Mấy hôm nay nắng nóng gay gắt, đều trên 37, 38 độ C nên cứ buổi trưa với buổi tối muốn ngủ ngon em lại phải mở điều hòa. Dự là hóa đơn tiền điện tháng này lại tăng chóng mặt cho mà xem. Nhớ lại 3 tháng hè năm ngoái, nhà em 3 người lớn, 1 trẻ nhỏ mà toàn hết gần 2 triệu tiền điện, xót ví lắm. Năm nay do ảnh hưởng bởi dịch bệnh nên thu nhập của hai vợ chồng em đều bị ảnh hưởng, tiền điện mà tốn kém nữa thì chẳng biết chi tiêu kiểu gì. Để tiết kiệm điện khi dùng điều hòa, em có tham khảo và áp dụng một số mẹo sau đây:

Dùng loại điều hòa có công suất phù hợp với diện tích phòng

Chọn điều hòa có công suất phù hợp với diện tích phòng sẽ quyết định tới lượng điện năng cần tiêu thụ đấy ạ. Trường hợp công suất điều hòa quá nhỏ trong khi diện tích phòng lớn thì dù máy chạy hết công suất cũng không đủ để làm mát phòng, rất tốn điện mà thiết bị cũng nhanh hỏng. Nếu điều hòa có công suất quá lớn lại lắp ở phòng nhỏ thì không cần thiết, máy chạy gây tốn điện trong khi dư thừa hơi lạnh. Với phòng rộng khoảng 15 - 20m2, mẹ nên chọn loại điều hòa 9000 BTU. Phòng có diện tích lớn hơn thì chọn loại điều hòa 12.000 BTU hoặc 19.000 BTU.

hình ảnh

(Hình minh họa - Nguồn: Internet)

Không để nhiệt độ quá thấp

Mức nhiệt ngoài trời tăng 1 độ C thì lượng điện cần tiêu thụ của máy điều hòa sẽ tăng từ 1,5 đến 3%. Khi nhiệt độ điều hòa được hạ từ 26 xuống 25 độ C thì lượng điện cần tiêu thụ cũng sẽ tăng từ 1,5 đến 3%.  Như vậy, việc hạ nhiệt độ điều hòa xuống quá thấp vừa gây tốn điện vừa dễ dẫn đến sốc nhiệt khi chúng ta đang ở trong phòng có điều hòa đi ra ngoài trời đột ngột. Mức nhiệt độ phù hợp là từ 25 - 28 độ C. 

Ngoài ra vào ban đêm các mẹ cũng không nên để mức nhiệt quá lạnh. Có thể sử dụng chế độ Night để sau mỗi tiếng nhiệt độ điều hòa lại tự tăng lên khoảng 1 độ, cuối cùng dừng ở mức 28 - 29 độ C vì càng về đêm không khí càng mát. Điều hòa sẽ hoạt động ít hơn và đỡ tốn điện hơn.

Bật chế độ “dry”

Ở chế độ cool, điều hòa sẽ lấy nhiệt nóng từ trong phòng đẩy ra cục nóng ở ngoài để làm mát không khí, cần tiêu tốn một lượng điện năng rất lớn. Chế độ dry thì khác hoàn toàn, điều hòa hút hơi ẩm ra khỏi phòng để không khí trong lành, khô ráo, lượng điện năng cần tiêu thụ là rất ít.

Tiến sĩ Trần Văn Thịnh, Bộ môn Thiết bị điện, điện tử, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội từng cho biết trong một bài báo: Chọn chế độ dry giúp giảm lượng điện cần tiêu thụ của điều hòa xuống 10 lần, nhiệt độ trong phòng và ngoài trời không chênh nhau quá nhiều nên hạn chế được tình trạng sốc nhiệt.

hình ảnh

(Hình minh họa - Nguồn: Internet)

Chống thoát nhiệt qua khe hở

Trong khi mở điều hòa, nếu phòng có các khe hở qua cửa sẽ làm thất thoát nhiệt lạnh ra ngoài, điều hòa cần thời gian lâu hơn để làm mát nhiệt độ phòng và luôn phải hoạt động hết công suất dẫn đến tốn điện. Để kiểm tra, các mẹ mở điều hòa, đóng kín cửa rồi đi ra ngoài. Sau đó, thử đặt tay lên các khe hở ở cửa, nếu thấy lạnh thì tức là khí mát đã bị thoát ra, cần dùng keo, giẻ bịt kín lại hoặc gọi thợ tới khắc phục.

Không bật tắt điều hòa liên tục

Nhiều người hay bật điều hòa khoảng 30 phút - 1 tiếng cho phòng mát rồi lại tắt đi để bật quạt và nghĩ làm như vậy cho đỡ tốn điện; khi nóng quá mới bật lại một lúc. Tuy nhiên, cách làm này khiến điện tốn hơn nhiều và máy rất nhanh hỏng. Lý do là khi khởi động, điều hòa cần tiêu tốn rất nhiều điện năng. Các mẹ chỉ nên bật/tắt thiết bị trước khi ra ngoài khoảng 30 phút. Sau khi đã tắt điều hòa bằng remote, vẫn nên tắt nguồn Aptomat để tránh máy tiêu thụ điện ngầm.

hình ảnh

(Hình minh họa - Nguồn: Internet)