Ở tuổi 71, bà Yoko Ogasawara được cho là đang có cuộc sống thoải mái, hài lòng với những gì mình có sau gần cả cuộc đời tiết kiệm. Không chỉ nhận lời phỏng vấn trên tạp chí, bà còn xuất bản một số cuốn sách dạy tiết kiệm.

Đang yên đang lành, dịch bệnh xảy ra, kéo dài từ năm ngoái đến năm nay chưa dứt dù có bao nhiêu nỗ lực. Đây cũng chính là lúc biết bao nhiêu người chao đảo, đặc biệt là những bạn trẻ vốn quen với cuộc sống không lo nghĩ, không màng chuyện dành dụm. Bao nhiêu tiền nướng vào những cuộc vui, vào mua sắm, để khi mất việc không có thu nhập thì cầu cứu gia đình.

Vấn đề tiết kiệm chưa bao giờ trở thành chủ đề đáng được quan tâm như hiện nay. Những bạn trẻ quen thói tiêu xài hoang phí giờ quay về xin tiền gia đình, nhận từng đồng cha mẹ cho mới thấy hối hận. Cụ bà Yoko Ogasawara - chuyên gia tiết kiệm ở Nhật khiến nhiều người phải suy ngẫm với phương châm “trẻ sống tằn tiện, về già an nhàn”. Ở tuổi 71, bà hài lòng với cuộc sống của mình và không bao giờ phá bỏ quy tắc đề ra trong việc sống tiết kiệm.

hình ảnh

Bà mặc lại áo của anh trai, cổ tay áo bị hư đã được may lại để chống sờn. Ảnh esse-online.jp

Bà Yoko khuyên mọi người nên có kế hoạch chi tiêu cụ thể và đề ra một số tiền nhất định để chi tiêu trong 1 ngày, 1 tuần hoặc 1 tháng. Phần còn lại sẽ được cất riêng để tránh chi tiêu quá đà. Về phần bà, mỗi ngày bà chỉ xài đúng 1.000 yen (khoảng 206 nghìn VND). Trong khi mỗi bát mì ramen đơn giản đã có giá 600 yen, bát cơm donburi 700 yen. Vậy thì mức chi tiêu của bà Yoko được cho là quá tằn tiện. 

Mỗi tháng bà Yoko chỉ tốn 31.000 yen cho tiền thuê nhà, điện, nước trong khi bà sống tại thành phố Tokyo. Còn với người khác, số tiền trung bình mỗi tháng chi tiêu phải nằm ở khoảng 73.705 yen.

Vì số tiền chi tiêu hằng ngày có định mức, mỗi lần ra ngoài mua sắm bất cứ thứ gì, bà luôn viết danh sách và đi thẳng đến siêu thị, tìm đúng quầy hàng có món đồ cần và nhanh chóng đi sang khu vực khác. Như vậy sẽ giúp bà không bị xao nhãng hoặc thu hút bởi những món không có trong dự định. Ở quầy thanh toán bà sẽ bỏ lại một món để giảm bớt chi tiêu.

hình ảnh

Bà cắt giấy để treo ngoài cửa có tác dụng vừa trang trí vừa hạn chế ánh sáng. Ảnh news.livedoor.com

Trong cuộc sống hằng ngày, nếu có thể dùng sản phẩm thay thế thì bà sẽ lựa chọn để tiết kiệm hơn. Ví dụ như chuyện bà sẽ không sử dụng giấy ăn mà thay vào đó là giấy vệ sinh cuộn, mỗi lần dùng chỉ xài đúng 20cm. Như vậy, theo bà tính, một cuộn giấy vệ sinh có thể dùng gần 300 lần vừa rẻ hơn so với giấy ăn vừa kiểm soát số lượng sử dụng.

Những tờ giấy hóa đơn sau mỗi lần mua sắm, bà không vứt đi mà để lại, kẹp thành sấp dày làm giấy ghi chú những thứ cần thiết. Không bỏ kem đánh răng, sữa rửa mặt dạng tuýp khi chúng hết, bà sẽ cắt đôi ra và sử dụng hết phần còn sót lại.

Về việc ăn uống, bà Yoko pha trực tiếp trà vào ly thay cho ấm. Theo bà, pha vào ly để đỡ tốn nước rửa ấm và phần nước, bã trà còn lại sẽ được chan với cơm. Món ăn này có tên “ochazuke” - một món truyền thống của Nhật Bản.

hình ảnh

Một ngày ăn của bà gói gọn trong 1000 yen. Ảnh esse-online.jp

Mỗi bữa cơm bà có thói quen mở chương trình ẩm thực hoặc quảng cáo để tăng thêm phần ngon miệng. Bà không muốn tốn tiền mua khăn trải bàn và giặt chúng nên sẽ dùng tờ rơi để trải lên. Bà còn tận dụng hộp nhựa sau khi sử dụng để đựng rau hoặc thực phẩm thay cho túi nilon và màng bọc thực phẩm.

Bà Yoko chưa từng chi tiền mua gia vị mà chủ yếu lấy từ các gói sốt, gia vị đi kèm trong gói thức ăn hoặc nhà hàng. Chính cuộc sống có phần tằn tiện của bà Yoko trở thành cảm hứng cho nhiều người nhưng ngược lại cũng có không ít người cho rằng sống như thế này không thoải mái, quá chi li mệt mỏi khi phải để ý từng chút một, tiết kiệm quá mức khi tài chính không quá khó khăn. Tất nhiên là mỗi người sẽ có cách chi tiêu khác nhau, sao cho họ cảm thấy thoải mái nhất và bà Yoko cũng vậy. Người ngoài cảm thấy không đồng tình với cách chi tiêu của bà nhưng bà lại vui vẻ, sống khỏe. 

hình ảnh

Tiết kiệm và tái chế hết sức có thể trong cuộc sống của bà Yoko. Ảnh news.yahoo

Bà Yoko có phương châm sống của riêng mình, đó chính là “trẻ sống tằn tiện, về già an nhàn” và bà đã thực hiện theo đúng như vậy trong gần cả cuộc đời. Chính sự tiết kiệm của bà còn mang đến những giá trị đáng quý, nhất là trong việc bảo vệ môi trường. Thay vì vứt đi những thứ sau khi sử dụng, bà sẽ suy nghĩ xem có thể tận dụng để làm gì tiếp theo, điều này thật sự rất đáng học hỏi.

Bà Yoko chính là nhân vật khá nổi tiếng ở Nhật và không chỉ nhận lời phỏng vấn trên tạp chí, bà còn xuất bản cuốn sách hướng dẫn mọi người tiết kiệm tiền hiệu quả. Bạn nghĩ gì về cách sống tiết kiệm của bà Yoko Ogasawara?

Nguồn tham khảo: esse-online.jp, news.livedoor.com