Cả bố lẫn mẹ bé gái đều bỏ đi tìm hạnh phúc mới, xót đứa nhỏ không ai chăm sóc, chị bảo mẫu chấp nhận hy sinh hạnh phúc riêng.

Vẫn là câu nói quen thuộc “ly hôn rồi, điều còn lại là những đứa con, bố mẹ phải cố gắng bù đắp cho con thật nhiều”. Nhưng không phải bố mẹ nào sau ly hôn cũng làm tròn trách nhiệm của mình. Họ sẵn sàng từ bỏ con để chạy theo hạnh phúc mới. Con cái sau ly hôn đối với họ có khác gì “món nợ đời” đâu.

Người ngoài nhìn vào những đứa trẻ có bố mẹ ly hôn còn cảm thấy thương, thấy tội nghiệp. Đằng này, chính bố mẹ lại không biết thương con. Nhiều khi bố mẹ ruột thịt đối xử với con còn không bằng người dưng nước lã.

Em tình cờ đọc được những câu chuyện đời thật ở trên mạng. Bố mẹ ly hôn chẳng ngó ngàng con cái. Ngược lại, bảo mẫu, thân là người dưng lại sẵn sàng cưu mang, bảo bọc những đứa trẻ có bố mẹ mà như mồ côi. Có người chấp nhận không đi lấy chồng, từ hôn để ở lại chăm sóc con người ta. Cũng có bảo mẫu nuôi nấng đứa bé suốt năm trời không có tiền lương.

Người ngoài còn ấm áp hơn người nhà, bảo mẫu còn thương con hơn cả bố mẹ. Không biết những người được gọi là đấng sinh thành ấy, có bao giờ tự vấn lương tâm, thấy mình có lỗi, vô trách nhiệm chưa. Ly hôn rồi lại để mặc con cái cho người dưng nuôi. Bảo mẫu, dù thương đến mấy cũng không thể nào bù đắp tình thương bố mẹ cho các con được.

Bảo mẫu chấp nhận không lấy chồng để chăm con của chủ nhà

Nhiều gia đình bận rộn, có điều kiện thường thuê bảo mẫu về để chăm sóc con cái. So với bố mẹ, bảo mẫu còn ở với các con nhiều hơn, thân thiết hơn. Bỏ qua những câu chuyện đau lòng về bảo mẫu, ngoài kia còn rất nhiều bảo mẫu tốt. Ở cạnh các bé lâu ngày, mến chân mến tay, bảo mẫu nhiều khi thương con nhà chủ như con ruột của mình.

hình ảnh

Ảnh mang tính minh họa. Nguồn: szoeeee

Nhưng không phải vì thấy có bảo mẫu chăm sóc con mình rồi mà bố mẹ lại vô trách nhiệm, không dành thời gian chăm con. Tệ đến mức, có cặp vợ chồng ly hôn xong, cả bố lẫn mẹ đều đi, bỏ lại con gái kệ cho ai chăm thì chăm. Cuối cùng, người quyết định ở lại chăm sóc đứa bé lại là chị bảo mẫu.

Chứng kiến đứa nhỏ bơ vơ không người chăm sóc vì bố mẹ ly hôn, người bảo mẫu đã quyết định từ chối cưới chồng, ở lại chăm bé gái. Chuyện này em xem được trên trang nước ngoài đó các mẹ. Rất cảm mến tấm lòng của bảo mẫu.

Theo lời kể, người bảo mẫu này đã ở chung với bé gái từ nhỏ, luôn cố gắng hết sức chăm sóc cho em bé. Nhiều bức ảnh cô bảo mẫu đăng lên mạng đều có một bé gái xuất hiện, đó chính là con gái chủ nhà. Kể từ khi bố mẹ bé gái ly hôn, mẹ thì tái hôn, bố đi thành phố lớn làm việc cũng có người khác.

Thế là cả bố lẫn mẹ đều ít về thăm con, chỉ còn lại đúng cô bảo mẫu ở với bé gái. Chị đành thay bố mẹ của bé đưa bé đi chơi trong các dịp lễ, kỳ nghỉ hè. Đáng lẽ cô bảo mẫu phải về quê lấy chồng nhưng vì quá thương bé gái không ai chăm sóc, cô quyết từ hôn. Bảo mẫu chọn ở lại với bé gái, bố mẹ ly hôn bỏ mặc con, không thương con thì đã có bảo mẫu thương con.

Có người còn kể thêm về bảo mẫu, sau khi bố mẹ bé gái bỏ mặc con không chăm, bảo mẫu đã lo cho em bé như mẹ hiền. Hàng ngày, cô đưa bé đi học, đi chơi, đi gặp bạn bè, học hát, múa. Cô còn thường khen ngợi, động viên bé gái, giúp con có được sự tự tin.

Nghe mà thấy ấm lòng, người ngoài còn tốt hơn người nhà, bảo mẫu còn thương con hơn bố mẹ. Thật may mắn cho bé gái vì có cô bảo mẫu hết lòng yêu thương con, còn sẵn sàng hy sinh hạnh phúc riêng vì con. Trong khi bố mẹ con, có hạnh phúc mới mà không ngó ngàng tới đứa con ruột thịt của mình.

Mẹ để con cho bảo mẫu nuôi từ 2 tháng tuổi, đi biền biệt 1 năm không về

Có câu nói “mẹ sinh không bằng mẹ dưỡng”. Dù không cùng huyết thống nhưng người nuôi dưỡng mình có khi còn thân thiết, trân quý hơn mẹ ruột. Tại sao em lại nói như vậy, là vì có cô bảo mẫu cưu mang con người ta mấy năm trời, dù chẳng được trả đồng nào.

Chuyện này có thật ngoài đời ạ, cô bảo mẫu năm nay 56 tuổi, hiện ở Hà Nam, xứ Trung. Cô có nhận chăm một bé gái từ lúc 2 tháng tuổi. Cứ tưởng chăm một đoạn thời gian thôi, ai ngờ nuôi luôn con người ta 3 năm. Còn phải đi tìm kiếm tung tích mẹ đứa bé.

Không phải cô tìm mẹ đứa nhỏ để đòi tiền hay trả lại đâu mọi người. Cô ấy tìm mẹ cho bé gái là để đứa nhỏ được làm giấy tờ, được đi học. Tất cả cũng vì đứa trẻ mà cô nuôi nấng 3 năm, thương như ruột thịt. Em đọc câu chuyện của cô mà vừa cảm động, vừa thấy ghét bố mẹ bé gái.

Cô G. kể lúc trước là mẹ và dì của bé gái mang bé đến nhà cô để cô chăm sóc. Lúc đó em bé mới 2 tháng tuổi, còn rất nhỏ. 1, 2 năm đầu, mẹ và bố đứa nhỏ có thỉnh thoảng đến thăm cháu. Nhưng một năm trở lại đây, cả bố lẫn mẹ đều biệt tăm biệt tích, không hề đến thăm con.

“Một năm trước, tôi không thể liên lạc được, tôi đã rất lo lắng để tìm người vì tôi có lý do”. Cô G. chia sẻ về chuyện người mẹ. Và lý do cô đưa ra là em bé hiện đã 3 tuổi, đến lúc đi học. Khi bé gái thấy các bạn cùng lứa được đến trường, con thường hét lên con cũng muốn đi học mẹ ạ.

À để em giải thích là vì người mẹ đi biền biệt, cộng thêm cô G. nuôi bé từ 2 tháng tuổi nên con cứ nhất quyết gọi cô là mẹ và thực sự xem cô là mẹ mình. Cô G. nghe con đòi đi học thì cũng mua cặp sách, đồ dùng định gửi đi mẫu giáo. Không may, nhà cô G. nghèo, khó trang trải học phí cho bé. Bên cạnh đó, bé gái chưa có hộ khẩu, cần bố mẹ ruột làm thủ tục mới đi học được.

Chị gái của cô G. lo lắng cô không đủ tiền trang trải cuộc sống, còn phải nuôi các con nữa nên thuyết phục đưa bé vào trại mồ côi. Nhưng với cô G. đó khác gì con ruột, nghĩ đến việc đứa trẻ bị đưa đi trại mồ côi, cô đau thắt tim.

Đứa bé cũng vô cùng yêu thương cô G., khi được hỏi đây là ai, bé gái lập tức nói đây là mẹ con. Cô G. bật khóc, kể bé gái nghe con cô gọi mẹ, thế là sau đó bé cũng gọi theo, ngày nào cũng gọi. Cô có dạy bé gọi là bà, nhưng bé cứ nhất quyết gọi mẹ.

hình ảnh

Ảnh: HK01

Dù không có mẹ ruột bên cạnh nhưng bé gái vẫn sống đủ đầy hồn nhiên như những đứa trẻ khác. Thậm chí còn khôn lanh hơn vì được cô G. coi như con ruột. Đi đâu cô cũng dắt bé theo, cho bé được học hỏi nhiều thứ. Dù làm bảo mẫu không công, cũng không cùng huyết thống nhưng cô G. chưa từng xử tệ bạc với bé gái.

Thậm chí, lòng tốt của người bảo mẫu này đã vượt xa mức tưởng tượng thông thường của mọi người. Để cho bé gái được đi học, cô G. ráo riết tìm mẹ ruột của bé gái. Không may, người mẹ đã khóa luôn số điện thoại, trang cá nhân hay bất cứ hình thức liên lạc nào cũng khóa hết.

Trong tuyệt vọng, cô G. đã phải đi đăng tin trên phát thanh, ti vi. Sau khi lên sóng, sự việc được đông đảo mọi người quan tâm. Thậm chí nhiều tổ chức còn tuyên bố sẽ giúp bé gái tìm được bố mẹ ruột. Nhiều người còn đến thăm hỏi gia đình cô G.

Trường mẫu giáo cũng đã hỗ trợ giúp cho cô G. gửi bé gái đến trường thành công. Vào ngày đầu tiên đi học, cả hai bịn rịn không nỡ rời nhau. Hết buổi sáng, cô liền tới đón bé về, ai nhìn cũng cảm động.

Cùng với sự phát sóng, hỗ trợ tìm kiếm rộng rãi, cuối cùng, mẹ ruột của bé gái cũng chịu liên lạc. Người mẹ đó nói sẽ cố gắng quay về sớm nhất có thể. Thời gian qua không về thăm con là vì thiếu tiền, kinh doanh thất bại. Nghe lý do này, thật sự cạn lời. Mẹ bỏ mặc con nhỏ cả năm không nhìn đến, chỉ vì thiếu tiền.

Nếu cô G. như những người khác, không được trả tiền đàng hoàng thì đã mang trả lại đứa bé từ lâu rồi. Hoặc sẽ theo lời người chị, mang bé cho trại mồ côi. Đằng này lại đi tìm mẹ cho bé, chỉ vì mong con được đi học. Bảo mẫu so ra còn giống mẹ ruột hơn là người mẹ kia.

Ly hôn rồi cũng đừng bỏ rơi con

Trên đời này sẽ có bao nhiêu đứa trẻ gặp được may mắn, có được người bảo mẫu thương con, cưu mang con như ruột thịt. Chăm một đứa bé, bảo mẫu mến chân mến tay chẳng nỡ rời xa. Vậy mà bố mẹ, là ruột thịt, cùng chung huyết thống lại đành lòng dứt áo ra đi tìm hạnh phúc riêng.

Bố mẹ ruột thịt mà lại không thương con bằng cô bảo mẫu, nghe mà xót xa thay cho những đứa trẻ. Sinh con ra trên đời làm gì để rồi không cho con tình thương đủ đầy của bố và mẹ. Mái ấm của con đã không còn, vậy mà tình cảm bố mẹ cũng chẳng có, phải sống dựa vào tình thương của bảo mẫu. Chua chát quá.

hình ảnh

Ảnh mang tính minh họa. Nguồn: HK01

Không biết người mẹ bỏ con biền biệt một năm kia nghĩ thế nào khi con mình gọi bảo mẫu là mẹ. Con của mình lại nghĩ rằng bảo mẫu là mẹ ruột của nó. Mẹ có thấy tổn thương không, đau lòng không. Bỏ con biền biệt một năm không thăm nom, đến lúc hỏi thì bảo do làm ăn thua lỗ.

Lý do đó có đủ lớn, có đáng để mẹ đánh đổi thời gian ở bên con lúc ấu thơ. Khi con cần mẹ ở bên, muốn được gọi mẹ như các bạn, muốn được đến trường thì mẹ ở đâu?

Không chỉ có mẹ mà còn bố nữa, mẹ không đến thăm rồi tới bố cũng biệt tăm. May là bảo mẫu phát tin tìm trên ti vi, chứ không, con có khi cả đời khỏi gặp lại bố mẹ. Cũng không có giấy tờ đàng hoàng mà đi học, lại còn vào trại mồ côi.

Riêng với cặp vợ chồng đầu tiên, ly hôn xong thì mạnh ai nấy sống cuộc đời mới, con gái bỏ mặc cho bảo mẫu thì thật sự cạn lời. Với kiểu bố mẹ vô trách nhiệm như vậy thì chẳng muốn nhắc đến nữa. Nếu em là bảo mẫu, chắc em xin nhận bé gái đó làm con nuôi luôn, rồi về quê lấy chồng, cho bé một gia đình mới.

Cũng hy vọng qua những câu chuyện chẳng mấy vui này, các bậc bố mẹ cũng ý thức hơn về trách nhiệm của mình. Ly hôn hay chẳng ở được với nhau đó là chuyện của các vị. Nhưng việc nuôi dưỡng, chăm sóc con cái là điều bắt buộc bố mẹ phải đảm nhiệm dù đã ly hôn hay chưa.

Những đứa con đâu có tự ý quyết định đến thế giới này. Là bố mẹ đã sinh chúng ra thì phải nuôi nấng con mình, ít nhất cho đến khi con trưởng thành, tự lo được cho bản thân. Đừng vô trách nhiệm với con cái, nhất là sau ly hôn. Đừng để con cái thành trẻ mồ côi trong khi bố mẹ vẫn sống sờ sờ ra đó.