Chắc cô vội vào tiết học quá thôi, khổ là trẻ con lại hay nhạy cảm.

Không biết từ bao giờ, quà tặng thầy cô được quy về phong bì, hiện vật có giá trị. Những cành hồng, thiệp tự làm dần trôi vào quên lãng. Nhưng em thấy để trẻ con tự tay làm thiệp tặng thầy cô là một điều rất hay. Thông qua việc tự làm thiệp, con sẽ ý thức hơn về việc nhớ ơn thầy cô.

Tự làm thiệp, con trẻ sẽ có cơ hội thể hiện tấm lòng mình nhiều hơn. Chứ phong bì hay mua quà gói sẵn thì cái đó đã có phụ huynh chuẩn bị. Trẻ con lại hời hợt, chả quan tâm mấy.

Nhưng đôi lúc sự nhiệt tình của con trẻ lại không được đáp lại những điều mà con mong đợi. Một vị phụ huynh đã đăng lên mạng chuyện của con mình, nhờ cộng đồng mạng phân xử.

Đứa bé thức đêm làm thiệp cho cô giáo nhưng con lại thấy cô bỏ thiệp con qua một bên. Đứa bé đã rất buồn, có phải cô giáo sai rồi không? Nhưng thật bất ngờ, nhiều người vào bảo chuyện cô bỏ thiệp sang một bên là bình thường.

Có người còn phũ phàng hơn, bảo không bỏ đi lúc đó thì đằng nào cũng đi bỏ chỗ khác. Chứ năm nào cũng nhận quá trời thiệp, nhà cô làm sao chứa cho hết. Nghe mà buồn ghê.

Con thức đêm làm thiệp, cô giáo nhận xong bỏ sang một bên

Đây là câu hỏi được chia sẻ bởi một blogger giáo dục bên xứ Trung. Một phụ huynh cho biết con mình đang học lớp 2, tối nào cũng làm bài tập về nhà. Tuy nhiên, dịp lễ đến gần, con muốn thể hiện tấm lòng của mình với cô giáo. Con muốn được tự làm một tấm thiệp tặng cô.

Vì vậy sau khi hoàn thành bài tập về nhà, con đã nghiêm túc mang giấy màu ra vẽ, cắt, hy vọng sẽ làm cô giáo bất ngờ. Tấm thiệp tay chẳng có giá trị vật chất gì cả, nhưng trong mắt học sinh có ý nghĩa rất độc đáo. Con làm bằng cả trái tim của con.

hình ảnh

Ảnh mang tính minh họa. Nguồn: banbao

Hôm sau con mang lên lớp tặng cô giáo. Nhưng thật không ngờ, con phát hiện tấm thiệp mà con thức đêm để làm, sau khi tặng, cô giáo liền để sang một bên. Đứa trẻ nhìn thấy cô giáo không ngó ngàng đến thiệp mình làm đã rất hụt hẫng. Khi con làm thiệp, con đã nghĩ đến cô giáo sẽ bất ngờ, nhưng cuối cùng, lại chẳng được như mong đợi.

Con về kể với mẹ, phụ huynh nói rằng con mình đã rất buồn vì chuyện đó. Người mẹ cũng rất muốn an ủi con. Nhưng cũng rất khó, nếu chị trực tiếp nói do cô giáo sai rồi, cô giáo không đúng thì sau này con sẽ không tôn trọng cô nữa. Biết đâu vì chuyện lần này, con sẽ không còn niềm tin vào giáo viên nữa.

Còn nếu viện một cớ nào đó biện hộ cho cô giáo thì lại như đang lừa con. Một khi đứa trẻ biết mình bị lừa, con sẽ mất luôn cả niềm tin vào mẹ. Rõ ràng cô giáo làm vậy là không trân trọng tấm lòng của học sinh.

Chính người mẹ không biết làm thế nào để giải thích, giúp con chấp nhận được chuyện này. Cũng không biết có phải do cô giáo vội vào tiết quá không mà để thiệp sang một bên. Cuối cùng chị quyết định đăng câu chuyện lên mạng để nhờ cộng đồng mạng phân tích.

Có người bảo chuyện này “quá bình thường”

Ngay khi câu hỏi được đăng lên, một cuộc tranh luận nóng đã diễn ra, phân tích về hành động của giáo viên. Về phía những bậc phụ huynh, là cha mẹ, họ cho rằng không thể chấp nhận được. Điều này rõ ràng đã làm tổn thương đến đứa trẻ một cách sâu sắc, sẽ để lại ký ức buồn trong tâm lý đứa trẻ tiểu học.

Đây không phải là thiệp làm sẵn mua ngoài nhà sách mà là thiệp học sinh tự làm. Chứng tỏ học sinh rất mến cô giáo, vậy mà cô lại nỡ để tấm thiệp sang một bên. Nhìn thấy tấm lòng, công sức dành cả đêm để làm bị vứt bỏ, với học sinh tiểu học sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến nhận thức.

hình ảnh

Ảnh mang tính minh họa. Nguồn: jia

Vì nỗi thất vọng với giáo viên, có thể sẽ ảnh hưởng đến thái độ học tập về sau của học sinh. Tranh luận về chuyện này còn có cả học sinh vào tham gia. Nhiều em nói thẳng biết sẽ có chuyện thế này nên thà các em mua luôn thiệp làm sẵn cho tiện. Đằng nào thì thầy cô cũng vứt đi hay bỏ một góc nào đó.

Một số người cũng vào bình luận, họ nói bây giờ cứ sau mấy dịp lễ, nhìn vào thùng rác toàn hoa và thiệp, cảm giác đó cứ xót xa khó nói nên lời. Từng có cô giáo nói rất ngại khi học sinh tặng cô những cành hoa hồng giả. Có khi cả một bó mấy chục bông cô ôm không xuể. Chở về nhà thì chở không hết, nhà cũng chật chội, mà vứt đi thì lại thấy có lỗi với học sinh. Thật sự rất khó xử.

Một số đồng nghiệp của cô giáo cũng cho việc cô để thiệp sang một bên hoặc lỡ vứt đi như lời em học sinh kể cũng là điều dễ hiểu. Nhiều giáo viên, ngay cả khi họ không vứt nó đi ngay trong ngày, họ cũng sẽ mang nó đi nơi khác và bỏ nó.

Ngay cả cha mẹ, cũng có lúc sẽ quên mà tiện tay vứt đi tấm thiệp của con đó thôi. Còn với cô giáo, cứ mỗi một năm lại có cả đống thiệp được tặng, nếu giữ lại tất cả thì phải để đâu cho hết.

Chỉ mong các cô khéo léo hơn đừng làm bọn trẻ buồn

Chính người chia sẻ bài viết cũng kể rằng ngày xưa đi học, cũng hay tự tay làm thiệp cho giáo viên chủ nhiệm. Lúc đó cô giáo rất vui vẻ, mở ra xem từng tấm thiệp một. Người này đã vẽ một con gà mái mẹ và đàn gà con. Cô giáo xem là hiểu ngay ý nghĩa.

Cô hỏi có phải em đang so sánh cô giáo như là người mẹ, chăm sóc các em không. Gương mặt vui vẻ của cô giáo lúc đó khiến người này không thể nào quên được. Đó là sự chân thành, trân trọng từ trái tim.

Các phụ huynh cho biết, dù thông cảm cho các cô, cũng không ép các cô phải như ngày xưa phải trân trọng, giữ lại từng tấm thiệp. Nhưng ít nhất mong các cô hãy tinh tế, khéo léo hơn. Đừng vội vứt bỏ đi tấm thiệp trước mặt học sinh. Nên chú ý đến cảm xúc của bọn trẻ nhiều hơn.

Bởi vì trong lòng con trẻ, tấm thiệp không có giá trị đó rất có ý nghĩa kỷ niệm. Cô có muốn ném đi thì nên tìm chỗ phù hợp hơn và vứt ở nơi khó thấy. Chứ để học sinh vô tình nhìn thấy thiệp mình làm bị vứt đi, thật sự rất tổn thương.

hình ảnh

Ảnh mang tính minh họa. Nguồn: huzhou

Em thì em nghĩ chắc cô giáo này có thể sơ suất, lỡ quên hoặc vội vào tiết nên tạm để thiệp sang một bên. Hoặc vì một nguyên nhân nào đó mà tấm thiệp bị cho là vứt đi. Chứ làm sao có giáo viên nào lại hành xử như vậy được ạ. Không thể nào vứt tấm thiệp học sinh tặng cho ở một nơi dễ thấy như vậy.

Còn nếu cô giáo chỉ nhận thiệp xong rồi để sang một bên không đả động gì đến. Có thể lúc đó cô đang bận, tạm để sang một bên rồi về cô mở ra xem sau chẳng hạn. Biết là học sinh buồn nhưng phụ huynh nên hỏi chuyện con rõ ràng hơn.

Trẻ con còn non nớt, nhiều sự việc thấy vậy chưa chắc đã như vậy. Nên mẹ cũng cần nghe rõ đầu đuôi kẻo hiểu lầm cô giáo thì tội nghiệp cô. Qua chuyện này cũng mong các giáo viên tinh tế hơn khi nhận quà học sinh tặng. Dù đó chỉ là một nhành hoa, một tấm thiệp không giá trị thì cũng hãy niềm nở vui tươi đón nhận.

Bởi với người lớn, những món quà đó chẳng đáng gì, nhưng với học sinh, đó là cả tấm lòng. Học sinh tặng quà cho giáo viên, con cũng mong được cô giáo đáp lại. Cũng háo hức mong cô mở thiệp ra xem rồi khen con vẽ đẹp lắm, viết hay lắm, cảm ơn con nhé.

Đằng này cô nhận xong rồi bỏ sang một bên, bảo sao đứa trẻ không buồn. Nên mong cô giáo, nếu cô có làm như thế thật thì nên sửa đổi lại. Tâm hồn trẻ thơ mong manh dễ vỡ, cô làm đứa bé tổn thương thì từ đó về sau, chắc con chẳng còn thiết tha làm thiệp tặng ai nữa.

20/11 sắp đến, đừng quên tri ân thầy cô

Không biết có tình cờ hay cố ý mà em đọc được câu chuyện này ngay gần dịp 20/11 gần kề. Đúng là khá nhạy cảm phải không mọi người, chuyện quà cáp thầy cô cứ xôn xao từ đầu năm đến giờ mà.

Em nghe chị đồng nghiệp kể, có cô giáo vì ngại chuyện quà cáp, lớp có trích quỹ ra tặng cô phong bì nhỏ nhỏ lúc 20/10 mà cô từ chối khéo không dám nhận. Nghĩ thấy thương các thầy cô, dạy dỗ học trò vất vả, còn phải áp lực vì bị xã hội soi xét đủ điều.

hình ảnh

Ảnh mang tính minh họa. Nguồn: zh

Với em, chuyện tặng quà thầy cô giáo là chuyện rất đỗi bình thường. Đó là tấm lòng phụ huynh tri ân công dạy dỗ của thầy cô dành cho con mình. Cũng là một cách khích lệ các thầy cô gắn bó với nghề khó khăn này.

Tuy nhiên, một vài chuyện không hay đã khiến việc tặng quà cáp trở thành nhạy cảm. Thầy cô rất e dè hoặc suy nghĩ rất nhiều khi phụ huynh tặng quà. Chỉ e một khi đón nhận quà tặng, biết đâu lại vô tình bị nhìn thành có ý khác. Lúc đó lại bị bóc phốt trên mạng, đối mặt với giải trình, kỷ luật, tai tiếng thì rất khổ cho thầy cô.

Mà đâu có cần bóc phốt, riêng chuyện bị nói là thầy cô ăn hối lộ, nhận quà lót tay, thiên vị cho em nào có biếu xén thôi là đủ làm thầy cô tổn thương rồi. Em học sinh ở trên tổn thương vì tặng thiệp mà cô ngó lơ. Còn có những thầy cô bị tổn thương vì nhận quà mà bị phụ huynh mỉa mai sau lưng.

Ngày 20/11 là một ngày tốt đẹp, đề cao truyền thống tôn sư trọng đạo. Vì vậy, đừng để những món quà, toan tính nhỏ nhen, suy nghĩ lệch lạc biến ngày vui thành ngày mệt mỏi. Chỉ mong tất cả thầy cô sẽ được nhận những món quà xuất phát từ tấm lòng của phụ huynh.

Em biết vẫn còn nhiều thầy cô rất kính nghề, quý học sinh. Họ trân quý từng tấm thiệp mà học trò tặng, lưu giữ từng cành hoa mà học sinh trao. Thậm chí, cô giáo dạy văn ngày xưa của em còn nước mắt rưng rưng khi trò làm bài thơ tặng nhân ngày nhà giáo.

Tình cảm thầy trò sao có thể vì dăm ba món quà vật chất mà cân đo đong đếm được. Nên 20/11 sắp tới đây, các em học sinh và phụ huynh đừng quên gửi lời tri ân, những món quà nhỏ (nếu có) đến thầy cô. Thầy cô cũng hãy dành cả tấm lòng để đón nhận lời chúc, quà tặng từ học sinh, phụ huynh nhé.