Rất nhiều bà bầu bị ngứa khi mang thai nhưng không phải lúc nào ngứa cũng lành tính.

Lý Hoa mang thai được 36 tuần. Thời gian đầu, tầm khoảng 28, 29 tuần thai, Hoa từng than vãn với mẹ chồng tình trạng ngứa tay chân. Mẹ chồng cười, chỉ bảo do con trong bụng tới thời điểm mọc tóc nên chuyện đó cũng hết sức bình thường, không phải lo lắng quá. Nghe vậy, Hoa cũng không nghi ngờ gì.

Đến gần đây, tình trạng ngứa ngáy ngày càng nghiêm trọng khi tuổi thai tăng. Nặng hơn thì ngứa ran bụng, tay chân và khắp mình. Ban ngày khó chịu, ban đêm khó ngủ vì ngứa, cuộc sống bầu bì như đảo lộn. Không chịu nổi nữa, Hoa tìm đến bác sĩ tư vấn. Ngay lập tức, bác sĩ khuyên cô đến bệnh viện khám sức khỏe vì nghi ngờ bất thường. Và đúng thật, sau tất cả các xét nghiệm, tầm soát, bác sĩ chẩn đoán Hoa không may đã bị chứng ứ mật trong gan.

Ứ mật trong gan ở bà bầu

Ứ mật trong thai kỳ (ICP) là một bệnh lý đặc biệt xảy ra ở phụ nữ trong thời kỳ mang thai. Phụ nữ mang thai bị ICP có nguy cơ bị suy thai, thai lưu, đẻ non và nhiều hệ lụy bất lợi khác sau sinh, chẳng hạn như băng huyết.

hình ảnh

Ảnh minh họa

Ước tính, tỷ lệ mắc bệnh ICP từ 0,1-15,6%. Bệnh gây khó chịu cho bà bầu trong những tháng gần cuối thai kỳ. Đặc trưng của triệu chứng bệnh là ngứa trầm trọng và vàng da khi mang thai. Cụ thể:

  • Ngứa: Ngứa mà không có tổn thương da là triệu chứng đầu tiên của bệnh ứ mật. Hầu hết các bà mẹ bị ứ mật đều bị ngứa da sau tuần thai thứ 30 và bề mặt da không có gì bất thường. Mức độ ngứa khác nhau, thường bắt đầu từ lòng bàn tay và lòng bàn chân, sau đó tiến dần đến các chi. Cơn ngứa thường dai dẳng, nhẹ vào ban ngày và nặng hơn vào ban đêm. Nhưng nó cũng sẽ nhanh chóng biến mất trong vòng vài giờ hoặc vài ngày sau khi sinh.
  • Vàng da: 10% -15% bà mẹ sẽ bị vàng da nhẹ khi bị ứ mật thai kỳ và triệu chứng thường không tăng dù tuổi thai tăng. Vàng da đầu tiên là ở mống mắt và các đầu ngón tay nhìn từ lòng bàn tay, sau đó bàn chân cũng bắt đầu chuyển sang màu vàng.

Tình trạng ngứa da dữ dội khiến bà bầu mất ngủ vào ban đêm, gây ra các triệu chứng như mất ngủ, uể oải, mệt mỏi, chán ăn, nôn mửa và mệt mỏi. Ngoài ra, tình trạng ứ mật khiến hàm lượng axit cholic và bilirubin trong máu của thai phụ tăng cao, ảnh hưởng đến dinh dưỡng của người mẹ và quá trình cung cấp chất dinh dưỡng cho thai nhi. Trong trường hợp này, thai nhi không thể hấp thụ đầy đủ chất dinh dưỡng nên hay bị nhẹ cân nếu khám siêu âm.

Nguyên nhân của bệnh không rõ ràng

Hiện tại, cơ chế bệnh vẫn chưa rõ ràng nhưng theo các điều tra dịch tễ học, quan sát lâm sàng và nghiên cứu thực nghiệm, có thể coi cơ chế bệnh sinh của ICP có thể liên quan đến các yếu tố như estrogen, di truyền và môi trường.

Khi bà bầu bị ngứa da khi mang thai cần đi khám chuyên khoa sản kịp thời để chủ động làm các xét nghiệm cận lâm sang và nghe theo hướng dẫn của các bác sĩ chuyên khoa. Nhưng cũng đừng quá lo lắng, trên cơ sở hiểu rõ những nguy hại của bệnh, làm theo hướng dẫn của bác sĩ, hạn chế tối đa tác động của ứ mật trong gan (ICP) đối với mẹ và thai nhi.

Mẹ bầu bị ICP cần lưu ý những gì?

hình ảnh

Ảnh minh họa

1. Hiểu biết đúng về các nguy cơ của ứ mật trong gan khi mang thai và luôn tuân thủ lịch khám thai thường xuyên để theo dõi chức năng nhau thai và tình trạng của thai nhi;

2. Tăng cường tự theo dõi, đếm kỹ cử động thai; ngày 3 lần sáng, trưa, tối; mỗi lần 1 tiếng. Thai nhi cử động bình thường là 5-6 lần/ giờ, nếu cử động thai dưới 10 lần trong 12 giờ chứng tỏ thai nhi bị thiếu oxy trong tử cung. Lúc này, mẹ hãy thông báo cho nhân viên y tế kịp thời;

3. Chú ý nghỉ ngơi, chọn tư thế nằm nghiêng bên trái để tăng lượng máu qua nhau thai và cải thiện tình trạng thiếu oxy của thai nhi;

4. Chú ý đến chế độ ăn uống: nhiều chất đạm, nhiều vitamin, ít chất béo và đủ chất bột đường; thức ăn không gây kích thích, bổ sung nhiều sữa, cá, rau tươi và hoa quả giàu vitamin;

5. Nếu bị ngứa da, không nên gãi, đồng thời phải cắt móng tay thường xuyên, tránh rửa da bằng xà phòng có tính kiềm hoặc nước nóng, thay quần trong thường xuyên, giữ drap và đệm luôn sạch sẽ, khô ráo;

6. Nếu bị co thắt (đau bụng kịch phát, đau lưng hoặc tức bụng), hãy thông báo ngay cho nhân viên y tế;

7. Giữ bình tình và trạng thái tin thần lạc quan trong suốt thời gian theo dõi bệnh.