Đánh vào tâm lý của các mẹ bỉm sữa ở nhà nuôi con không muốn mang tiếng ‘ăn bám’ chồng, bọn lừa đảo đã thực hiện chiêu thức tinh vi này để thu về hàng trăm tỷ đồng. Mẹ xem xong phải đề phòng cảnh giác nha.

Theo trang Công an nhân dân đưa tin, Công an đã lập ban chuyên án để điều tra và xác định đường dây tội phạm liên tỉnh với quy mô đặc biệt lớn. Đáng nói đường dây này xuất hiện từ năm 2018, hoạt động có tổ chức chặt chẽ, tính chất chuyên nghiệp với hơn 100 đối tượng ở các chi nhánh tại nhiều tỉnh trong cả nước bao gồm Hà Nội, Hà Tĩnh, Thái Bình, Bắc Giang, Đà Nẵng, Thanh Hóa và TP.HCM…

>>> Vợ chồng già tin lời con dâu của bạn thân, bị lừa mất trắng 9 tỷ vì thiếu hiểu biết luật

hình ảnh


Ảnh: Đối tượng và tang vật bị thu giữ. Nguồn: Công an nhân dân. 

Phương thức hoạt động của bọn này là lập các Fanpage bán hàng mỹ phẩm chẳng hạn như son môi, mặt nạ, dưỡng da, nước hoa… rồi thuê người chạy quảng cáo, tăng lượt tương tác, tăng view trên Facebook để tuyển cộng tác viên. Đáng nói là các tin này thường ưu tiên tuyển những người phụ nữ đang nuôi con nhỏ, ở nhà không có việc làm, có nhu cầu bán hàng online để kiếm thêm thu nhập.

Mức lương đưa ra khá hấp dẫn, khoảng 10 đến 15 triệu đồng mỗi tháng, rồi công việc khá phù hợp là chỉ cần đăng bài viết với hình ảnh do công ty cung cấp, khách hàng nếu có nhu cầu thì lấy hàng từ công ty về. Có khách mua, cộng tác viên sẽ được hưởng thêm 100 ngàn đồng/ngày. Mỗi sản phẩm bán ra được hoa hồng 10% đến 20%. Trường hợp không có khách, cộng tác viên vẫn được hưởng tiền, nhưng chỉ được 50.000 đồng/ngày.

Với thủ đoạn này được thực hiện từ tháng 10/2018 đến nay, nạn nhân lên đến hàng ngàn người trên cả nước.

hình ảnh


Ảnh: Đường dây lừa đảo hoạt động có tổ chức chặt chẽ với hơn 100 đối tượng tham gia. Nguồn: Công an nhân dân. 

Để các nạn nhân sập bẫy, ngay khi họ vừa đăng ký cộng tác viên, nhóm này không vội vàng đặt hàng ngay, mà chờ đến vài ngày sau khi cộng tác viên đăng bài, bọn này mới lập Facebook ảo, sim rác đóng giả làm khách hàng đặt mua nhiều với lý do tặng đối tác, để kinh doanh… Khi cộng tác viên đặt hàng công ty, nhóm này cam đoan sẽ được hoàn trả lại hàng nếu giữ giấy bảo đảm của công ty, thực tế địa chỉ nhận lại toàn là giả mạo. Hàng đến tay cộng tác viên cũng là lúc khách hàng biến mất, không để lại dấu vết, hàng cũng không được hoàn lại vì địa chỉ công ty do nhóm này cung cấp là giả. Vì thế mà cộng tác viên phải ôm lượng lớn hàng hóa, giá trị thật chênh lệch gấp 40 đến 50 lần so với tiền bỏ ra nhưng cũng không thể sử dụng được vì toàn là hàng giả, hàng kém chất lượng.

hình ảnh


Ảnh: Nhóm đối tượng bị bắt giữ. Nguồn: Vietnamnet. 

Ban đầu, Công an xác định thủ đoạn lừa đảo tinh vi, nhưng lần ra dấu vết và tìm ra được đối tượng phạm tội là vô cùng khó khăn, bởi khó có thể thu thập tài liệu, chứng cứ. Thêm nữa nhiều bị hại mang tâm lý xấu hổ, sợ nhà mình biết chuyện nên đã từ chối hợp tác với cơ quan Công an.

Sau 4 tháng tổ chức điều tra, đến đầu tháng 4/2021, Công an các huyện, thành phố và thị xã của Công an Hà Tĩnh đã được điều động để bóc gỡ đường dây lừa đảo này.

Đến thời điểm này, Công an đã triệu tập hơn 100 đối tượng, thu giữ 4 ô tô, 80 máy tính, gần 200 điện thoại di động và hơn 3,6 tỷ đồng tiền mặt cùng hơn 30 thùng hàng.

hình ảnh


Ảnh: Có nhiều đối tượng là nữ. Nguồn: Vietnamnet. 

Cầm đầu của đường dây lừa đảo 3.000 nạn nhân này là Lê Huy Nhật, sinh năm 1993, ngụ ở thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa và Nguyễn Hữu Hiếu, sinh năm 1993, ngụ ở tỉnh Thái Bình.

Thậm chí bọn này còn tỏ thái độ thách thức với Công an vì trước đó đã nhờ tận 4 công ty Luật nổi tiếng tư vấn. Nhưng với chứng cứ sắc bén và lập luận vững chắc của Công an Hà Tĩnh, Nhật cùng đồng bọn đã phải cúi đầu khai nhận hành vi của mình.

Thông qua đó, Công an tỉnh Hà Tĩnh đề nghị ai là bị hại của hình thức lừa đảo này sớm trình báo với cơ quan Công an nơi gần nhất hoặc liên hệ với Cơ quan Cảnh sát điều tra thuộc Công an tỉnh Hà Tĩnh ở địa chỉ số 268 Nguyễn Huy Tự, phường Nguyễn Du, thành phố Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh, gặp Điều tra viên Thái Thị Thu Huyền, số điện thoại là 094.690.6668 để được đảm bảo quyền lợi và giải quyết.

hình ảnh


Ảnh: Nguyễn Hữu Hiếu tại CQĐT. Nguồn: Công an nhân dân. 

Đồng thời, kêu gọi các đối tượng tham gia vào đường dây này sớm đầu thú để hưởng sự khoan hồng của pháp luật.

Được biết, bước đầu, Công an Hà Tĩnh đã khởi tố bị can đối với Lê Huy Nhật và 36 đối tượng khác về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Căn cứ Điều 174 của Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản với tổng giá trị tài sản chiếm đoạt trên 500 triệu đồng đủ để có thể áp dụng khung hình phạt cao nhất của tội danh là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, hoặc tù chung thân. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể phải nộp tiền phạt từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

hình ảnh


Ảnh: Lấy lời khai của Lê Huy Nhật. Nguồn: Công an nhân dân. 

Bên cạnh đó, người phạm tội có trách nhiệm trả lại tài sản đã chiếm đoạt của người khác và bồi thường thiệt hại về tài sản (nếu có) cho nạn nhân theo quy định của Bộ luật dân sự năm 2015.

Biết là vậy đó nhưng thời gian để trả lại tài sản cho bị hại đã mất không phải một sớm một chiều, đòi hỏi phải theo trình tự thủ tục tố tụng luật định mới. Vì thế mà mẹ xem để rồi tự rút ra bài học kinh nghiệm luôn đề phòng cảnh giác mẹ nha.