Sau cả ngày làm việc ở ngân hàng, chị Ngọc về nhà là tất bật làm bánh, nướng bánh để kịp giao cho khách. Hiện tại, chị kiếm được số tiền không hề nhỏ từ công việc làm ngoài giờ này. 

Nhiều người hay bảo rằng “một nghề cho chín, còn hơn chín nghề” ý nói mỗi người cần tập trung, đầu tư thời gian, tâm huyết cho một công việc nhất định trong một khoảng thời gian thay vì phân tán nhiều việc. Tuy nhiên, mình nghĩ ở thời buổi này, nếu biết cách tận dụng thời gian thì làm nhiều công việc cùng lúc là điều cần thiết bởi giúp tạo ra thu nhập ngoài lương hàng tháng cũng như giúp giảm lo lắng trước tình trạng suy thoái kinh tế. 

Gần đây, mình đọc được bài viết về chị Lê Thị Ngọc (30 tuổi, ở TP.HCM) trên Thanh Niên và cảm thấy quá đỗi ngưỡng mộ trước câu chuyện “nghề tay trái” hái ra tiền. Cụ thể, sau khi tốt nghiệp trường ĐH Kinh tế TP.HCM, chị Ngọc làm việc tại một công ty ngân hàng với mức lương tốt. Tuy vậy, chị vẫn ấp ủ ý tưởng buôn bán, khởi nghiệp sau lần thưởng thức bánh chuối nướng và trót mê hương vị của món này. 

hình ảnh

(Ảnh: Thanh Niên)

Chia sẻ với Thanh Niên, chị Ngọc cho biết đã tự lên mạng học công thức rồi mày mò tự làm ở nhà. Chị mua chiếc lò thanh lý 1,5 triệu đồng và miệt mài làm 200 chiếc bánh trong 3-4 tháng để quen tay và chuẩn hóa công thức. Sau khi làm xong, chị mang bánh cho bạn bè, đồng nghiệp ăn thử để xin phản hồi. Từ những góp ý, chị dần dần điều chỉnh công thức để cho ra lò những mẻ bánh ưng ý nhất, hợp với thị hiếu của số đông khách hàng. 

Chị Ngọc tạo gian hàng trên các sàn thương mại điện tử để tung sản phẩm ra thị trường. Như vậy, ban ngày chị làm việc ở ngân hàng, rồi 7h tối tan làm là cật lực nhào nặn, nướng bánh đến khoảng 1 giờ sáng để kịp hôm sau giao cho khách. 

“Vì vậy, tôi phải cắt xén bớt thời gian cho gia đình cũng như cho những cuộc đi chơi hưởng thụ. Gia đình hai bên lúc đó đã phản đối quyết định khởi nghiệp của tôi vì thấy tôi vất vả quá", chị chia sẻ trên Thanh Niên. 

hình ảnh

(Ảnh: Thanh Niên)

Thời gian đầu, chị Ngọc cho biết việc gặp nhiều nhận xét phàn nàn về chất lượng bánh là điều khó tránh khỏi bởi chị vốn là “tay ngang”, chưa học qua trường lớp chuyên nghiệp về làm bánh. 

"Có khách bảo bánh tôi làm ngọt quá, có người ăn xong thì phản hồi bánh bị nhão. Khi nhìn thấy những đánh giá 1 sao trên app (ứng dụng), bản thân tôi không khỏi buồn lòng. Nhưng rồi tôi lại xem đó là động lực giúp mình tìm ra cách cải tiến chất lượng sản phẩm. Hơn nữa khẩu vị mỗi người khác nhau, tôi phải chấp nhận trong 10 người mua sẽ có 3 người không thích sản phẩm của mình", chị chia sẻ. 

Vạn sự khởi đầu nan, bao giờ lúc bắt đầu cũng nhiều thử thách nhưng quan trọng là mỗi người cần kiên cường vượt qua, cố gắng không ngừng nghỉ để ngày càng hoàn thiện hơn. Sau 6 tháng khởi nghiệp, chị Ngọc tuyển nhân viên và chuyển giao quy trình làm bánh cho họ để đỡ đần phần nào công việc hiện tại. Hiện, tiệm bánh của chị có 3 người và chị vẫn chịu trách nhiệm quản lý từ xa. 

hình ảnh

(Ảnh: Infonet)

Để sản phẩm được lòng khách hàng và tạo dấu ấn riêng, chị Ngọc luôn đặt yếu tố an toàn vệ sinh thực phẩm lên hàng đầu. "Vì chuối là chủ chốt của sản phẩm nên tôi tìm chọn những loại chuối sứ có ở các tỉnh, thành miền Tây như Bến Tre, Tiền Giang… Chuối phải để chín tự nhiên, tuyệt đối không ngâm hóa chất. Đồng ý rằng khi để chín tự nhiên, số lượng chuối sẽ hao hụt khá nhiều nhưng tôi chấp nhận điều đó vì sức khỏe người tiêu dùng", chị Ngọc cho biết. 

Sau 2 năm khởi nghiệp, hiện chị Ngọc đã có thu nhập khá cao từ việc làm bánh chuối nướng. Thông tin trên Thanh Niên cho biết, thu nhập hàng tháng từ công việc bán bánh của chị Ngọc là tầm 100 triệu đồng. Ngoài bánh chuối, chị còn phát triển thêm các sản phẩm như bánh flan, sữa chua, nước giải khát. Thương hiệu của chị có 20 đại lý tại TP.HCM và đã xuất 35.000 bánh chuối, 60.000 sản phẩm phụ ra 2 miền Nam, Bắc. 

hình ảnh

Theo dõi câu chuyện khởi nghiệp của nữ nhân viên ngân hàng, mình cảm thấy rất ngưỡng mộ bởi chị đã kiếm tiền từ nghề “tay trái”, ngày càng mở rộng quy mô kinh doanh. Từ số vốn ban đầu không quá nhiều và sau bao thử thách, chị đã thành công với con đường khởi nghiệp ngành F&B (đồ ăn thức uống). Ngoài ra, từng tốt nghiệp từ trường kinh tế lại thêm tài khéo tay nên không quá khó để chị Ngọc khởi nghiệp và gặt hái thành công như hiện tại.