duffy đã lập tới 30 kỷ lục ở cấp tiểu bang và thế giới, được Hiệp hội Cử tạ Thế giới công nhận.

Ở Mỹ, bà Duffy cũng hiện đang giữ kỷ lục nâng tạ ở độ tuổi của mình. Bà có thể nâng được 113 kg trong động tác deadlift, 56 kg với bài nâng tạ ngực và 80 kg với squat.

hình ảnh

Bà Mary Duffy lập nhiều kỷ lục nâng tạ ở độ tuổi 71. Ảnh: Internet

Và cũng nhờ tập luyện chăm chỉ, nên bà Duffy dù đã 71 tuổi, nhưng bà sở hữu cơ thể khỏe mạnh. Bà cho biết mình cảm thấy khỏe hơn so với 30 năm trước.

Bà cho biết mình sẽ tiếp tục tập luyện và tiếp tục nâng tạ cho đến khi sức khỏe không cho phép nữa.

Người lớn tuổi nên tập thể thao như thế nào?

Nói về điều này, Bác sĩ Nguyễn Thụy Song Hà - Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch cảnh báo, với những người lớn tuổi chăm chỉ tập thể thao sẽ giúp tinh thần hưng phấn.

Tuy nhiên, vì cơ thể đã có lúc này đã dần lão hóa, nên cường độ tập luyện nếu vẫn còn duy trì như lúc còn trẻ rất dễ gây ra tình trạng chấn thương.

Bác sĩ Hà phân tích, khi còn trẻ, nếu tập luyện mệt mỏi hoặc gặp chấn thương nhẹ, cơ thể sẽ tự phục hồi trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, hệ cơ và xương khớp sẽ dần bị lão hóa, các khớp không còn độ dẻo dai khi về già, nên rất dễ dẫn đến viêm cứng khớp.

Lúc này nếu chấn thương, các vết đau chậm thuyên giảm, nhức mỏi dai dẳng, thậm chí khởi động cũng có thể gây đau.

Chính vì vậy, để việc tập luyện thể thao của người lớn tuổi không ảnh hưởng sức khỏe, Bác sĩ Phan Vương Huy Đổng -Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch khuyến cáo:

- Trước khi quyết định chơi một môn thể thao nào, cần hiểu rõ tình trạng sức khỏe của mình để chọn lựa loại phù hợp với thể trạng, tuổi tác và giới tính.


- Người lớn tuổi nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi lựa chọn để được tư vấn về cường độ tập luyện phù hợp với sức khỏe nhằm đạt hiệu quả tốt nhất. Đặc biệt người đang mắc bệnh mãn tính như tim mạch, xương khớp...


- Đối với người trên 50 tuổi nên chú trọng các bài tập cân bằng, tăng sức mạnh chân và sự nhanh nhẹn linh hoạt... 


- Với các môn thể dục thể thao như đi bộ, khiêu vũ, chạy chậm khoảng 30 phút/ngày và không quá 5 ngày/tuần. 


- Với bài thể dục đi bộ kết hợp chạy bộ hay đạp xe nên hoạt động với thời lượng ngắn, khoảng 20 phút /ngày và 3 ngày/tuần.


- Đối với người mắc một số bệnh mãn tính nên lựa chọn môn thể thao nhẹ nhàng, không gây ra quá nhiều áp lực lên đầu gối như tập dưỡng sinh, yoga, đạp xe, bơi lội, tập đi bộ trong nước, đi bộ từ 10 - 15 phút/lượt.


- Quá trình tập luyện thường xảy ra những chấn thương ngoài ý muốn như trật khớp vai, bong gân hay lật cổ chân... Vì vậy, cần khởi động đầy đủ và đúng cách để không gây mệt mỏi và xuống sức khi tập luyện.

Nguồn: Tổng hợp