Kể sao hết những khó khăn mà chị Hồng cùng gia đình trải qua. Từ những điều không thể, nhờ vào quyết tâm họ đã xây dựng nên thương hiệu mứt của riêng mình. 

Bỏ phố về quê vì nhiều lý do, nhưng không phải ai cũng chọn sự nhàn hạ mà xa lánh công việc nơi phố thị bộn bề. Cũng không hẳn là vì chán cảnh xô bồ tấp nập với kẹt xe và đông dân, mà khi lựa chọn về quê đôi khi hoàn cảnh gia đình và định hướng riêng của tương lai. Mỗi giai đoạn, người ta đều có mong muốn riêng và phấn đấu để thực hiện hóa điều đó. 

Chị Hồng (35 tuổi, quê ở ấp Phú Ninh, xã Phú Đức, huyện Châu Thành, Bến Tre) sinh ra trong gia đình có 4 người con, chỉ có mỗi chị là được học hành bài bản và làm việc tại công ty thực phẩm ở TP.HCM. Cha mẹ chị mừng rỡ và an tâm khi con gái có công ăn việc làm ổn định. Tuy nhiên, sự ổn định này không kéo dài khi chị quyết định về quê khởi nghiệp.

Nhà có vườn chôm chôm lớn, 50 gốc Java trồng từ thời ông bà và gần 200 gốc chôm chôm của cha mẹ. Năm 2016, chôm chôm chín đỏ vườn nhưng giá chỉ 1.000, 2.000 đồng/kg, cha mẹ chị buồn bã, lo lắng mỗi mùa chôm chôm tới. Còn chị vì quá thương gia đình nên không thể để cả nhà chịu sự hên xui may rủi của giá cả thị trường. 

hình ảnh

Ảnh trái: Chị hồng bên dĩa mứt chôm chôm, ảnh Vnexpress. Ảnh phải minh họa, bazantravel

Ban đầu chị làm mứt chôm chôm cho cả gia đình ăn, nhưng thấy ngon với cùi dẻo, thơm, béo bùi cả hạt nên chị muốn làm nhiều hơn để đăng lên mạng bán. Sau đó chị bỏ việc ở công ty thực phẩm, quyết định về quê khởi nghiệp. "Nhưng rồi con thuyết phục chúng tôi: Khi làm công sở chỉ có mình con sướng. Nếu về con sẽ có khả năng thay đổi kinh tế của đại gia đình", mẹ chị Hồng cho biết. 

Mùa Tết năm đó chị bán được 6 tấn mứt, đơn hàng nhiều làm chị và gia đình càng thêm hào hứng. Buôn bán vất vả, đi giao hàng cũng lắm gian nan, chị là con gái chân yếu tay mềm nhưng phải lao động như con trai. Tuy nhiên chị chưa bao giờ buồn tủi mà ngược lại càng có thêm động lực vì chị biết phía sau mình còn có gia đình là điểm tựa và sản phẩm của mình được yêu thích.

Buôn bán nhỏ lẻ thì mọi chuyện cơ bản suôn sẻ hanh thông. Nhưng đến khi đơn hàng nhiều là bắt đầu nhiều việc trầy trật. Do không có công thức chuẩn nên nhiều mẻ mứt phải đổ đi. Vừa tốn nguyên liệu, mất thời gian mà tốn công khiến chị Hồng thấy áy náy với cả gia đình. Tuy nhiên mọi người cùng động viên nhau cố gắng, cuối cùng tìm được nguyên nhân để khắc phục. 

hình ảnh

Sản phẩm mứt cho gia đình chị Hồng làm ra. Ảnh Vnexpress

Ban đầu việc phơi sản phẩm là dựa vào thời tiết, khi gia đình chị được tặng máy sấy thì mọi việc bắt đầu khá hơn. Chị làm thêm mứt tắc, khóm, me và chùm ruột. "Có lần tôi mang đến hội chợ, khách ăn mứt chôm chôm rồi tỏ vẻ hoài nghi: 'Có phải bạn nhét hạt điều vào bên trong cùi chôm chôm không?'. Họ không dám tin hạt chôm chôm có thể ăn được ngon đến thế", chị Hồng hồi tưởng.

Rồi những khi gặp hạn mặn làm thiệt hại 50% diện tích chôm chôm, bưởi, sầu riêng... của huyện Châu Thành, vườn chôm chôm trồng hơn 20 năm chết khô, nguyên liệu làm mứt bị hụt, dịch bệnh ập đến, kinh tế trì trệ... Chị Hồng là người đứng đầu, là thuyền trưởng để lèo lái con thuyền kinh doanh nay gặp lao đao không ít. Nhân công thấy tình hình khó khăn nên xin nghỉ việc, chị Hồng nhận được nhiều lời khuyên: “Khó khăn đến độ nhiều bạn bè bảo mình bỏ nghề, quay lại làm công sở đi cho khỏi nặng đầu”.

Nhưng lửa thử vàng, gian nan thử sức, chị Hồng đã lèo lái con thuyền kinh doanh đi đúng hướng và cố gắng nhiều hơn để vực dậy kinh tế. Chị làm đa dạng hóa sản phẩm, mở rộng đối tượng khách hàng và đưa sản phẩm đến nhiều tỉnh thành, thậm chí sang nước ngoài. Mứt chôm chôm của gia đình đạt chứng chỉ OCOCP (Mỗi xã một đặc sản). Gia đình vui mừng khôn xiết vì thành quả mình làm ra đã được công nhận và có kết quả tốt. Cả nhà nấu bữa cơm thân mật để ăn mừng, chị Hồng ôm mẹ nói lời cảm ơn vì tất cả những sự cố gắng, đồng hành của mẹ và cả gia đình trong suốt những năm qua.

Câu chuyện khởi nghiệp của chị Hồng đã nhận được nhiều sự quan tâm và lời chúc mừng từ cộng đồng mạng. Người phụ nữ dịu dàng mang trong mình tình cảm đặc biệt dành cho trái cây quê nhà và sứ mệnh muốn tạo công ăn việc làm cho những chị em quanh vùng. Mọi người gửi lời khen ngợi chị Hồng và ngưỡng mộ vì chị đã rất nhạy bén, kiên nhẫn với sản phẩm của mình: 

- Không có việc gì khó, chỉ sợ mình không làm, làm riết rồi cũng đạt, quyết chí ắt thành công. Chúc mừng em, người con gái Bến Tre!

- Giờ chị phải nghĩ bài toán làm sao bảo quản được lâu mà không dùng hoá chất độc hại. Rất ngưỡng mộ sự kiên trì của chị.

- Rất khâm phục em, và mong có dịp thưởng thức những sản phẩm của quê nhà xã Phú Đức, Bến Tre! Cầu chúc cho sản phẩm của em được mọi người biết đến và ủng hộ, tạo công ăn việc làm cho bà con.

- Yêu những người bạn như thế này, không ngừng phấn đấu, không ngại vất vả để chọn lối đi riêng và làm giàu cho gia đình, quê hương.

- Quyết tâm nhưng phải có sự linh hoạt theo từng thời điểm, thị trường thì sẽ thành công. Chúc mừng em gái.

hình ảnh

Chị Hồng đang kiểm tra chôm chôm sấy. Ảnh Vnexpress

Vạn sự khởi đầu nan, nếu không có những thử thách ấy thì làm sao có được thương hiệu mứt như hôm nay? Chị Hồng và gia đình trải qua không ít vất vả, sau mỗi lần như vậy họ càng có thêm kinh nghiệm, càng muốn linh hoạt tạo ra nhiều sản phẩm hơn nữa. Cây trái bình dân quê nhà được thu mua và chính nông sản địa phương chất lượng có nguồn tiêu thụ sẽ giúp bà con có nguồn thu nhập tốt hơn. 

Tâm lý chung của cha mẹ là muốn nuôi dạy con học hành đỗ đạt rồi đến thành phố lớn hoặc ra nước ngoài làm việc. Cũng dễ hiểu vì cha mẹ nghĩ vậy là tốt, mà họ thì muốn dành những điều tốt nhất cho con. Bởi vậy, nếu các con ngược dòng trở về quê nhà, tất nhiên sẽ gặp sự phản đối của gia đình, đặc biệt là cha mẹ vì họ đã hy vọng rất nhiều, quay về bị cho là không có tương lai. 

Nhưng nhìn chị Hồng với sản phẩm mứt chôm chôm đang vươn ra nước ngoài, cô gái Cần Thơ Nguyễn Hương Đào kiếm nửa tỷ mỗi năm nhờ vườn sầu riêng siêu trái, anh Trần Đình Nhâm ở Hà Tĩnh thu nhập 400 triệu/năm nhờ nuôi dúi.... mới thấy về quê đâu phải lúc nào cũng “chết cả tương lai”. Nếu đã có định hướng rõ ràng cho bản thân và kiên nhẫn theo đuổi, linh hoạt thay đổi chiến lược cho phù hợp thị trường thì không có gì là không thể.