Ông nội lo cháu chơi nhiều mệt mỏi nên tự tay mang khăn mát lên phòng cho cháu lau mặt cho tỉnh táo để chơi tiếp.

Cách nhanh nhất để làm hỏng một đứa trẻ chính là chiều chuộng. Em xem trên Vietnamnet có kể chuyện cha mẹ cơm bưng nước rót cho con cày game. Thật sự không thể tin nổi, nhiều gia đình cưng con quá mức. Rõ ràng thấy con sai, cần uốn nắn thì không dạy dỗ, ngược lại còn nhân nhượng.

Bình thường em thấy nhiều cảnh con chơi game, mẹ xách roi rượt chạy khắp xóm. Đằng này, con chơi game ngồi tại chỗ mà hết cha mẹ đến ông nội cũng phục vụ tận nơi cho thì đúng là lần đầu mới biết. Mà cái này mới bất ngờ nè mọi người. Khi người lớn bảo không được chơi game, không được bỏ học thì bọn trẻ liền bật lại bảo đó là “quyền của con”.

Thay vì ngày xưa “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó”, ngày nay nhiều gia đình nuôi dạy con theo kiểu tự do, cho con được làm điều mình thích. Nhưng đôi khi cho con quyền tự do phát triển đi quá giới hạn, biến thành cưng chiều con quá mức, hoặc thả rông con quá đà. Kết cục là đứa trẻ non nớt được làm mọi việc theo ý, con dễ dàng hiểu sai và phát triển lệch lạc.

hình ảnh

Ảnh mang tính minh họa. Nguồn: Vietnamnet

Em xem trên Vietnamnet, các bác sĩ ở Viện Tâm lý lâm sàng MP, Hà Nội tiếp nhận nhiều trẻ bất ổn tâm lý. Nguyên nhân phần lớn là do sự nuông chiều của gia đình quá mức.

Trường hợp một cậu bé con nhà giàu, cha mẹ nhiều tuổi nên chiều con hết mực. Con trai được cung phụng vô điều kiện, được cho đi học trường quốc tế. Cha mẹ cưng chiều dẫn đến con ngày càng bướng bỉnh. Hậu quả là cậu bé đã bỏ học cách đây 1 tháng, tuyên bố luôn với cha mẹ “đó là quyền của con”.

Bỏ học, cậu bé suốt ngày cày game bất kể giờ giấc. Đói thì hô lên một tiếng, có người mang cơm lên tận phòng, vừa ăn vừa chơi game. Ông nội còn lo cháu chơi game nhiều mệt, tự tay mang khăn mát đến tận chỗ cho cháu lau mặt tỉnh để chơi game tiếp.

Đúng là chiều đến tận trời, rõ ràng thằng bé đã có những biểu hiện bất ổn mà gia đình vẫn cứ chiều chuộng. Một trường hợp khác là nữ sinh 17 tuổi, chỉ vì cha mẹ chưa kịp mua cho thỏi son hàng hiệu mà con hất luôn bát cơm trước mặt cả nhà.

hình ảnh

Ảnh mang tính minh họa. Nguồn: sohu

Hay như trường hợp bé gái 15 tuổi được nuôi như tiểu thư. Tiêu chí gia đình là tôn trọng con và để cho con tự học. Kết quả thu được từ tư tưởng tôn trọng con là con gái quậy phá, bỏ học, cày game và hoạt hình. Ai dám ngăn cản là đem quyền trẻ em ra đáp trả, có lần còn cãi hỗn với ông, đáp cho mẹ sưng mặt.

Gia đình bất lực, phải mang con ra nhờ bác sĩ tâm lý điều trị, uốn nắn. Bác sĩ phát hiện những đứa trẻ được gia đình cưng chiều quá mức, kỹ năng sống bằng 0, chỉ biết dựa dẫm vào cha mẹ, ông bà.

Những đứa trẻ này chỉ biết đòi hỏi những gì mình thích, không được sẽ bật lại, hỗn hào với cha mẹ, ông bà. Còn người lớn, trao cho con quyền tự do phát triển nhưng cứ chiều chuộng sai lầm. Cuối cùng, khi con bật lại mới tỉnh ngộ.

hình ảnh

Ảnh mang tính minh họa. Nguồn: sohu

Theo các bác sĩ, những đứa trẻ này mắc chứng “ái kỷ” quá cao. Không chỉ vô cảm, ích kỷ, tự coi mình là trung tâm vũ trụ, nhiều đứa trẻ con “thao túng tâm lý” cha mẹ, vì biết cha mẹ thương mình để đòi hỏi những thứ vô lý.

Do đó, cha mẹ không nên nuông chiều con thái quá. Em nghĩ nhiều cha mẹ đã hiểu sai về quyền trẻ con và tôn trọng con, để con tự do phát triển rồi ạ. Tôn trọng con nó khác với cưng chiều con, cung phụng con. Tôn trọng là lắng nghe, là thấu hiểu, là khuyến khích, đồng hành.

Chứ tôn trọng mà con muốn gì cũng cho, cha mẹ đi nghe lời con răm rắp thì đã làm sai ý nghĩa của tôn trọng rồi. Dạy con không chỉ có dịu dàng, yêu thương mà phải đi đôi với nghiêm khắc. Phải có nề nếp, nguyên tắc thưởng phạt. Không được bao che, dung túng con làm sai.

Riêng với hành động hỗn hào, bật lại cha mẹ tanh tách thế kia là phải sửa trị liền. Chứ cứ nuông chiều, bỏ qua vì bảo là cưng con quá thì hậu quả sau này càng nặng nề hơn. Tương lai của con, nhân cách của con nằm trong tay cha mẹ. Chiều con để con hư hay dạy dỗ con để con sống tốt đều từ lựa chọn của cha mẹ.