Chuyện tiền ‘từ trên trời rơi xuống’ chỉ có trúng số còn không thì chắc chỉ có trong những câu chuyện cổ tích ngày xưa mình còn nhỏ được kể đó các mẹ, chứ nếu có thật thì cũng phải nghi ngờ nha, kẻo mình là nạn nhân của bẫy lừa ấy.

>>> Lỡ chuyển nhầm 50 triệu cho bạn gái, cầu cứu vẫn không được trả: Chỉ cách cho khổ chủ lấy lại

Em nói không ngoa đâu, theo trang Dân Trí, chị O., ngụ ở Ba Đình, thành phố Hà Nội kể sáng ngày 12/6/2021, chị bất ngờ nhận được hơn 45 triệu đồng trong tài khoản ngân hàng với nội dung đính kèm đến khó hiểu. Rồi đến cuối giờ cùng ngày chị được một tài khoản Zalo lạ kết bạn, tự xưng là công ty tài chính đã giải ngân khoản vay của chị. Tự dưng ở đâu chị bỗng trở thành con nợ. Thấy ‘có mùi’ lừa đảo, nên chị báo Công an ngay. Và có vẻ như tên này biết kế hoạch lừa đảo của mình bất thành nên đã lập tức đổi thái độ và hăm dọa chị. Chị kể sau khi báo Công an xong, chị đến ngân hàng thực hiện các thủ tục tra soát và giao toàn bộ số tiền đó cho cơ quan Công an giải quyết.

hình ảnh


Ảnh minh họa. Nguồn: Dân Trí. 

Một số chuyên gia cho rằng đây là chiêu trò lừa đảo, các đối tượng đã dùng chiêu trò này hồi năm ngoái, nay được dùng lại. Nạn nhân mà chúng nhắm đến thường là những người hiền lành, nhẹ dạ cả tin.

3 chiêu thức ‘chuyển nhầm’ thường gặp, mẹ có thể nhận biết như sau:

#1. Khi đã thu thập được một số thông tin cá nhân của người dùng chẳng hạn như tên tuổi, số điện thoại, địa chỉ, các đối tượng thường cố ý chuyển nhầm một số tiền đến ‘con mồi’. Sau đó, giả danh là  người thu hồi công nợ của công ty tài chính để liên hệ và yêu cầu trả lại khoản tiền kia được xem là khoản vay cùng với lãi suất khủng.

#2. Có đủ thông tin cá nhân của người dùng, đối tượng đóng giả làm nhân viên ngân hàng để gọi điện xử lý số tiền nhầm nêu trên.

Hồi đầu tháng 5/2021, Công an quận Đống Đa, thành phố Hà Nội đã bắt giữ nhóm đối tượng chuyên giả danh ngân hàng lừa đảo người bị chuyển nhầm để chiếm đoạt tiền của họ có trong tài khoản.

hình ảnh


Ảnh: 3 đối tượng bị bắt. Nguồn: Báo Công an TP.HCM. 

Thủ đoạn là lập ra trang web giả mạo ngân hàng, giao diện thường na ná với ngân hàng, sau đó tìm kiếm ‘con mồi’ gọi điện đóng giả nhân viên ngân hàng hỗ trợ khắc phục sự cố. Các đối tượng gửi link lạ để họ nhập vào website giả mạo tài khoản ngân hàng để chiếm đoạt thông tin và tiền trong tài khoản thật của họ.

#3. Chuyển khoản nhầm sau đó có điện thoại yêu cầu chuyển trả lại thông qua một số tài khoản khác không phải là tài khoản ngân hàng đã chuyển nhầm.

Nhận biết 1 trong 3 chiêu thức lừa đảo trên, mẹ hãy liên hệ với Công an địa phương và chi nhánh ngân hàng gần nhất để giải quyết, tránh gọi điện trao đổi qua lại vì mình không xác định được rõ người đầu dây bên kia là ai, có thật sự đúng là nhân viên ngân hàng không.

Trong trường hợp không thể đến ngân hàng được ngay, mẹ gọi số hotline của ngân hàng để nhờ hỗ trợ, tuyệt đối không nhận và nghe theo cuộc gọi lạ nhé!

hình ảnh


Ảnh: Chị O. bất ngờ nhận được hơn 45 triệu đồng từ người lạ mà không rõ lý do. Nguồn: Dân Trí. 

Theo quy định của pháp luật dân sự, trong trường hợp người chiếm hữu hoặc sử dụng tài sản của người khác mà không có căn cứ pháp luật thì phải hoàn trả cho chủ sở hữu. Nếu không tìm được chính xác chủ sở hữu, hãy giao nó cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xử lý.

Các đối tượng lừa đảo này tùy trường hợp mà bị xử lý tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc tội sử dụng mạng viễn thông để chiếm đoạt tài sản. 

Đối với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174 của Bộ luật hình sự hiện hành thì mức án phạt là phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm, hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 20 năm, hoặc tù chung thân. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể phải nộp tiền phạt từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Còn đối với tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để chiếm đoạt tài sản theo Điều 290 của Bộ luật hình sự hiện hành thì mức phạt là phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm, hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 20 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể phải nộp tiền phạt từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Đây là bài học kinh nghiệm mẹ cần rút ra cho bản thân và người thân trong gia đình, chớ có lơ là để mất tiền rồi hối không kịp.