Bạn đang tìm hiểu mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện? Bạn muốn cập nhật cách tính mới nhất đang hiện hành trong năm 2022? Vậy thì hãy đọc ngay bài viết dưới đây để biết thêm chi tiết. Chúng tôi đã tổng hợp và trích dẫn quy định về các vấn đề liên quan.

hình ảnh

Mức Đóng BHXH Tự Nguyện 2022

Để biết được chính xác mức đóng Bảo hiểm xã hội tự nguyện hiện tại là bao nhiêu, bạn cần căn cứ Điều 10 và Điều 14 Nghị định 134/2015/NĐ-CP và Thông báo 4447/TB-BHXH năm 2022. Công thức tính khoản mục này được quy định như sau:

Mức đóng/tháng = 22% x Mức thu nhập chọn đóng BHXH tự nguyện - Mức nhà nước hỗ trợ đóng

Trong đó:

- Mức thu nhập chọn đóng BHXH tự nguyện của người lao động do người tham gia BHXH tự quyết định.

- Mức nhà nước hỗ trợ đóng (tính từ ngày 01/01/2022):

  • Hộ nghèo được hỗ trợ: 30% x 22% x 1.500.000 = 99.000 đồng/tháng
  • Hộ cận nghèo được hỗ trợ: 25% x 22% x 1.500.000 = 82.500 đồng/tháng
  • Các đối tượng khác được hỗ trợ: 10% x 22% x 1.500.000 = 33.000 đồng/tháng.

Nếu người tham gia BHXH tự nguyện chọn phương thức đóng theo 3 tháng trở lên hoặc đóng một lần cho nhiều năm về sau thì số tiền này là cố định. Nghĩa là nếu Chính phủ có sự thay đổi mức chuẩn hộ nghèo thì bạn cũng không cần điều chỉnh số tiền chênh lệch phải đóng.

hình ảnh

Đối Tượng Nào Được Hỗ Trợ Thêm Mức Đóng BHXH Tự Nguyện

Trong năm 2022, có thêm một số đối tượng được hỗ trợ thêm mức đóng BHXH tự nguyện. Nguyên văn Mục II Phụ lục 04 ban hành kèm Nghị quyết 03/2022/NQ-HĐND quy định như sau:

"Người tham gia BHXH tự nguyện theo quy định tại Điều 2 Thông tư 01/2016/TT-BLĐTBXH ngày 18/02/2016 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội tự nguyện của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (trừ trường hợp đóng theo phương thức quy định tại Khoản 2 Điều 8 Chương III Thông tư 01/2016/TT-BLĐTBXH), đăng ký thường trú tại thành phố Hà Nội, là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bao gồm:

- Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn dưới 03 tháng trước ngày 01 tháng 01 năm 2018; người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn dưới 01 tháng từ ngày 01 tháng 01 năm 2018 trở đi;

- Người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố;

- Người lao động giúp việc gia đình;

- Người tham gia các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ không hưởng tiền lương;

- Xã viên không hưởng tiền lương, tiền công làm việc trong hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã;

- Người nông dân, người lao động tự tạo việc làm bao gồm những người tự tổ chức hoạt động lao động để có thu nhập cho bản thân và gia đình;

- Người lao động đã đủ điều kiện về tuổi đời nhưng chưa đủ điều kiện về thời gian đóng để hưởng lương hưu theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội (trừ trường hợp người lao động đã đủ điều kiện về tuổi để hưởng lương hưu nhưng thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn thiếu không quá 10 năm);

- Người tham gia khác.

(Người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được xác định theo quy định tại Quyết định số 13/2021/QĐ-UBND ngày 05/9/2021 của UBND Thành phố quy định chuẩn nghèo đa chiều của thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025)."

hình ảnh

Một Số Vấn Đề Thường Gặp

Quy định mức hộ nghèo, cận nghèo

Tính đến thời điểm hiện tại năm 2022, để biết các đối tượng có thuộc hộ nghèo, cận nghèo hay không thì ta căn cứ vào Quyết định 13/2021/QĐ-UBND. Cụ thể như sau:

- Hộ nghèo:

  • Khu vực nông thôn: Có thu nhập bình quân đầu người/tháng ít hơn hoặc bằng 2.000.000 đồng và thiếu hụt từ 03 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản trở lên.
  • Khu vực thành thị: Có thu nhập bình quân đầu người/tháng ít hơn hoặc bằng 2.500.000 đồng và thiếu hụt từ 03 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản trở lên.

- Hộ cận nghèo

  • Khu vực nông thôn: Có thu nhập bình quân đầu người/tháng ít hơn hoặc bằng 2.000.000 đồng và thiếu hụt dưới 03 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản.
  • Khu vực thành thị: Có thu nhập bình quân đầu người/tháng ít hơn hoặc bằng 2.500.000 đồng và thiếu hụt dưới 03 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản.

Mức hỗ trợ tiền đóng BHXH tự nguyện từ 01/8/2022 

Căn cứ Mục III Phụ lục 04 ban hành kèm Nghị quyết 03/2022/NQ-HĐND quy định mức hỗ trợ tiền đóng BHXH tự nguyện từ 01/8/2022 cho người tham gia BHXH tự nguyện tại Hà Nội như sau:

"Người tham gia BHXH tự nguyện được hỗ trợ tiền đóng theo tỷ lệ phần trăm (%) trên mức đóng BHXH tự nguyện hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn theo từng thời kỳ do Thủ tướng Chính phủ quy định, cụ thể:

- Hỗ trợ thêm 30% mức đóng BHXH tự nguyện đối với người thuộc hộ nghèo.

- Hỗ trợ thêm 25% mức đóng BHXH tự nguyện đối với người thuộc hộ cận nghèo.

- Hỗ trợ thêm 10% mức đóng BHXH tự nguyện đối với các đối tượng khác.

(Mức hỗ trợ này ngoài mức hỗ trợ đóng BHXH tự nguyện được quy định tai Nghị định số 134/2015/NĐ-CP ngày 29/12/2015 của Chính phủ)."

hình ảnh

Kết Luận

Trên đây là quy định về mức đóng BHXH tự nguyện 2022. Người lao động nên tham khảo để nắm rõ các quyền lợi của mình. Nếu còn thắc mắc thêm bất cứ vấn đề gì liên quan, đừng ngần ngại để lại bình luận phía dưới nhé.

Xem thêm: 

Hướng Dẫn Chi Tiết Thủ Tục Nhận Bảo Hiểm Xã Hội 1 Lần

Ví Dụ Cách Tính Bảo Hiểm Xã Hội 1 Lần, Hàng Tháng 2022

-----------------------------------------------------------------------------------------------

Theo dõi các bài viết tiếp theo tại Webtretho.Com để được chia sẻ kiến thức hay và thú vị!