Nay anh thay đổi quá, cứ sống tử tế thì được "trời thương" thôi mà. Chiến lược khởi nghiệp, kinh doanh của anh cũng được đánh giá là thực tế và rất hay.

hình ảnh

Với những người hay lướt mạng xã hội, yêu thích các câu chuyện người tốt việc tốt thì ắt hẳn sẽ từng nghe qua cái tên Minh Râu. Anh Minh Râu này làm công việc bán rau củ quả lề đường ở Đồng Nai. Anh từng nổi tiếng mạng xã hội cách đây khoảng 2-3 năm nhờ phong cách bán hàng dễ thương, chuyên tặng rau cho khách và không câu nệ chuyện tiền bạc.

Quầy rau của anh luôn có tấm bảng lớn ghi thông tin giá rau hôm nay như thế nào, các loại rau miễn phí hay giảm giá, tình hình sức khỏe của anh hay có lời nào cần dặn dò khách. Dù có "đặc sản" sai chính tả nhưng nhìn vào thông tin anh ghi trên bảng thì không ai cảm thấy bực mình khó chịu. Ngược lại họ còn cho rằng sự sai chính tả này đáng yêu và không đụng hàng. Vào những ngày lễ, anh Minh còn tuyên bố “tặng mỗi em 1 trái bầu”... Với kiểu bán hàng độc nhất vô nhị này, anh được mọi người yêu thương và dành nhiều lời khen ngợi. 

Bẵng đi một thời gian, hôm nay tôi lướt mạng tình cờ ghé vào trang cá nhân của anh thì thấy cuộc sống của anh đã thay đổi rất nhiều. Từ một người đàn ông bán rau lề đường, nay anh Minh Râu đã thành ông chủ buôn bán thêm ở lĩnh vực mới và được mọi người ủng hộ nhiều, bước đầu gặt hái những thành công nhất định.

hình ảnh

(Ảnh: FB Minh Râu Bán Rau)

Mới đây, anh Minh Râu có đăng một số hình ảnh dễ thương về cảnh mình ngồi bán rau kèm caption: "Nhà bao việc". Theo đó, dù đã thành sếp đầy triển vọng ở lĩnh vực mới, bận bịu vô cùng nhưng anh vẫn không bỏ nghề cũ. Đối với anh, quầy rau gắn với bao kỉ niệm và giúp bản thân thay đổi theo hướng tích cực hơn. Nó cũng giúp ích cho nhiều người và "góp phần gây tiếng vang nhẹ"... nên được duy trì.

Chỉ khác là thay vì ngồi, nằm thoải mái để khách đọc bảng ghi chú rồi tự lấy rau, tự cân, tự trả tiền như mọi khi, thì nay anh chăm chú dán mắt vào màn hình chiếc laptop xịn. Cạnh chiếc laptop còn để xấp giấy tờ công việc trông rất "gì và này nọ". Chủ quầy rau cũng không quên để tấm biển dặn dò quen thuộc: "Đang bận xíu, mấy em tự cân, tự tính tiền, bảng giá có sẵn, cảm ơn!".

hình ảnh

hình ảnh

hình ảnh

(Ảnh: FB Minh Râu Bán Rau)

Và cứ thế, ông chủ ngồi đăm chiêu làm việc trên máy tính, khách đến đọc biển xong tự lấy rau tự trả tiền, phối hợp nhịp nhàng theo lề lối quen thuộc. Nhiều người đã để lại bình luận dí dỏm bên dưới bài đăng:

- Chỗ anh bán có camera không ạ, nếu không chút em chạy qua còn anh cứ làm việc bận nhé!

- Gặp em mua rau tính toán chậm chạp mà còn tự cân nữa chắc mãi mới tính ra được bao nhiêu tiền.

- Kiểu này chắc dọn nhà tới gần chỗ anh để mua rau cho rẻ.

- Anh bán rau vì đam mê thôi ạ. Theo dõi anh lâu rồi, quý anh lắm.

- Ảnh đang bận coi chứng khoán lên xuống rồi nên mọi ng tự xử đi.

- Dễ thương! Bán hàng nó phải ở cái tầm này!

- Lúc trước có hẳn cái tiệm to đùng, bán hoài bán hoài giờ ra lề đường bán luôn rồi, vậy mà cũng cứ bán vì đam mê.

- Rồi có hôm nào về tính ra âm tiền không huynh?

- Anh uy tín và chất như nước cất. Chúc anh nhiều nhiều sức khỏe và luôn mua may bán đắt.

Nói về việc bén duyên với nghề bán rau cách đây 13 năm, anh Minh Râu từng tâm sự xúc động rằng khoảng năm 2009 bị thất bại trong việc buôn bán ở Bình Dương. Khi đó, anh về lại Biên Hòa mà trong túi không tiền, vợ thì mang bầu sắp sinh đứa thứ hai. Ngặt nghèo nên cứ gặp bạn bè người thân là anh lại mượn tiền để xoay xở, riết rồi họ cũng ngại khi anh tìm đến. Không thể sống như vậy được, anh Minh Râu quyết định đi bán rau dạo bằng chiếc xe lôi cũ. Chiếc xe này được bạn thân bán thiếu cho. Tiền vốn thì vài đồng vay mượn được.

2-3 giờ sáng, người đàn ông cần mẫn thức dậy đi lấy hàng. Lấy xong, anh đi bán lẻ dạo khắp các con hẻm, các cổng công ty. Nhiều hôm bán đến tối mà vẫn còn nhiều, anh mang đến cổng công ty để công nhân tăng ca mua được đồng nào hay đồng đó, tới 9-10 giờ đêm mới về. Ban đầu do chưa có kinh nghiệm nên người ta đưa anh toàn hàng kém chất lượng. Hàng này người ta bán không được nên bán rẻ cho anh mang về bán tiếp. Hậu quả là khách ít mua, anh bán không lời nhiều mà lại cực vô cùng. 

Rút kinh nghiệm, anh bắt đầu thay đổi bằng cách lấy toàn hàng "đẹp", chất lượng với phương châm lấy đắt thì bán đắt, lấy rẻ thì bán rẻ, không nói thách miễn sao lợi nhuận khoảng 30% là được. Lúc này, khách họ bắt đầu mua nhiều hơn và anh đỡ cực hơn. Anh vẫn rảo mòn hết các con hẻm, ngóc ngách, cứ tới giờ là tới nơi, bày ra những mặt hàng tươi ngon nên có được lượng khách ổn định. Dăm ba câu chuyện với khách cũng là cách giúp anh có "mối quen", thành bạn bè đến tận bây giờ.

hình ảnh

(Ảnh: FB Minh Râu Bán Rau)

hình ảnh

hình ảnh

hình ảnh

(Ảnh: FB Khóc Thuê)

Lúc làm ăn ổn định hơn, anh bắt đầu thuê mặt bằng để làm điểm bán chính, bán lẻ và cả bỏ sỉ cho một số công ty nhỏ nữa. Thu nhập tốt lên nhưng anh không giữ được tiền vì vướng vào "đỏ đen", karaoke, ăn chơi... Mất một thời gian anh mới thức tỉnh, sống tích cực hơn. Thay vì nướng tiền vào những trò vô bổ thì anh dùng tiền đó mua rau cho công nhân và người có thu nhập thấp... Anh tự nhận mình làm nhiều nhưng không giàu bằng một số đồng nghiệp của mình. Lý do đơn giản là mỗi người có một cách sử dụng đồng tiền khác nhau. 

Về một vài ý kiến tiêu cực cho rằng anh Minh Râu làm từ thiện để lấy tiếng tăm, khi cần giúp không thấy giúp. Anh bán rau xăm trổ đã giãi bày rằng chục năm nay anh làm chuyện tốt vì cảm thấy thích, làm trong khả năng của mình chứ chưa bao giờ nghĩ rằng mình là người đi làm từ thiện. Những món rau củ quả cho miễn phí được anh sắp xếp ngay ngắn, chọn lựa từ những quả to đẹp nhất, thậm chí hàng anh cho tặng được đánh giá là chất lượng hơn cả hàng anh bán... Sự nổi tiếng cũng đến với anh một cách tình cờ và dù cho có nổi tiếng hay không thì 3 năm qua, anh vẫn luôn lao động vất vả.

Thế nên việc bị đánh giá là làm từ thiện để lấy tiếng tăm với ai thì có thể bàn tán nhưng với anh Minh Râu thì theo tôi không cần thiết. Bởi những gì anh lan tỏa, cho đi... rất thiết thực và chân thành trong xã hội. Anh vừa kinh doanh một cách đàng hoàng tử tế, vừa làm điều tốt cho mọi người và xem đó như một sở thích chứ không phải là chiêu trò hay nghĩa vụ.