Mấy hôm trước em nghe tin TP.HCM bắt đầu có những bước nới lỏng cho phép bán hàng mang về. Trong lòng mừng thầm vì mình sắp được thưởng thức các món quen thuộc của Sài Gòn ngày xưa, cơ mà dạo quanh các trang bán hàng online nhìn giá thôi thì cũng phải chùn bước để suy nghĩ lại.

hình ảnh


Ảnh minh họa. Nguồn: Vietnamnet. 

>>> Rau, quả, thịt tăng 4 - 5 lần, trừ thu nhập: Không do vận chuyển mà người bán 'ăn dày'

Nay em đọc bài báo Thanh Niên thấy có nhiều người cùng cảnh ngộ và suy nghĩ với mình ghê nơi. Chẳng hạn như chị Thanh Hà ở quận 3 khi nghe tin cho phép kinh doanh dịch vụ ăn uống trở lại, chị tìm ngay bánh mì là món khoái khẩu quen thuộc ngày trước. Nhưng hỡi ôi khi xem bảng giá bánh mì nhân thịt được rao bán trên Facebook có giá đến 75.000 đồng, chưa tính tiền ship 30.000 đồng. Thế là nếu muốn ăn chị sẽ phải trả tận 105.000 đồng, đắt gấp 3 lần so với bình thường.

Nghe kể bánh mì chị muốn mua thuộc thương hiệu nổi tiếng, trước đây khi chưa giãn cách, người mua phải xếp hàng chờ tới lượt dù giá liên tục tăng. Nay nếu khách hàng đặt qua Shopee thì giá 1 ổ là 58.000 đồng, nhưng do tiệm bánh ở quận 1 mà nhiều khách hàng mua ở quận khác nhau nên thị trường xuất hiện nhiều Facebooker gom đơn giao với giá đến 75.000 đồng/ổ và kèm theo phí ship từ 25.000 đến 50.000 đồng tùy quận.

Không chỉ riêng món bánh mì đâu, bún bò Huế cũng không ngoại lệ. Theo bài báo, có nơi bán đến 75.000 đồng/tô, hoặc từ 110.000 đến 120.000 đồng/tô. Chưa tính phí ship, nếu tính luôn khoản này thì để ăn được 1 tô bún bò, người dân phải trả tối thiểu 100.000 đồng. Chị An ở quận 7 chia sẻ, chị thèm bún bò mà tìm hoài không thấy quán nào cùng quận để đỡ tiền ship, nên thôi lại tiếp tục nhịn vậy. Giá mỗi tô lên hơn 100.000 đồng cũng gần đủ tiền để mua thức ăn 1 bữa cho cả nhà nên thôi phải tiết kiệm.

Còn chị Nguyễn Giang ở quận 7 cũng dở khóc dở cười khi đặt mua 2 hộp kem và hộp bánh trung thu trên địa bàn quận 2 có giá gần 1 triệu đồng, trong đó tiền ship hết 150.000 đồng. Chị nói nhìn phí ship xong hết muốn ăn, nên đành chọn tiệm khác. Nhiều khi thèm ăn món này hay món kia mà nhìn phí ship xong thì tụt hết cả cơn.

Đó là những lời tâm sự đứng trên góc độ của người mua, còn người bán họ cũng đâu có sung sướng gì. Mua nguyên liệu thực phẩm để phục vụ cho bữa ăn hàng ngày thì bà con cũng biết rồi đó, giá đắt chưa từng thấy nhưng cũng phải bấm bụng mua, họ bán còn phải kiếm lời nên tăng giá, nhưng như vậy thì lại không có nhiều khách như trước nữa.

Theo lời bộc bạch của một số người bán, do họ phải đóng cửa nghỉ bán nhiều tháng nay nên mong được mở cửa lại để có tiền trang trải cuộc sống. Tuy nhiên, khi mở cửa bán lại thì các chi phí cần phải tính toán lại. Nguyên liệu đầu vào nay trở nên đắt đỏ, cước vận chuyển, phí ship tăng vọt và cả yêu cầu 3 tại chỗ khiến các điểm bán trở nên khó khăn hơn. Có nơi chia sẻ tính toán giá thành tăng gấp đôi so với trước, nhưng khó ăn nói với khách và muốn giữ khách nên cố gắng không tăng. Nhưng cách này chỉ là tạm thời, vì các chi phí nêu trên nếu còn tăng nữa thì buộc lòng phải thông báo tăng giá. Nghĩ đến nhiều vấn đề nan giải, có nơi chấp nhận đóng cửa tiếp và chưa biết đến bao giờ mở lại.

hình ảnh


Ảnh minh họa. Nguồn: Pexels và Dân Trí. 

Việc tăng giá thành phẩm trong trường hợp này có thể hiểu được lý do, dù vậy, về lâu dài cần có giải pháp để tháo gỡ, kẻo không sẽ ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế.

Theo ý kiến của một số chuyên gia là Thạc sĩ Vũ Quốc Chinh, Khoa Kinh doanh Quốc tế - Marketing thuộc Trường Đại học Kinh tế TP.HCM và Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Bảo là Trưởng Bộ môn Kinh tế đầu tư, kế hoạch phát triển của Trường Đại học Kinh tế TP.HCM, để tháo gỡ tình thế này có thể thực hiện các giải pháp sau đây:

- Cho phép shipper giao hàng liên quận càng sớm càng tốt để kéo giảm giá thực phẩm. Rồi sau đó, cho phép người dân có thể tự mình đi mua hàng hóa như đi chợ trong cùng quận theo ngày hoặc 1 tuần/lần với điều kiện vẫn tuân thủ quy định 5K.

Người dân kỳ vọng rằng sau ngày hôm nay 15/9/2021, họ sẽ phải trả ít tiền khi mua thực phẩm hơn bởi các shipper được phép hoạt động liên quận. Người vận chuyển gom nhiều đơn hàng chạy trên cùng tuyến đường, hoặc các quận, huyện có thể làm giảm chi phí vận chuyển, vì thế khi đặt đồ ăn qua mạng, khách hàng sẽ trả tiền ít hơn trước .

- Các hàng quán khó có thể giảm giá thành như trước vì nguyên liệu đầu vào tăng do yếu tố đứt gãy nguồn cung, cộng thêm chi phí để duy trì 3 tại chỗ và xét nghiệm. Hơn nữa, mãi lực bán hàng trong giai đoạn này giảm đi nhiều khiến giá thành phẩm tăng hơn trước.

Nên để giải quyết được tình trạng này thì phải nối lại được chuỗi nguồn cung bị đứt gãy, không còn yêu cầu 3 tại chỗ và xét nghiệm nữa. Điều này chỉ còn chờ ở thời gian, chúng ta có sớm dập được ‘cô vi’ và hoàn thành tốt kế hoạch từng bước mở cửa đặt ra hay không, đó mới là vấn đề quan trọng.

Biết rõ tình hình rồi thì mong bà con thông cảm, cùng cộng đồng chung tay đẩy lùi ‘cô vi’, có như vậy mới hướng tới làm được những điều chúng ta mong muốn.