Trước khi thiên thần nhỏ đến với thế giới, mẹ có trách nhiệm giúp con phát triển khỏe mạnh trong môi trường nuôi dưỡng lành mạnh bằng những việc nên làm.

Danh sách những điều nên làm dưới đây có thể làm sáng tỏ những điều mẹ đang lo lắng về điều gì tốt nhất cho con đấy. Mẹ sẵn sàng nhé!

1. Nên uống một loại vitamin tổng hợp

Một chế độ ăn uống cân bằng giàu vitamin và khoáng chất là cách tốt nhất để cung cấp cho cơ thể tất cả các chất dinh dưỡng lành mạnh cần thiết để hỗ trợ thai nhi phát triển. Tuy nhiên, một chế độ ăn uống lành mạnh có thể không đủ cho thai kỳ.

hình ảnh

Ảnh minh họa

Một số loại vitamin và chất dinh dưỡng thiết yếu các bà bầu cần phải cung cấp với liều lượng cao hơn trước khi mang thai, chẳng hạn như: axít folic, canxi và chất sắt. Những loại vitamin này hỗ trợ sự phát triển thích hợp của thai nhi và giúp ngăn ngừa dị tật bẩm sinh. Bác sĩ có thể gợi ý cho mẹ loại vitamin tổng hợp hoặc một loạt các loại vitamin tốt nhất.

Vitamin tổng hợp thường bao gồm DHA, EPA hoặc cả hai. Đây là những chất béo Omega-3 rất quan trọng cho sự phát triển trí não của bé. Tuy nhiên, không nên dùng nhiều hơn một liều vitamin tổng hợp. Một số loại vitamin với liều lượng cao hơn có thể gây hại cho em bé.

2. Nên ngủ nhiều

Thay đổi nồng độ hormone gây ra những bồn chồn, lo lắng có thể khiến bà bầu khó ngủ trong suốt 9 tháng mang thai. Mang thai đòi hỏi rất khắt khe về chất lượng giấc ngủ, đặc biệt là trong ba tháng cuối. Mỗi tối, bà bầu cần ngủ đủ từ 7-9 giờ. Nếu ban ngày thấy mệt mỏi thì đó là dấu hiệu cho thấy cơ thể bạn cần được nghỉ ngơi nhiều hơn. Mẹ có thể nghỉ ngơi thêm tùy theo thể trạng cơ thể nhưng đừng nên ngủ quá nhiều trong ngày.

3. Nên tập thể dục

Thời bây giờ không phải bà bầu là cứ ngồi một chỗ, không động tay chân làm gì khác. Bà bầu hiện đại cần vận động vì họ biết điều đó rất tốt cho mẹ và thai nhi.

Trên thực tế, tập thể dục thường xuyên có thể giúp bà bầu chống lại nhiều vấn đề phát sinh khi mang thai, bao gồm: mất ngủ, đau cơ, tăng cân quá mức và các vấn đề liên quan đến tâm trạng.

Nếu trước đây mẹ đã thường xuyên tập thể dục thì hãy duy trì nó. Nhưng nên nói chuyện với bác sĩ về bất kỳ điều chỉnh nào vì cường độ và bài tập thể dục khi mang thai có một số điều đáng phải thận trọng.

4. Nên ăn thêm hải sản 

hình ảnh

Ảnh minh họa

Hải sản chứa nhiều vitamin và khoáng chất, chẳng hạn như axit béo Omega-3, kẽm và sắt có lợi cho tim mạch và đối với cả mẹ lẫn bé. Nhưng hải sản sống hoặc nấu chưa chín có thể gây ra một số vấn đề.

Hải sản có thể mang vi khuẩn có hại, chúng sẽ bị loại bỏ khi nấu chín kỹ. Ngoài ra, phụ nữ mang thai nên tránh cá sống và các loại cá có thể chứa hàm lượng thủy ngân cao. Một số loại cá chứa hàm lượng thủy ngân cao bao gồm: cá mập, cá kiếm, cá ngói, cá thu vua.

Khi ăn hải sản nên ăn nhiều loại khác nhau để không bị thiếu chất nhưng không quá 12 ounce cá mỗi tuần.

5. Nên gần chồng

Gần gũi chồng khi mang thai không phải điều cấm tuyệt đối, miễn là bà bầu không có yếu tố gây biến chứng như nhau tiền đạo hoặc một nguy cơ được cảnh báo khác.

Nếu cảm thấy khó chịu bởi một số tư thế bất tiện thì có thể phải thử các vị trí mới. Còn nếu muốn an tâm hơn nên nói chuyện với bác sĩ khi có bất kỳ câu hỏi nào về sự an toàn của giao hợp trong thai kỳ.

6. Nên tập yoga

Chỉ cần tránh Bikram hoặc yoga nóng, còn các phương thức yoga khác vẫn phù hợp khi bạn đang mong đợi. Bà bầu nên tham gia các lớp học yoga nhẹ nhàng hoặc lớp chuyên biệt dành cho bà bầu. Những người huấn luyện trong các lớp học này sẽ biết tư thế nào là tốt nhất và tư thế nào nên tránh.

Nếu không tập yoga trước khi mang thai, nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi đăng ký một lớp học để tránh các rủi ro có thể xảy ra.

7. Nên tiêm phòng cúm

Tiêm ngừa cúm không phải là đưa vi rút sống vào người. Bạn không thể bị cúm từ thuốc chủng ngừa cúm. Nhưng nếu để mắc bệnh cúm khi mang thai, nguy cơ mắc các tác dụng phụ nghiêm trọng sẽ cao hơn nhiều. Hãy nhớ vắc xin sẽ bảo vệ bạn cũng như thai nhi đang phát triển.

8. Nên tăng cân thông minh

hình ảnh

Ảnh minh họa

Lời khuyên "ăn cho hai người" đối với các bà bầu không có nghĩa là cho phép ăn bất cứ thứ gì bạn muốn. Thay vào đó, phụ nữ mang thai cần phải có chiến lược về những gì mình ăn và bao nhiêu.

Tăng cân nhiều khi mang thai có thể gây hại cho thai nhi nhiều hơn là có lợi. Trong tam cá nguyệt đầu tiên, bà bầu chỉ cần bổ sung khoảng 100 calo mỗi ngày để hỗ trợ thai nhi phát triển. Vào tam cá nguyệt thứ ba, lượng calo bổ sung từ 300 đến 500 mỗi ngày.

9. Nên đi khám nha

Các lần khám nha trong thai kỳ đã bị các bà bầu tránh né trong nhiều thập kỷ vì sợ rằng việc vệ sinh răng miệng có thể khiến vi khuẩn lây lan và dẫn đến nhiễm trùng. Bây giờ thì chúng ta đã biết đó không phải là lý do chính đáng.

Đại học Sản phụ khoa Hoa Kỳ khuyến cáo các bà mẹ tương lai nên đánh giá sức khỏe răng miệng định kỳ khi mang thai, cùng với việc vệ sinh răng miệng thường xuyên. Hãy luôn nhớ nói với nha sĩ của bạn rằng bạn đang mang thai để họ có biện pháp bảo vệ tốt nhất và đương nhiên phải chọn những phòng nha uy tín.