Trong thời gian gần đây khi mạng xã hội phát triển, chúng ta thường bắt gặp những bài làm văn hài hước, xúc động được chia sẻ lên mạng xã hội. Cũng có khi, mạng xã hội trở thành nơi tranh cãi trước một câu hỏi tính toán tiểu học mà những người lớn có trình độ Cử nhân, Thạc sĩ cũng bó tay.
Vậy nhưng, mới đây, một bài văn được chia sẻ làm dấy lên tranh cãi dữ dội nhưng không phải vì ở đề văn hay đáp án, mà lại chính là ở 'lời phê' của giáo viên dành cho học sinh.
Cụ thể, theo như hình ảnh được chia sẻ, một bài thi văn bị chấm 2 điểm của 1 học sinh đã tạo nên làm sóng tranh cãi trên mạng xã hội. Với đề bài cảm nhận, phân tích về một nhân vật, một tác phẩm văn học trong sách giáo khoa. Với dạng đề bài và tác phẩm văn học 'Hai đứa trẻ' của Thạch Lam, có thể dễ dàng đoán được đây là bài kiểm tra của một học sinh cấp 3.
Bài làm của học sinh này chỉ đưa ra được câu trả lời vỏn vẹn 6 dòng. Trước bài làm có phần sơ sài như vậy, việc giáo viên chấm 2 điểm là điều dễ hiểu.
Tuy nhiên, chi tiết khiến nhiều phụ huynh tranh luận và bày tỏ sự bức xúc chính là lời nhận xét của giáo viên về bài làm của học sinh. Theo đó, dòng phê bằng mực đỏ có nội dung “Lười học Văn => Khó thành người tử tế”. Dòng nhận xét này của giáo viên ngay lập tức đã trở thành chủ đề bàn tán, tâm điểm của sự chú ý.
Một số người dùng mạng, cũng đang là phụ huynh học sinh cho rằng, giáo viên có phần quá đáng khi đánh giá toàn bộ con người của học sinh chỉ thông qua một bài kiểm tra văn chưa đạt yêu cầu. Điều này dễ gây tổn thương lòng tự trọng của học sinh.
Đặc biệt, bài kiểm tra này là của học sinh cấp 3, các em đều ở độ tuổi đã biết suy nghĩ và có những quan điểm của riêng mình. Nếu như bạn bè trong lớp đọc được, em học sinh cũng sẽ dễ bị trêu chọc hoặc cảm giác mặc cảm khi bị nhận định về phẩm chất đạo đức của mình như vậy. Với lời phê mang tính phán xét tiêu cực như vậy, rất dễ có thể khiến cho học sinh 'phản ứng ngược', càng xa lánh môn học, cô giáo vì bị tổn thương lòng tự trọng
Những người này cho rằng, thay vì việc dùng từ ngữ nặng lời có tính phán xét, giáo viên có thể hướng dẫn, góp ý hoặc động viên để học sinh cải thiện bản thân tốt hơn trong tương lai một cách tích cực hơn.
Dạy học không chỉ là hoạt động trao đi kiến thức mà là sự bồi đắp, xây dựng mối quan hệ giữa người với người. Giáo viên không nên phớt lờ thái độ hoặc suy nghĩ của học sinh về mình.
Nhiều người phân tích rằng: Thay vì phủ nhận khả năng của học sinh, giáo viên nên khuyến khích và ủng hộ các em trong mọi lĩnh vực. Các nhà giáo dục không phải thầy bói dự đoán tương lai mà là người mở cánh cửa dẫn đến tương lai cho những người trẻ tuổi.
Sự ảnh hưởng của người thầy lên học trò rất lớn. Khi nói học sinh "không thể làm việc này", giáo viên đã đặt ra giới hạn và khiến các em ngừng cố gắng chinh phục ước mơ, khát vọng. Thay vào đó, giáo viên nên chỉ ra con đường rèn luyện để các em chạm đến thành công.
Nếu muốn truyền cảm hứng học tập cho học sinh, giáo viên có thể khen ngợi bài tập của một em nhưng giấu tên. Thay vì ca ngợi cá nhân, hãy nhận xét những điểm nổi bật trong bài làm để các em khác đối chiếu với phần bài tập của mình và thay đổi.
Văn học là môn học thử thách đối với nhiều học sinh, ảnh: DSD
Vậy nhưng, nhiều người cũng lên tiếng bênh vực cô ngữ văn vì lỗi sai là ở học sinh khi cả một tiết kiểm tra dài như thế, nhưng học sinh này đã không nỗ lực hết sức để hoàn thành bài kiểm tra của mình một cách tốt nhất. Những dòng bài làm cho thấy, học sinh chỉ làm qua loa cho có, thậm chí là biểu hiện sự coi thường đối với môn học và đối với giáo viên, từ đó mới dẫn đến điểm số kém. Đây hoàn toàn là kết quả xứng đáng.
Trên thực tế, văn học là một bộ môn không dễ để chinh phục, nó đòi hỏi trẻ phải không ngừng trau dồi ngôn ngữ, kiến thức và trải nghiệm sống mỗi ngày. Tuy khó, nhưng quả thực văn học mang lại nhiều giá trị tốt đẹp cho cuộc sống của trẻ.
Trình độ môn văn của mỗi học sinh được quyết định rất lớn dựa vào khả năng ngôn ngữ của trẻ, và nhiều yếu tố khác. Lượng từ vựng càng nhiều thì trẻ sẽ càng có câu từ để biểu đạt ý nguyện, tâm tư của bản thân. Tuy nhiên nếu gặp hạn chế về ngôn ngữ, cũng như khả năng cảm nhận không tốt thì học sinh rất dễ rơi vào tình huống khó khăn khi đối diện với các bài tập hoặc bài thi văn.
Học môn văn không chỉ mở ra cánh cửa đến với thế giới tưởng tượng phong phú mà còn giúp trẻ phát triển tư duy phản biện, khả năng giao tiếp và sự đồng cảm. Qua những trang sách, trẻ học được cách nhìn nhận cuộc sống từ nhiều góc độ khác nhau, từ đó hình thành nhân cách và bản sắc riêng. Văn học không chỉ là một môn học, mà còn là hành trình khám phá bản thân và thế giới xung quanh.