Có tiền cho vay là dại nhưng nếu là bạn thân nhờ vả, liệu bạn có thể từ chối?

Cách đây gần 3 năm, Ái Phương (tên nhân vật đã được thay đổi), một người bạn của tôi chính thức ly hôn và làm mẹ đơn thân. Trong thời gian sụp đổ ấy, có lần, cậu ta chạy đến nhà tôi, hai đứa tâm sự tới sáng không ngủ.

Vốn quan niệm “người đàn ông không tiếc tiền với bạn thì hẳn anh ta yêu bạn rất nhiều” nên Ái Phương từng rất hạnh phúc khi sống lệ thuộc gần như hoàn toàn vào chồng, nhất là về khoản tiền bạc.  Sau ly hôn, từ chỗ được chu cấp như bà hoàng, cậu ta trở nên chật vật khi phải tự sống dựa vào mình với khoản tiền để dành không nhiều nhặn gì. Để không phải đau đầu về việc tiền đâu nuôi con, cậu ta gởi cậu con trai, khi ấy mới 2 tuổi về nhà ông bà nội, còn bản thân tìm hướng đi mới. 

hình ảnh

Một thời gian ngắn sau đó, bằng vẻ đẹp quyến rũ cùng sự sắc sảo trong kinh nghiệm cưa đổ các anh phong lưu, Ái Phương cũng tìm được cho mình một người đàn ông giàu có để nương tựa và sinh cho anh ta một đứa con gái xinh xắn. Cả hai mẹ con nhờ vậy được sống một cuộc sống đáng mơ ước trong mắt bao người. Bất ngờ, đại dịch ập đến.

Trong 2 năm biến động, chồng cậu ta gặp bao phen sóng gió khi nguồn hàng đứt gãy liên tục qua nhiều đợt. Công việc vì thế cũng ngày một lụn bại theo. Một lần nữa, Ái Phương rơi vào hoang mang dù anh chồng kia vẫn đang tìm cách vực dậy dần sau khi mọi thứ bình thường trở lại từ đầu năm nay.

Cách đây không lâu, cậu ta tìm đến tôi và mở lời hỏi vay 100 triệu để tổ chức sinh nhật cho con gái. Trong điều kiện hiện tại, đối với tôi 100 triệu không phải ít nhưng cũng chẳng phải nhiều đến mức bạn thân gặp hạn mà không cho vay được. Còn đối với Phương, số tiền ấy đã từng chỉ là dăm ba bữa tiêu pha. Đứng trước mặt tôi, Phương rầu rĩ cúi gằm mặt, tôi phút chốc động lòng, muốn cho cậu ta vay để xoay sở nhưng nghĩ lại chuyện đã qua nên lần này quyết định từ chối thẳng dù trong lòng rất áy náy. Mất lòng cũng đành mất, cứ để sau sẽ tính tiếp.

hình ảnh

Nói đến đây, chắc bạn nghĩ tôi vô tình. Bạn thân đã rơi vào hoàn cảnh như thế mà không giúp đỡ dù có điều kiện?

Không!

Từ chối trong trường hợp của tôi chính là giúp đỡ.

Ái Phương vốn không phải là đứa con gái tiêu tiền không tiếc tay. Nhưng từ khi có con gái, cậu ta trở nên cuồng con và dồn tất cả mọi thứ tốt đẹp cho bé. 

Chỉ mới là trẻ sơ sinh nhưng cô bé đã được sắm cho toàn đồ hiệu từ cái vớ, cái áo, cái quần cho đến bình sữa, cũi, xe đẩy… Số tiền mà cậu ta khoe đi sắm đồ sơ sinh cũng lên đến hơn 200 triệu. Trong khi, những đứa như tôi, muốn tiêu gì đều tính toán kỹ cái cần, cái không cần.

Lớn hơn một chút, trong tủ đồ của con gái Phương lúc nào cũng là quần áo mới. Những bộ đầm, váy gọi là cũ cũng chỉ mặc qua 1-2 lần rồi đem cho. 

Đồ chơi của con, Phương sắm cả phòng riêng để chứa đến nỗi muốn chơi gì, con bé cũng không biết phải tìm ở đâu vì chúng quá nhiều. 

Chung quy lại thì bất kể là đồ ăn hay quần áo, đồ chơi, lớp học… của con bé, Ái Phương đều phải tự tay lựa chọn hàng tốt, hàng có thương hiệu. 

Về khoản ăn chơi thì khỏi nói. Hầu như tuần nào cậu ấy cũng đưa con đi chơi với khoản chi phí cho mỗi chuyến đi cũng ngốn không ít tiền bạc.

Mấy lần qua nhà dì Phương chơi, con tôi lại tị nạnh “Ở nhà dì, con gái là công chúa. Còn ở nhà mình, con gái là nô tì cho mẹ sai vặt thôi.”

Phải nói thêm thì cho đến khi có chuyện vay tiền, mối quan hệ hai gia đình bọn tôi rất tốt. Phương tiêu tiền như phá nhưng cũng rất xởi lởi bởi cái nết vốn thảo tính và sống không gì có lỗi với chúng tôi. 

Nhưng càng như vậy, tôi càng phải một lần tỏ ra cứng rắn. Tôi khuyên cậu ta không ít nhưng nhà có điều kiện, tội gì. Tôi nói: “Tớ thấy cậu tiêu tiền kiểu này không được. Khi mình có tiền thì cái gì cũng dễ nhưng đâu phải lúc nào cũng được xuôi buồm thuận gió. Cậu phải nghĩ xa một chút. Cậu càng coi con là báu vật thì càng phải tính đến điều này, không phải cứ xa hoa thì tốt, còn dạy con nữa.”

Giờ thì đúng thật là cửa nhà của cậu ta không còn có thể vàng son như trước. Trong khi cố gắng duy trì một phần xưởng sản xuất còn lại, chồng Phương còn phải lo trả nợ lớn, mọi thứ không còn được thoải mái như trước. Áp lực khiến chồng Phương cũng trở nên nóng nảy, khó chịu và để ý hơn đến chuyện tiêu tiền của cậu ta nên đâu thể làm gì thì làm.

Tuần rồi, con gái đòi tổ chức sinh nhật lớn trong nhà hàng cao cấp nhưng tiền bên công ty của chồng xoay không kịp, chồng Phương có năn nỉ vợ chịu hiểu cho anh nhưng Phương lấy con gái ra làm cớ, nhất định không xuống nước. Kết quả là nằng nặc dọa đi vay tiền làm sinh nhật lớn cho con gái bằng được với lý do tuổi thơ con qua đi nhanh lắm, không thể lấy lại được.

Đến nước này, tôi là bạn còn hùa theo thì chẳng phải đáng trách lắm sao?

hình ảnh

Khi nhà có của dư của để, muốn sắm sửa cho con thế nào cũng được nhưng khi sa cơ, rơi vào thế khó vẫn cố sức đi vay đầu này đầu nọ để chu toàn cho con gái như cuộc sống trước kia thì tôi không đồng ý.

Tôi từ chối cho bạn vay 100 lúc khó khăn không có nghĩa là sẽ không giúp đỡ cô ấy. Còn những cách khác để làm. Tôi cũng dạy con mình, sau này cũng phải từ chuyện đối nhân của mẹ mà nghiệm lấy bài học cho chính mình.

Đừng hiểu sai câu "nuôi con gái trong giàu sang" 

Giàu sang theo kiểu tỷ phú, triệu phú nuôi con như công chúa thì không ai nói làm gì nhưng nếu gia đình không quá dư dả, lại chạy đua cho con mình bằng con người ta thì chỉ có thể rước họa cho chính mình và hại cả con. Xa xỉ phẩm hay cuộc sống xa hoa chỉ có thể đúng khi chúng ta xây dựng cho con cách để có được nó chứ không phải là đặt sẵn mọi thứ trước mặt con. 

Thực tế, chúng ta có thể thấy con của tỷ phú, triệu phú sống trong nhung lụa nhưng họ lại có cách dạy con rất đáng học hỏi. Càng giàu họ càng ý thức được giá trị của đồng tiền và cái giá phải trả. Rất nhiều gia đình giàu có để con mình phải tự làm mọi thứ trong sinh hoạt, học tập và nếm trải nhiều cuộc sống màu sắc khác nhau mà không xem của cải của gia đình là tất cả. 

Chất lượng thời gian ở bên con quan trọng hơn việc chi tiền cho con 

hình ảnh

Hình ảnh chỉ mang tính minh họa

Cha mẹ bây giờ kiếm tiền rất giỏi và họ dùng đó làm cái cớ để không phải vướng bận con cái. Nhưng con cái lại cần sự có mặt của cha mẹ để có được cảm giác an toàn, tự tin và hạnh phúc. Nhiều gia đình dù giàu có, lịch trình hàng ngày, hàng tuần kín mít nhưng họ vẫn phải dành thời gian mỗi buổi tối hoặc cuối tuần để chơi đùa cùng con, cho các con có cảm giác một gia đình thật sự là như thế nào. Trong khi đó, các gia đình tự cho mình có của một chút lại sẵn sàng vung tiền cho con và nghĩ đó là tất cả. Con cái của họ, có thể vật chất không thiếu nhưng tình cảm và năm tháng trưởng thành thì thiếu thốn vô cùng.

Trẻ em cần tự lập để tự chăm sóc cho bản thân

Từ nhỏ, các rich kid phải học cách nấu ăn, rửa xe, giặt giũ… đó là cách người biết nhìn xa mà cha mẹ tỷ phú, triệu phú họ dạy con mình. Nhà giàu còn vậy thì sao các gia đình bình thường lại có thể cung phụng con một cách vô lý? Tôi gặp rất nhiều những cảnh trái mắt con nhà lính đòi tính con nhà quan. 

Có lần, sau cơn mưa lớn, nước rút không kịp khiến một đoạn đường trũng trước nhà tôi hóa thành sông. Trẻ con các nhà thấy nước rất thích nên ùa ra nghịch. Có bé còn lội ra ngoài bì bõm và cười khanh khách. Bé sát bên nhà tôi cũng được bố bế ra dòm nhưng rất e dè, không dám đụng nước. Được một lúc thì nghe tiếng mẹ bên trong nhà la lớn "Anh làm gì đó, nhỏ lớn có bao giờ cho con nghịch nước đâu mà bồng ra ngoài đó. Con nó ướt hết rồi bệnh ra đó thì sao?". Sau đó thì người mẹ tức tối ra giành bế con lại từ tay chồng rồi quạu cọ đi vào. Trẻ con cần có trải nghiệm để biết mình thế nào. Nếu bố mẹ cứ luôn lo sợ con xảy ra chuyện thì bao giờ con mới lớn?

Cha mẹ luôn là hình mẫu tốt nhất cho con cái

Không phải lúc nào mọi việc cũng thuận theo ý mình. Cuộc đời mỗi người có thăng, có trầm nên phải sống vừa đủ để không chới với khi lâm nạn. Cha mẹ nhìn xa cần dạy con biết tiết kiệm bằng chính thói quen sống tiết kiệm của mình. Giản dị và chi tiêu trong khả năng thanh toán, trong những món đồ, khoản phí cần thiết là những gì mà một người mẹ, người cha phải noi gương cho con mình. Đừng cứ khi có thì vung hết. Khi không có thì lại đi vay mượn. Con cái sẽ học được gì từ tấm gương này đây?