Dậy thì là giai đoạn phát triển các đặc tính sinh dục thứ phát và có sự chuyển tiếp từ giai đoạn chưa trưởng thành sinh dục sang giai đoạn trưởng thành. Trong giai đoạn này trẻ có rất nhiều thay đổi về mặt thể chất gồm: sự tăng trưởng chiều cao vượt trội, xuất hiện những đặc tính sinh dục thứ phát như trẻ mọc lông mu, lông nách, phát triển ngực và có kinh nguyệt ở trẻ gái... và trẻ bắt đầu có khả năng sinh sản. Chính những biến đổi về thể chất sẽ dẫn đến những thay đổi về mặt tâm lý của trẻ trong suốt quá trình dậy thì. Dậy thì là quá trình phức tạp trong đó khởi phát dậy thì có sự tương tác của các yếu tố di truyền, nội tiết và môi trường .

Dậy thì sớm là sự phát triển một trong các đặc tính sinh dục thứ phát trước 8 tuổi ở trẻ gái và trước 9 tuổi ở trẻ trai.

Dậy thì sớm, đặc biệt là ở trẻ nữ, thường dẫn đến những vấn đề cảm xúc và hành vi, trẻ sẽ gặp những khó khăn trong việc thích nghi. Các triệu chứng này sẽ giảm dần theo thời gian nhưng nguy cơ trầm cảm và những vấn đề về xã hội-nghề nghiệp ở những trẻ này về sau cũng cao hơn những người không bị dậy thì sớm.

Vậy các yếu tố nào có thể ảnh hưởng đến tuổi bắt đầu dậy thì ở trẻ?

1. Yếu tố di truyền

Hiện nay có nhiều bằng chứng cho thấy gen liên quan đến tuổi dậy thì của trẻ. Có sự tương đồng rất rõ về thời điểm khởi phát dậy thì giữa các trẻ sinh đôi cùng trứng so với khác trứng, sự tương đồng giữa tuổi dậy thì của trẻ và cha mẹ trẻ.

2. Hormon trong thịt và sữa

Có giả thuyết cho rằng hormon tăng trưởng bò có trong sữa và thịt có thể gây dậy thì sớm ở trẻ. Điều nay kiến cho nhiều bậc phụ huynh rất lo lắng khi cho trẻ sử dụng các sản phẩm như sữa và thịt. Tuy nhiên, giả thuyết này vẫn chưa được chứng minh vì các bằng chứng hiện nay cho thấy, hormon tăng trưởng bò sẽ bị hủy bởi hệ tiêu hóa của trẻ và hormon này cũng không có tác dụng tương tự như hormon gây dậy thì ở người.

hình ảnh

Hình. Hormon tăng trưởng bò có trong sữa và thịt 

3. Yếu tố môi trường

Những yếu tố môi trường mà trẻ tiếp xúc hằng ngày có thể ảnh hưởng đến gen và sự tăng trưởng, phát triển của trẻ. Trong số những yếu tố tiếp xúc này, những hóa chất gây rối loạn nội tiết được các bác sĩ quan tâm nhất bởi vì tác hại đối với sức khỏe của trẻ và trẻ tiếp xúc với các hóa chất này rất nhiều. Các bậc phụ huynh luôn lo sợ về phthalate có thể gây dậy thì sớm. Phthalate là một nhóm hóa chất được sử dụng phổ biến nhất để làm cho nhựa dẻo hơn và khó vỡ hơn, được sử dụng trong nhiều sản phẩm khác nhau như đồ chơi, chất tẩy rửa, bao bì thực phẩm, nhựa, tấm trải sàn... Đặc biệt, một số loại mỹ phẩm như son môi, keo xịt tóc, sơn móng tay hoặc xà phòng...cũng có chứa thành phần phthalate này. Hiện có bằng chứng cho thấy phthalate có vai trò trong dậy thì sớm. Ngoài ra, một số loại chất dẻo và thuốc trừ sâu cũng được chứng minh là nguyên nhân của dậy thì sớm, vì khi vào cơ thể, những chất này được biến đổi thành những chất có cấu trúc tương tự như hormon gây dậy thì. Vì vậy các bậc phụ huynh nên cho trẻ sử dụng các vật dụng không có chứa phthalate, đặc biệt là đồ chơi của trẻ.

hình ảnh

Hình. Sử dụng các sảm phẩm không chứa phthalte an toàn cho trẻ em

4. Béo phì và khói thuốc lá

Cùng với sự phát triển của xã hội, tỷ lệ trẻ thừa cân, béo phì ở nước ta ngày càng tăng cao. Các nhà nghiên cứu đã nhận thấy rằng béo phì có mối liên quan rất cao với dậy thì sớm. Tất cả các nghiên cứu đều nêu ra rằng có mối liên quan giữa tăng chỉ số khối cơ thể (BMI) và lượng mỡ cơ thể với có kinh, có lông mu và phát triển tuyến vú sớm ở trẻ gái. Đáng ngạc nhiên là, béo phì ở trẻ trai lại liên quan với dậy thì muộn hơn là dậy thì sớm. Hơn nữa các nghiên cứu cũng cho thấy các trẻ gái hoặc các bà mẹ mang thai có tiếp xúc với khói thuốc lá thì tuổi dậy thì của trẻ cũng có thể sớm hơn.

hình ảnh

Hình. Béo phì ở trẻ trai và trẻ gái

Ngoài những yếu tố ảnh hưởng đến tuổi bắt đầu dậy thì, có rất nhiều nguyên nhân có thể gây dậy thì sớm ở trẻ. Khi các bậc phụ huynh thấy các đặc tính sinh dục thứ phát như trẻ mọc lông mu, lông nách, phát triển ngực, có kinh nguyệt… trước 8 tuổi ở trẻ gái và trước 9 tuổi ở trẻ trai thì nên đưa trẻ đến khám bác sĩ chuyên gia nội tiết để được tư vấn và điều trị kịp thời.

Tài liệu tham khảo

  1. Garibaldi L, Chemaitilly W (2011), "Disorders of Pubertal Development", In:Kliegman R, Stanton B, Geme J, Schor N, Behrman R, editors, Nelson


    Textbook of Pediatrics, 19e ed, Elsevier.
  2. Harrington J. (2021), “Definition, etiology, and evaluation of precocious puberty”, Uptodate, last update 2021
  3. Huỳnh Thị Vũ Quỳnh (2019),  “Tổng quan về dậy thì sớm”, Đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh.
  4. Styne D (2011), Puberty, 9 ed, McGraw-Hill Medical, Chicago.