Để mua được nhà chẳng phải là điều dễ dàng, vừa phải có kế hoạch chi tiêu, tích lũy tiết kiệm nhiều năm, lại vừa phải cân nhắc về tương lai tạo ra thu nhập thế nào để cân đối vay tiền.

>>> Muốn mua nhà Sài Gòn, đừng uống trà sữa 50.000 đồng mỗi ngày: Mẹ học cách chi tiêu

Dịch bệnh kéo dài từ năm ngoái cho đến năm nay vẫn chưa dứt, khiến nhiều gia đình lâm vào cảnh lao đao, nhất là các cặp vợ chồng đang vay tiền của ngân hàng để trả nợ mua nhà. Sẽ ra sao khi một bên vợ hoặc chồng mất việc, rồi chưa kể chuyện sinh con và nuôi dạy con cái thế nào? Nghĩ tới thôi là không dám nghĩ tiếp nữa, chỉ bởi vì quá đau đầu.

hình ảnh


Ảnh minh họa. Nguồn: VTV. 

Có chị nọ kể, chị trót nhận quả đắng vì bỏ qua quy tắc vàng ‘tiền trả vay mua nhà phải dưới 30% thu nhập mỗi tháng’, mới vỡ lẽ ra được bài học kinh nghiệm, mình muốn chia sẻ vài điều dưới đây để mẹ nếu có kế hoạch mua nhà trong thời gian tới hãy cân nhắc tài chính phù hợp với mình nhé.

Ở một số nước chẳng hạn như Mỹ, số tiền để trả trước khi mua nhà lý tưởng nhất là 20% giá trị căn nhà đó. Ở Việt Nam chưa có khái niệm về số tiền lý tưởng này, tuy nhiên, đối với các cặp vợ chồng trẻ, lựa chọn hàng đầu của họ là mua căn hộ chung cư (bất động sản hình thành trong tương lai), bởi đơn giản họ được trả tiền theo tiến độ và được ngân hàng bảo lãnh hỗ trợ cho vay. Luật kinh doanh bất động sản năm 2014 cũng cho phép điều này, và đặt ra giới hạn là bên mua được trả nhiều lần, nhưng lần đầu không quá 30% giá trị hợp đồng, các lần tiếp theo sẽ phù hợp với tiến độ xây dựng nhưng tổng không quá 70% giá trị hợp đồng khi chưa bàn giao nhà.

hình ảnh


Ảnh minh họa. Nguồn: Internet. 

Dù không có văn bản quy định rõ ràng, nhưng với nhiều người quan niệm, chỉ cần trong tay có tiền ước tính 30% giá trị ngôi nhà là có thể đi mua được, còn lại vay của ngân hàng.

Và việc vay ngân hàng như thế nào để vừa đảm bảo khả năng thanh toán đúng hạn, lại tránh lâm vào cảnh nợ xấu mới là điều quan trọng nè mẹ.

Thông thường, các ngân hàng luôn có nhiều gói vay, chia thành các mốc thời hạn, ví dụ 5 năm, 10 năm, 15 năm hay 20 năm. Đa số phía ngân hàng thường chuộng nhóm khách vay dài hạn hơn, vì đôi bên cùng có lợi. Trong khi đó, một số ít khách vì không muốn mang gánh nặng trả nợ lâu dài, nên cố gắng chọn thời hạn ngắn nhất với ý định mình sẽ trả xong sớm. Nhưng cuộc sống đâu lường trước điều gì, có những điều không mong muốn, bản thân mình không thể ngờ, không thể chuẩn bị được.

Vì vậy, tính toán khoản tiền trả vay mỗi tháng mẹ cần phải tính toán theo công thức sau: 

Thứ nhất, sau khi trừ các khoản chi phí bắt buộc trong tháng thì còn lại bao nhiêu tiền. Tất nhiên khoản này cũng được tính bao gồm cả tiền để giải trí, đi du lịch… Số tiền này phải lớn hơn số tiền mà mẹ dự định trả góp cho ngân hàng mỗi tháng.

hình ảnh


Ảnh minh họa. Nguồn: Vietnamnet và Dân Trí. 

Thứ hai, khoản tiền trả cho ngân hàng mỗi tháng được tính bằng lãi, gốc.

Thứ ba, khi đã chi trả mọi thứ bao gồm khoản chi bắt buộc mỗi tháng và tiền trả góp cho ngân hàng, mẹ vẫn nên có một khoản dư để dành.

Lưu ý là trước khi quyết định mua nhà, với tư cách là chủ nhà, mẹ nên có một khoản tiền tương đương 6 tháng tiền sinh hoạt gia đình vì nó giúp mẹ đề phòng rủi ro mất việc, nếu lỡ gặp tình huống này, mẹ vẫn còn có 6 tháng để tìm công việc mới.

Một số ngân hàng lập công thức tính dùm cho khách hàng. Họ tính luôn cả các yếu tố nghề nghiệp, tuổi tác của người vay và sau cùng họ phải đảm bảo quy tắc vàng ‘tiền trả vay không quá 30% thu nhập mỗi tháng của gia chủ’.

Dù là lãi suất ngân hàng bao nhiêu đi chăng nữa thì mẹ cũng nên chọn vay với khoản lãi suất cố định. Vì có như vậy, mới tính toán được khoản trả vay cố định, mẹ đỡ phải cố gắng kiếm thêm tiền khi lãi suất tăng cao.

hình ảnh


Ảnh minh họa. Nguồn: Internet. 

Công thức này sẽ giúp mẹ giảm thiểu rủi ro nợ xấu, hạn chế khả năng mất khả năng thanh toán cho ngân hàng.

Hãy lấy thất bại của người khác làm kinh nghiệm cho mình. Mẹ cứ thử nghĩ đi, cố gắng một chút, sau thời gian trả nợ sẽ có nhà trong tay. Còn đi thuê mỗi tháng cũng trả tiền thuê, qua thời gian thì nhà thuê vẫn cứ là nhà thuê, trong khi nếu mua nhà và cố gắng làm việc để trả nợ, mình đã có nhà.

Tất nhiên, trong đời ai mà không tránh khỏi những chuyện như bệnh tật bất ngờ ập tới, giảm thu nhập, thất nghiệp nhưng nếu áp dụng công thức trên thì sẽ giúp hạn chế rủi ro nợ xấu, mất khả năng thanh toán, đúng không nè mẹ?