Bữa giờ mạng xã hội lại một phen dậy sóng xung quanh câu chuyện từ thiện của giới nghệ sĩ, sau nam danh hài Hoài Linh thì giờ là đến ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng.

>>> Giữa lùm xùm Hoài Linh giữ 14 tỷ tiền từ thiện: Sắp có quy định phải công khai, minh bạch

Hôm nay em đọc trên trang Thanh niên mới thấy nhiều người thắc mắc chuyện có hay không việc rò rỉ tài khoản ngân hàng của Mr. Đàm. Trước đó, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng công bố số tiền nhận được để từ thiện là 1,8 tỷ đồng, nhưng theo livestream của bà Phương Hằng thì số tiền này lên đến 96 tỷ đồng với 1,9kg giấy tờ sao kê tài khoản. Bà Hằng còn nói nếu trong một tuần Đàm Vĩnh Hưng không công khai sao kê số tiền từ thiện, bà sẽ nhờ pháp luật can thiệp.

hình ảnh

Ảnh minh họa. Nguồn: The Bank. 

Thực hư bên trong chưa ai rõ thế nào, liệu ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng có sai phạm gì không? Nhưng nhiều người lo ngại về chuyện rò rỉ thông tin tài khoản ngân hàng. Bởi đó không còn là câu chuyện giữa cá nhân với nhau nữa mà nó còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh ngân hàng.

Về vấn đề này, trước hết cần xem xét trách nhiệm bảo mật thông tin của ngân hàng và nhân viên ngân hàng phụ trách. Theo các chuyên gia, nó có thể còn ảnh hưởng đến cả hệ thống ngân hàng.

Quy định của pháp luật hiện hành có đề cập, tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải bảo đảm bí mật thông tin liên quan đến tài khoản, tiền gửi, tài sản gửi và các giao dịch của khách hàng tại các tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Ngân hàng tuyệt đối không được cung cấp thông tin của khách hàng cho bên thứ ba, trừ khi được chính khách hàng đó đồng ý, hoặc do khách hàng yêu cầu hoặc thực hiện theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hay để phục vụ cho công việc nội bộ.

Hành vi làm lộ sao kê tài khoản ngân hàng của khách hàng, ngoại trừ các trường hợp được phép nêu trên đều xem là hành vi vi phạm pháp luật và có thể bị xử phạt tùy theo tính chất và mức độ nghiêm trọng của hành vi.

Ở mức độ hậu quả của hành vi gây ra là nhẹ thì căn cứ Điều 47 Nghị định 88/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, hành vi làm lộ, sử dụng thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng, chi ngánh ngân hàng nước ngoài không đúng mục đích theo quy định của pháp luật sẽ bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng. Trong trường hợp tổ chức vi phạm sẽ áp dụng mức phạt gấp đôi.

Ở mức độ gây ra hậu quả nghiêm trọng có thể xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông theo Điều 288 của Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Đối với hành vi công khai hóa thông tin riêng hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trên mạng máy tính, mạng viễn thông mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó sẽ bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 1 tỷ đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm, hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 07 năm. Ngoài ra, người vi phạm có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 200 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Bên cạnh trách nhiệm hành chính hay hình sự, người vi phạm còn phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại về dân sự cho nạn nhân, bao gồm thiệt hại vật chất lẫn tinh thần. Tất nhiên, nạn nhân yêu cầu bồi thường thiệt hại cần phải có đủ bằng chứng chứng minh những thiệt hại mình gánh chịu trực tiếp từ hành vi của người vi phạm gây ra.

hình ảnh

Ảnh trái: Bà Phương Hằng trong một buổi livestream - Ảnh phải: Đàm Vĩnh Hưng livestream trên trang cá nhân nói về vụ từ thiện 96 tỷ - Nguồn: FBNV

Có người phỏng đoán rò rỉ sao kê tài khoản ngân hàng của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng có thể do máy móc hay hệ thống bảo mật an ninh chưa chặt chẽ, còn lỗ hổng. Tuy nhiên dù vì lý do can thiệp của con người hay máy móc thì phía ngân hàng và nhân viên phụ trách có liên quan phải chịu trách nhiệm với khách hàng về việc lộ thông tin bảo mật này.

Ai sai phạm tới đâu sẽ do cơ quan có thẩm quyền xử lý tới đó, chúng ta không thể thay cơ quan này xử lý được, vì điều đó có thể dẫn đến ‘vượt rào’ hay thậm chí là vi phạm pháp luật.