Nhà hai đời mở trường, quản lý trường mẫu giáo, tới đời con cứ thấy lớp mẫu giáo là khóc ngon lành, mẹ vui không nổi luôn.

Đến giờ đã vào học được mấy tuần, con của các mẹ có còn khóc không. Con nhà em thì ngoan lắm ạ, vẫn khóc đều mỗi ngày cho mẹ với cô giáo dỗ dành mệt xỉu. Được cái mẹ về khuất bóng là con nín dần, sau đó lại chịu học, chịu chơi nên mẹ cũng yên tâm.

Nhưng đó là con em mới đi học thấy trường xa lạ, lại thấy mẹ đi mất nên cứ sợ bị bỏ lại, khóc là đúng rồi. Đằng này có bé trai, bà ngoại lẫn mẹ bó tay vì chẳng hiểu sao đi học mẫu giáo lại khóc. Nguyên nhân là trường học do nhà tự mở, đi học có khác gì như đang ở nhà mình đâu. Thế mà cũng khóc làm màu, làm mẹ với bà với dì “xí hổ”.

Gia thế khủng của bé trai 3 tuổi khóc trong ngày đầu đến trường

Từ lúc em đọc được chuyện của bé trai 3 tuổi trên trang nước ngoài, em chợt ngộ ra rằng, trẻ con đi mẫu giáo lần đầu, cứ phải khóc cho đúng quy trình. Bất kể gia cảnh ra sao thì khóc như một phần không thể thiếu khi đi mẫu giáo.

Để em kể lại cho các mẹ hay, bé trai này đã khiến dân mạng cười xỉu vì khóc nhè khi đi mẫu giáo là vì sao. Là vì ảnh khóc lãng xẹt đó, người ta tới chỗ lạ người ta khóc. Còn ông con này, ảnh đi học ngay nhà ảnh luôn mà khóc cái gì.

hình ảnh

Ông mở trường mẫu giáo, dì làm hiệu trưởng, mẹ làm hiệu phó, bà ngoại chủ bếp ăn. Ảnh: mamidaily

Kể ra lý lịch của bé trai 3 tuổi, ai cũng hú hồn. Ông ngoại chính là người mở ra ngôi trường mầm non, dì của bé là hiệu trưởng, mẹ của bé là hiệu phó, bà ngoại là đầu bếp của trường. Đây chính là một ngôi trường mẫu giáo gia đình đúng nghĩa. Bé trai đúng kiểu “con ông cháu cha” theo nghĩa đen luôn, ai dám động vào.

Cứ ngỡ học ngay sân nhà, bé trai sẽ vô cùng dạn dĩ, thậm chí có khả năng thành “trùm” trường. Nhưng không, ngày đầu tiên con trai đi học, chị Mơ một phen bất ngờ. Ngay khi bước vào cửa lớp mẫu giáo, tự nhiên thằng bé lại khóc ngon lành, tay thì vò áo như đang lo lắng lắm.

Điều này khiến mẹ là hiệu phó, bà ngoại giữ bếp của trường cũng bó tay. Gia đình toàn dân thứ dữ mà đi học lại sợ, lại khóc. Con trai hiệu phó mầm non mà tới cửa lớp lại khóc nhè như trẻ con nhà khác, lêu lêu quê chưa.

À, bé trai này ở Phụ Dương, An Huy, xứ Trung nha mọi người. Từ nhỏ bé đã theo mẹ chơi quanh các lớp học. Năm nay vừa hay bé đủ 3 tuổi nên mẹ đăng ký cho con đi học chính thức, để hòa đồng với các bạn nhỏ.

Không ngờ, tưởng con quen rồi, kết quả con vẫn khóc. Mà không phải khóc một ngày, mấy ngày sau đó, ngày nào cũng khóc khi tới lớp khiến mẹ bó tay. Chị Mơ nói rằng “hóa ra chính con tôi cũng khóc khi đi nhà trẻ”.

Người mẹ kể từ nhỏ bé vẫn chơi ở trường, chỉ như kiểu từ phòng ngủ ra phòng khách, vậy mà đi học cũng bày đặt khóc. Chân lý đi học mẫu giáo ngày đầu phải khóc chẳng chừa bé nào. Học trường của gia đình tự mở mà cũng khóc là sao. Khi câu chuyện hài hước này được lan truyền, nhiều người vào bình luận rất dí dỏm.

- Đi học như không đi vậy, chỉ chuyển từ phòng ngủ ra phòng khách mà cũng bày đặt khóc.

- Cười xỉu, nhà mở trường rồi lấy gì trốn học.

- Con không thích học trường của gia đình nên con khóc đấy.

- Phụ huynh năm nay yên tâm rồi nha, có cháu học ở đó thì bữa ăn nhà trẻ bao ngon, bao chất lượng.

Một số cư dân mạng cũng vô cùng hâm mộ gia đình tuyệt vời này, ông ngoại, dì, mẹ và bà ngoại đều thật quyền lực. Đi học kiểu có hậu thuẫn vững chắc thế này thì con cứ thế mà làm bé khỏe bé ngoan đứng đầu toàn trường luôn.

hình ảnh

Đi học trường mẫu giáo của gia đình nhưng vẫn cứ thích khóc. Ảnh: mamidaily

Giải tỏa nỗi lo chia ly khi đi mẫu giáo cho con

Một người kể chuyện sáng nào cũng có tiếng em bé khóc ở tầng dưới chung cư vọng lên. Anh cố tình ra xem thì thấy bé trai chưa đầy 3 tuổi, nhỏ con, đeo cặp nhỏ và được mẹ bế.

Có vẻ bé không thích đi nhà trẻ nên cứ khóc to, người vặn vẹo, cố ghì mẹ lại nhưng mẹ thì cứ một mực tiến về phía trước không do dự. Cảnh này y chang cảnh ở nhà trẻ mỗi sáng, khi những em bé rời tay mẹ vào lớp, khóc như mưa bay.

Thực ra, việc trẻ khóc mỗi sáng đi mẫu giáo có tên hẳn hoi, đó là nỗi lo chia ly. Nó bao gồm những phản ứng cảm xúc khó chịu của trẻ nhỏ khi xa cách người thân. Cảm xúc bao gồm lo lắng, hồi hộp, sợ chia tay và muốn khóc.

Nguyên nhân là trẻ con nhỏ, phải đối mặt với môi trường xa lạ, toàn người xa lạ. Ở lớp, trẻ phải tự ăn, tự ngủ, không có người dỗ. Về mặt tâm lý, trẻ có thể cảm thấy lo lắng, thất vọng, sợ hãi. Lúc này, trẻ chỉ biết dùng cách khóc để bày tỏ.

Stanley Greenspan, một bác sĩ y khoa nổi tiếng người Mỹ và là một nhà tâm lý học trẻ em. Bác sĩ đã chỉ ra rằng trẻ em khoảng 3 tuổi sẽ tìm mẹ gần như sau mỗi 15 phút.

Đây là bản năng của tất cả các loài động vật nuôi con bằng sữa mẹ, kể cả con người. Tức là sau khi tách khỏi mẹ một thời gian, con cần trở về với mẹ để có cảm giác an toàn. Vì vậy, trẻ có tâm lý lo lắng chia ly là điều bình thường, mẹ không cần quá lo lắng.

Ngoài ra có một số nguyên nhân khiến con khóc khi đi mẫu giáo, cũng liên quan đến nỗi lo chia ly ở trẻ:

  • Cách nuôi dạy con cái của cha mẹ

Các phương pháp nuôi dạy con khác nhau có thể dẫn đến sự khác biệt. Nếu cha mẹ dạy đúng, đủ nghiêm khắc, trẻ sẽ hình thành tính tự lập, khả năng thích ứng, kỹ năng làm việc nhóm và kỹ năng xã hội.

Ngược lại, nếu ở nhà cha mẹ quá mực nuông chiều, con sẽ hình thành tính ỷ lại, dựa dẫm và không biết tự lập. Những đứa trẻ như vậy thường rất khó vượt qua nỗi lo chia ly dẫn đến hay khóc khi đi nhà trẻ.

  • Tuổi và tính cách

Một số trẻ có ngày sinh về cuối năm hoặc sinh non, dẫn đến phát triển hơi chậm hơn các bạn cùng tuổi. Do đó, các bé cũng khó thích nghi với môi trường mẫu giáo hơn và có xu hướng vẫn muốn tiếp tục dựa dẫm gia đình.

Ngoài ra, một số trẻ vui vẻ, hòa đồng thì dễ thích nghi với môi trường mới. Trong khi một số trẻ bản tính nhút nhát và sống nội tâm, không giỏi giao tiếp với người lạ, sẽ khó thích nghi khi đi mẫu giáo.

Nỗi lo chia ly khi đi mẫu giáo của trẻ là hết sức bình thường nhưng cha mẹ phải quan tâm. Vì nếu bỏ mặc con, về lâu dài, con sẽ bị mất đi cảm giác an toàn, tính cách trở nên mong manh, nhạy cảm.

hình ảnh

Ảnh mang tính minh họa. Nguồn: zh

Cha mẹ cần làm gì cho con đỡ khóc khi đi mẫu giáo

1. Nói cho con nghe về trường mẫu giáo

Nhiều trẻ sợ đi học mẫu giáo, một mặt không muốn xa cha mẹ, mặt khác xuất phát từ sự thiếu hiểu biết về nhà trẻ. Việc đưa con đến một nơi hoàn toàn xa lạ sẽ khiến con thấy hoảng loạn.

Vì vậy, khoảng 1, 2 tuần trước khi đi nhà trẻ, các bậc cha mẹ nên xây dựng tâm lý cho con. Mẹ có thể nói cho con biết nhà trẻ là gì, vào đó con được học gì, vui như thế nào. Mẹ có thể nắm bắt đặc điểm tâm lý của con như con thích có bạn, con thích hát, con thích nghe kể chuyện. Từ đó nói cho con biết khi vào nhà trẻ, con sẽ được làm những điều đó thỏa thích.

Việc cha mẹ đưa ra những điều tốt đẹp về trường mẫu giáo sẽ giúp con xua tan nỗi sợ hãi và lo lắng của trẻ em về trường mẫu giáo.

2. Làm cam kết với con

Cha mẹ có thể cam kết, đưa ra lời hứa trong khả năng với con và nhất định phải thực hiện cho bằng đường. Việc có cam kết sẽ giúp nâng cao cảm giác an toàn cho con nhỏ. Những lời cam kết đơn giản gồm:

  • Cha mẹ sẽ gửi con đến trường mẫu giáo vào sáng mai.
  • Cha mẹ sẽ đón con từ trường mẫu giáo về vào chiều mai.
  • Cha mẹ sẽ đọc sách ảnh cho con nghe vào tối mai.

3. Cứng rắn khi con khóc, đừng mềm lòng

Đến cổng trường mẫu giáo, thường xuyên bắt gặp những đứa trẻ rơm rớm nước mắt, xót xa nhìn mẹ. Người mẹ mềm lòng, cứ đứng chần chừ không về, con nhìn thấy mẹ thì cứ khóc mãi, cô giáo muốn dỗ dành cũng rất khó.

Lòng mềm yếu nhất thời không đưa con vào lớp mẫu giáo được. Ngược lại, về sau ngày nào con cũng khóc vì nghĩ như vậy mẹ sẽ ở lại với con lâu hơn. Do đó, ngay từ những ngày đầu đưa con đi học, hãy chọn cách dứt khoát. Mẹ cần tin tưởng vào cô giáo, giao con xong là đi về ngay.

4. Không mang thưởng phạt ra để ép con đi mẫu giáo

Nhiều phụ huynh mua một món đồ chơi hay đồ ăn nhẹ như một phần thưởng khi họ đến đón con vào buổi chiều. Đừng để trẻ xem việc đi học mẫu giáo là một cách để có kẹo ăn hay có đồ chơi. Như vậy, khi cha mẹ không mua cho nữa, con sẽ không chịu đi học, cũng sẽ mất đi ý nghĩa của việc đi học mẫu giáo.

Một số phụ huynh còn thích dùng giọng điệu đe dọa con cái như con không nghe lời, mẹ sẽ gửi con đi nhà trẻ. Việc đe dọa như vậy sẽ khiến trẻ hiểu nhầm rằng nhà trẻ là nơi trừng phạt. Điều này sẽ làm trầm trọng thêm nỗi sợ hãi của trẻ đối với trường mẫu giáo.

5. Luôn hỏi con về những chuyện vui ở trường mẫu giáo

Trò chuyện với con về những gì đã xảy ra ở trường là việc cần làm nhất khi con mới bước vào lớp mẫu giáo. Bằng việc hỏi về những chuyện vui sẽ để lại dấu ấn tốt trong con về nhà trẻ. Đồng thời, qua biểu hiện của con, cha mẹ có thể đoán biết phần nào tình trạng con khi ở trường. Từ đó có thể giúp con kịp lúc.

Mọi người đều có bản năng tìm kiếm ưu điểm và tránh nhược điểm, trẻ em cũng không ngoại lệ. Do đó, để giảm bớt tâm lý lo lắng chia ly khiến con khóc mỗi khi đi mẫu giáo, cha mẹ cần nhớ tạo cho con sự an toàn. Đồng thời giúp con cảm nhận nhà trẻ là một nơi rất vui, rất tốt để con thích đến trường hơn.

Còn về bé trai gia thế khủng ở trên, có thể con khóc cũng xuất phát từ tâm lý sợ chia ly, bỡ ngỡ môi trường mới. Lúc trước là mẹ đưa con đến chơi, và con vẫn ở cùng mẹ. Còn hiện tại là con phải vào lớp học, chứ không phải đến chơi nữa. Nhất thời có lẽ con lạ lẫm và hơi ngỡ ngàng nên khóc theo các bạn cho vui thôi. Dần dần sẽ quen.