Dạo gần đây, vì dịch bệnh, có rất nhiều đám cưới được tổ chức gọn nhẹ. Nhiều người cứ nghĩ, cưới mà đơn sơ quá thì hẳn cô dâu chú rể sẽ rất buồn.

Nhưng không các mẹ ạ, người Việt mình thông minh lắm, “’cái khó ló cái khôn”, họ sẽ luôn tìm cách để ngày vui của mình được trọn vẹn, thậm chí còn vô cùng độc đáo, ví như câu chuyện sau.

Chú rể Đàm Danh Tùng và cô dâu Lê Trang (28 tuổi) cùng ở Thanh Hóa, vốn là hai “runner” quen mặt trong cộng đồng marathon. Và để ngày cưới của mình thêm phần đặc biệt, cô dâu quyết định chú rể phải thực hiện thử thách chạy bộ đến đón dâu.

hình ảnh

Chú rể chạy bộ suốt 19km (Ảnh: VNE)

Hơn 4 giờ sáng ngày 11/7, Danh Tùng chuẩn bị đồ đạc để bắt đầu "cuộc đua quan trọng nhất đời mình", từ huyện Quảng Xương sang Hoằng Hóa của tỉnh Thanh Hóa, dài gần 19km. Tùng mặc đồ chạy như bình thường, còn quần áo chú rể gửi người mang đến sau.

Mất khoảng 1 giờ 38 phút, chú rể Danh Tùng đã hoàn thành quãng đường và có mặt ở đám cưới. Cô dâu Lê Trang ra đón anh trong bộ áo dài trắng tinh khôi, nhẹ nhàng. Sự hạnh phúc cùng nụ cười tươi hiện trên khuôn mặt của cả hai. Sau bao cuộc chạy, họ mới tìm thấy nhau và cùng về đích là một mái nhà.

"Chạy bộ từ nhà đến đón dâu là một kỷ niệm tôi sẽ không bao giờ quên", chú rể nói. Danh Tùng cũng cho biết, đám cưới được tổ chức khá gói gọn, đảm bảo quy định về chống dịch. Đám cưới chủ yếu gồm các thành viên trong gia đình và vài người bạn có mặt, còn lại được gửi tin báo hỷ.

hình ảnh

Cô dâu đón chú rể bằng một nụ hôn trên má (Ảnh: VNE)

Danh Tùng vốn là thành viên của câu lạc bộ Thanh Hóa Runners. Đây cũng là nơi bén duyên cho cặp đôi. Anh chia sẻ, năm 2019, khi tham gia giải đua đã gặp gỡ và quen biết các thành viên của nhóm. "Lúc đó thấy các bạn ấy nhỏ con mà chạy 42km choáng quá, thế là về tôi cũng tập theo và bắt đầu sinh hoạt nhóm. Vào câu lạc bộ thì cũng gặp và quen vợ bây giờ", Tùng kể lại.

Tháng 6/2020, Danh Tùng tham gia chuyến chạy bộ xuyên Việt cùng với các chân chạy phong trào khác. 10 vận động viên cùng đoàn hỗ trợ bắt đầu hành trình từ Lạng Sơn đến tận mũi Cà Mau trong 284 giờ. Lê Trang khi ấy cũng theo đoàn làm công tác hậu cần. Cả hai nảy sinh tình cảm từ khi hành trình kết thúc và có nhiều kỷ niệm đáng nhớ.

"Khi hành trình bắt đầu vào chặng 2 từ Hòa Bình về Thanh Hóa, lúc đó là ban đêm. Sau khi chạy xong, tôi lên xe máy do cô ấy chở. Chạy nhiều mệt và buồn ngủ quá nên có lúc lịm đi, suýt chút nữa thì ngã từ xe máy xuống. Thế mà, lúc ấy cô ấy nhất định không cho ôm", Tùng vừa cười nói. Một năm sau hành trình chạy xuyên Việt đáng nhớ, Danh Tùng và Lê Trang về chung một nhà.

hình ảnh

Cả hai đã có những giây phút tuyệt vời (Ảnh: VNE)

Khi biết đến câu chuyện này, em thật sự ngưỡng mộ cách tổ chức đám cưới của đôi bạn trẻ. Vẫn vui, vẫn nhiều dấu ấn, vẫn đặc biệt… dù hôn lễ không có nhiều người, thậm chí bạn bè chẳng thể tới ăn mừng. Không sao hết, đợi dịch qua đi, chúng ta vẫn còn có nhiều cơ hội để rộn ràng.

Có người nói, tại sao không hoãn cưới nhỉ? Em lại trộm nghĩ, hoãn cưới sẽ mất đi ngày lành tháng tốt, hoãn cưới sẽ làm mất đi cơ hội của đôi trẻ được “danh chính ngôn thuận” về chung một nhà. Cưới chỉ là chuyện nhỏ, những dự định sau đó mới quan trọng hơn, ví dụ cùng cùng vay tiền mua nhà, cùng sinh con đẻ cái.

Nói như vậy, không phải là để cổ xúy cưới xin trong mùa dịch mà để chúng ta có cách nhìn mới hơn về những đám cưới giản đơn. Ai nói cưới xin là cần phải linh đình, cầu kỳ, xa hoa? Quan trọng là cô dâu chú rể sống với nhau tới đầu bạc răng long, yêu thương và chung thủy.

Hình thức, tất nhiên phải có (vì cả hai xác định chỉ cưới duy nhất một lần), nhưng vẫn đảm bảo công tác chống dịch. Nhờ đó chúng ta nhận ra một đám cưới vừa đủ, đám cưới ít người vẫn vui. Như phương Tây đó ạ, đâu cần mời hết bà con chòm xóm gì đâu, họ cũng chỉ mời những người thân yêu nhất, càng gọn nhẹ, càng tinh giản, thì cô dâu chú rể càng có cơ hội được trò chuyện với khách mời nhiều hơn. Chứ hôn lễ mà chỉ có đi ăn rồi về, thì buồn lắm!

hình ảnh

Lại nói riêng về câu chuyện của đôi bạn trẻ Danh Tùng và Lê Trang, thử thách chạy bộ đón dâu nghe vừa dễ thương và vừa nâng cao tinh thần sức khỏe. Nhiều người không biết, tưởng cô dâu yêu cầu cao quá, lỡ chạy đường xa chú rể ngất xỉu rồi sao.

Nhưng khi biết chuyện, mọi người với vỡ lẽ chú rể là “dân chạy” có tiếng, quãng đường 19km là thử thách không khó khăn gì. Lại nói, chạy bộ là môn thể thao kết nối hai người với nhau nên việc “thách cưới” bằng chạy bộ đong đầy ý nghĩa. Cặp đôi cũng dại diện cho tầng lớp trẻ không ngồi ì một chỗ, luôn vận động cả thể chất lẫn tinh thần, đáng học hỏi, đáng tuyên dương.

Sau cùng, người Việt mình nên hướng tới những phong cách như thế này, thay vì thách tiền vàng, thách uống rượu, thách chú rể phải thực hiện những hủ tục xấu xí thì tại sao chúng ta không thách những thứ văn minh hơn. Đàn ông trước khi có tiền phải có sức khỏe, có sức khỏe mới bảo vệ được vợ con và gia đình. Một đám cưới nhỏ mà nhiều ý nghĩa các mẹ nhỉ!

Nguồn: VNE