Nhận được hũ tro cốt của người thân, cô gái bày tỏ lòng biết ơn đến đội vận chuyển tro cốt bằng thùng quà, trong đó có một phong thư.

Dịch bệnh mang đến quá nhiều đau thương và mất mát không thể nào kể xiết. Vợ mất chồng, con mất cha mẹ, ông bà... Những gia đình sau khi nhận về hũ tro cốt của người thân sau thời gian chiến đấu với dịch bệnh, họ đã nghẹn ngào không nói nên lời trước nỗi đau quá lớn.

Theo Vietnamnet đưa tin, anh Lê Thượng Tiến và các thành viên đội vận chuyển tro cốt (thuộc Ban chỉ huy quân sự quận 8, TP.HCM) nhận nhiệm vụ giao phần tro cốt cho gia đình người đàn ông khoảng 50 tuổi tên Em vừa mất vì nCoV và câu chuyện giữa đội của anh và con gái người quá cố đã làm bao người xúc động.

Được biết, ông Em sinh sống một mình tại Sài Gòn mà không có ai thân thích. Khi ông mất, đội giao tro cốt không tìm được thông tin người nhà nên đã thống nhất với nhau sẽ đăng thông tin lên Facebook cá nhân. Rất nhanh sau đó, con gái của ông Em đã liên lạc xin nhận tro cốt của cha.

hình ảnh

Người thân xúc động nhận lại tro cốt của cha. Ảnh Vietnamnet

Chị Oanh, con gái ông Em cũng nói rõ về hoàn cảnh của cha. Theo chị cho biết, ông Em lên Sài Gòn làm ăn 20 năm nay, đợt dịch này không thể về nhà nên mắc kẹt lại. Ai ngờ đâu ông nhiễm bệnh rồi qua đời.

Đội giao tro cốt của anh Tiến nhanh chóng lên đường đến Hậu Giang nhưng do nơi đây là vùng xanh nên chỉ có thể dừng xe ở địa phận giáp ranh 2 tỉnh Cần Thơ - Hậu Giang. Người nhà ra nhận tro cốt nghẹn ngào bởi sự mất mát quá lớn, cha con chưa kịp tương phùng. Chị Oanh ôm hũ tro vào lòng, vậy là sau bao năm bôn ba đất khách, người cha đã trở về bên cạnh gia đình.

hình ảnh

Sau bao năm bôn ba đất khách, người cha đã trở về bên cạnh gia đình. Ảnh Vietnamnet

Đến nhận tro cốt của cha, chị Oanh mang theo một thùng carton trong đó có trái cây, viên sủi C, nước và một bức thư viết tay. Nội dung bức thư là lời cảm ơn vì sự tận tụy, cố gắng hết sức của các chiến sĩ bộ đội và động viên mọi người cố gắng đánh bại đại dịch:

“Thân gửi các chú bộ đội! Em biết, trong thời gian dịch bệnh khó khăn như thế này, các chú đã cống hiến hết mình cho nhân dân, chắc hẳn cũng có những giây phút mệt mỏi nhỉ? Nhưng không sao, bên cạnh các anh còn có em, có mọi người ủng hộ… Em gửi lời cảm ơn chân thành và hy vọng các anh có thật nhiều sức khỏe để tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ, đánh tan kẻ thù Covid-19 nhé! Cố lên!”.

Không chỉ là lời cảm ơn, bên trong bức thư còn có 500 ngàn đồng. Anh Tiến đã trả lại số tiền này mà chỉ nhận số trái cây và bày tỏ sự cảm động trước tấm lòng của gia đình. 

hình ảnh

Bức thư trong thùng trái cây mà chị Oanh gửi tặng đội vận chuyển tro cốt. Ảnh Vietnamnet

Trong thời gian qua có những người làm công việc thầm lặng để san sẻ phần nào những nỗi đau của gia đình có người mất vì dịch bệnh. Họ là những người chấp nhận thức đêm, mỗi ngày bền bỉ bên chiếc máy tính để làm ảnh thờ miễn phí. Dù công việc của họ trước đây không hề liên quan gì đến công việc này nhưng chứng kiến nhiều gia đình có người thân mất không có ảnh thờ, họ đã không thể nào nhắm mắt làm lơ. 

hình ảnh

Anh Ân làm ảnh thờ miễn phí cho khách. Ảnh Thanh niên

Để người nhà nạn nhân có thể tiện liên lạc, anh Ân ở Gò Vấp đã đăng tải trên trang facebook cá nhân về việc làm ảnh thờ miễn phí và nhờ bạn bè chia sẻ thông tin này. Ngay sau đó, anh nhận được rất nhiều cuộc gọi, tin nhắn nhờ làm ảnh thờ. Anh tâm sự: 

“Kế hoạch lúc đầu của tôi sẽ in và đóng khung gửi đến cho các gia đình đã nhờ tôi làm ảnh thờ, tôi đã cố gắng liên lạc với tất cả nhà in mà tôi quen biết. Đa số họ đều đã nghỉ, có một nhà in đã chấp nhận in cho tôi nhưng họ không giao hàng được. Trong khi đó, đặt shipper rất khó vì ít hoạt động cho nên tôi đành phải gửi file Zalo cho người nhà của họ. Tôi cũng gợi ý, nếu muốn thờ cúng, hãy mở file trên điện thoại, Ipad và chuyển lên tivi để thờ cúng tạm thời, rồi mình đợi hết giãn cách sẽ in sau, để tuân thủ theo chỉ thị”.

Những người làm công việc này không cần ai ghi nhận, không cần ai trao thưởng, họ chỉ cần dịch bệnh nhanh chóng qua đi để cuộc sống trở lại bình yên như trước. Đội vận chuyển tro cốt hay người làm ảnh thờ như anh Ân chỉ mong “ế khách”, không còn tro cốt để giao hay không còn ai nhờ làm ảnh thờ nữa. Bởi khi họ “ế khách” thì có nghĩa xã hội đang được bình yên, sẽ không còn mất mát nào vì dịch bệnh. Một lần nữa, xin gửi lời cảm ơn chân thành đến họ - những anh hùng thầm lặng.