Không nghe lời bố mẹ, suy nghĩ chưa chín chắn, cô gái nhanh chóng hối hận sau 2 năm lấy chồng. Chị em ơi, bao giờ mới hết chủ quan?
Thường những cô gái dưới 25 tuổi luôn nhìn tình yêu, hôn nhân bằng cặp mắt màu hồng xinh đẹp lắm. Cứ ngỡ lấy được người mình yêu thì đời sóng gió bão giông đến mấy cũng vượt qua được. Hay chỉ cần nghe câu: “Về anh nuôi” là các cô gái sẵn sàng bỏ ngang việc học, bỏ qua lời khuyên của cha mẹ để chạy theo tiếng gọi tình yêu. Rồi sau đám cưới tràn ngập tiếng cười ấy là những chuỗi ngày đen tối tiếp nối. Hối hận à, muộn rồi.
Cách đây không lâu, đọc trên trang Neu cfs, tôi thấy tâm sự của một cô gái sau khi cãi lời cha mẹ lấy chồng ở tuổi 23. Cũng bỏ qua mọi lời khuyên nhủ từ gia đình và bạn bè, cô nàng vẫn quyết lấy chồng dù chưa có tiền tiết kiệm, công việc chưa ổn định. Từ ngày kết hôn đến giờ, chưa có tháng nào là vợ chồng không lục đục. Cô nàng cảm thấy hối hận vô cùng nên viết bài than thở trên mạng xã hội, đồng thời đưa ra lời khuyên cho các cô gái đừng sai lầm như mình:
“Nếu chưa tự lập được, ít nhất là về tài chính thì đừng lấy chồng!
Chào mọi người, mình năm nay 25 tuổi, lấy chồng đã được 2 năm nhưng không tháng nào là không lục đục…
Mình có người yêu từ khi còn là năm 3 đại học, ra trường 1 năm, lúc ấy lương mình đang 7tr, nói chung cũng chỉ đủ ăn, đủ sống. Người yêu mình lúc đó hơn mình 2 tuổi, đi làm lương ~ 20tr. Mình lúc đó thì nghĩ đơn giản là thôi giờ lấy chồng, ổn định cuộc sống, mình thiếu tiền thì chồng mình sẽ cho thêm để tiêu. Việc nhà thì bình thường chồng ở với bố mẹ, bố mẹ cơm nước, dọn dẹp, lo mấy cái việc. Mặc kệ bố mẹ, bạn bè khuyên là tìm hiểu cho kỹ, rồi tự lo được cho bản thân hẵng lấy chồng không về nhà chồng lại khinh.
Ai ngờ, lấy chồng 2 năm rồi mới nhận ra, tất cả lời nói của bố mẹ, bạn bè, những người đi trước khuyên là thật, còn những gì mình nghĩ thì đều ngược lại hết.
Đầu tiên chuyện tiền nong, từ lúc lấy chồng về, đúng chồng cho thêm tiền tiêu nhưng cũng chỉ được vài đồng, lần nào cần gì cũng phải ngửa tay ra xin, mà xin thì trước đó phải ăn mắng hoặc bị tra hỏi như kiểu: Mua gì mà lắm, cần gì nhiều tiền, sao tiêu nhiều thế? Rồi đến lúc cãi nhau, cho thì cho được vài đồng nhưng lúc nào cũng “Suốt ngày xin tiền ăn tiêu, giờ còn cãi lại à?”.
Về việc nhà: Trước khi lấy chồng nghĩ sẽ được bố mẹ giúp nhưng đó là suy nghĩ sai lầm, từ lúc về nào là suốt ngày “Con gái làm gì nhiều, ở nhà chăm lo gia đình” ý là bắt mình thay đổi công việc xong để phụ giúp việc nhà. Bố mẹ có giúp gì đâu, từ ngày mình về đây, làm quần quật như giúp việc, như ô sin, sáng mở mắt ra nào là cơm nước chuẩn bị đồ ăn sáng, chiều thì về sớm đi chợ nấu cơm, 2-3 ngày dọn dẹp nhà 1 lần, giặt quần áo phơi 1 lần, quét sân cho cá ăn, dọn thức ăn cho chó ăn… việc gì cũng đến tay.
Nhiều lần mình đã đề cập đến việc ở riêng để thoát khỏi những khó khăn ấy nhưng: “Em ơi, tiền đâu ra mà ở riêng, mà buồn cười, bố mẹ ở Hà Nội, mình cũng ở đây, đỡ được bao nhiêu lại không thích, thích ra ở riêng?” nên chán không muốn nói nữa.
Đến bây giờ, mức lương mình cũng chỉ khoảng 8tr (vì mình đã nhảy việc, làm ở 1 chỗ thời gian thoải mái còn lo việc gia đình) xong vẫn hàng tháng, hàng tuần bị nói, nặng hơn thì cãi nhau...".
(Ảnh minh họa: unlockmen.com, board.postjung.com)
Bài tâm sự của người vợ trẻ là nỗi lòng chung cho những ai chủ quan lao vào hôn nhân không chút suy nghĩ. Để khi bị chồng coi thường, cuộc sống thiếu thốn không như mong đợi thì lúc đó mới thấy hối hận. Giờ cuộc sống có tủi hờn như thế nào nhưng đâu phải muốn ly hôn là được. Nếu không tự vùng dậy tìm cách giải quyết cho cuộc sống phát triển hơn, lấy lại giá trị trong mắt chồng thì mọi chuyện ngày càng bế tắc hơn thôi.
Cư dân mạng để lại nhiều bình luận cảm ơn cô gái vì những chân lý chị nghiệm ra trong 2 năm hôn nhân. Nhưng cũng có người cho rằng bản tính ngồi chờ sung rụng, mơ ước phi thực tế đã đẩy chị vào bế tắc như hôm nay. Đồng thời cũng có ý kiến cho rằng người phụ nữ này không biết dàn xếp, tính toán chi tiêu trong gia đình để làm tư tưởng với chồng ngay từ đầu. Để bây giờ giá trị của chị trong mắt anh ta chỉ là một người ăn bám không hơn:
- Cảm ơn bài viết! Mong bạn sớm thoát khỏi cuộc sống đầy đau khổ của hôn nhân! Chúc bạn có cuộc sống tốt đẹp vui vẻ bên gia đình cha mẹ, vốn dĩ khi bạn chưa có chồng vẫn có thể sống vô cùng ấm áp hạnh phúc mà!
- Do chị mơ đẹp quá, hy vọng nhiều quá nên thất vọng thôi. Giờ tỉnh đôi khi còn kịp đấy, sai thì đập làm lại, nhưng bớt cái tính chờ sung rụng của chị là được, cố gắng vì mình 1 chút, đôi khi rời khỏi làm lại là 1 điều tốt. Với điều kiện chị chưa có thêm 1 người con chung, lương 8tr thì chỉ đủ lo cho mình khi sống riêng thôi.
- Do không quán triệt kinh tế ngay từ đầu, nếu thích tiền ai người ấy giữ thì khác gì 2 con người về ở trọ cùng nhà. Thêm cái nhà chồng bạn lợi hơn vì được con osin free mang danh "con dâu". 8tr chi tiêu 1 mình mình bạn dư sức sống. Còn không phải tiêu cho bất kỳ ai trong gia đình chồng bạn cả. VÌ TIỀN AI NGƯỜI ĐÓ TIÊU MÀ.
- Đôi khi phải ì ra và quyết liệt lên. Nêu rõ quan điểm cá nhân. Việc công ty chắc chắn phải làm còn việc nhà về đến đâu lo đến đấy. Vợ chồng cùng san sẻ cho nhau chứ. Thực sự thông cảm với bạn, nhưng không phải việc gì bố mẹ chồng và chồng yêu cầu mình cũng phải làm theo hết. Bạn phải có quan điểm cá nhân và có tính tự quyết. Với mức lương của bạn so với mặt bằng chung là ổn định đủ dùng nếu không hoang phí. Nếu có công việc lương cao để đáp ứng nhu cầu chi tiêu của bạn hơn bạn nên đổi và nói với chồng rằng vì anh đi làm kiếm tiền không đủ nuôi vợ con nên vợ anh phải lăn lộn thêm để không phải tiêu nhiều tiền của anh.
- Lấy nhầm thì bỏ lấy lại. Lương 8tr/ tháng thừa sức nuôi thân. Có chồng kiểu đấy thì 1 đời là quá dài. Bắt đầu chưa bao giờ là quá muộn. Tôi 3 đứa con, nhưng chồng mà kiểu đấy tôi nói chắc tôi cũng sẽ bỏ nhanh, gọn, lẹ. Mà thôi, bỏ được khỏi lấy lại. Khoẻ cái thây!
Phụ nữ dù ở độ tuổi nào đi chăng nữa, dù độc thân hay có gia đình cũng đừng bao giờ sống kiểu chủ quan. Chủ quan vào chồng, vào gia đình chồng hay bố mẹ ruột là điều hoàn toàn không nên. Ăn cơm chúa phải múa tối ngày, ngửa tay nhận tiền của chồng/ gia đình chồng thì phải chịu sự coi thường của anh ta và gia đình. Có thể họ sẽ không nói ra nhưng cử chỉ, thái độ khó lòng che đậy. Còn nếu sống nhờ vào ba mẹ ruột thì đến một ngày nào đó ba mẹ mất đi, liệu chúng ta phải làm sao?
Tự đi làm kiếm tiền dành dụm cho mình khoản tiết kiệm riêng, chi tiêu có kế hoạch thì khi lấy chồng sẽ không bao giờ gặp cảnh ngửa tay xin tiền chồng. Anh ta thấy vợ độc lập tài chính sẽ coi trọng vợ hơn. Mọi sinh hoạt phí trong nhà nên rạch ròi ngay từ đầu để tránh mâu thuẫn về sau. Lấy chồng là phải trưởng thành hơn, quyết đoán hơn trong cuộc sống. Đừng bao giờ nghĩ lấy chồng thì ở nhà chồng nuôi, dẹp bỏ tư tưởng này đi chị em nhé!