Đặt tất cả tương lai vào 1 nguyện vọng xét tuyển đại học duy nhất, điều không ngờ nhất là thi 29,5 điểm vẫn trượt, quá xót xa.

Năm nay điểm chuẩn đại học tăng đáng kể, 30 điểm còn trượt huống hồ gì 29,5. Nhưng điều đáng tiếc nhất cho 61 thí sinh đạt 29,5 điểm trượt đại học là các em chỉ đăng ký 1 nguyện vọng duy nhất. Đáng tiếc cho số điểm quá cao.

60 thí sinh chỉ đăng ký 1 nguyện vọng duy nhất nên không đỗ

Vừa rồi, có thí sinh đăng ký đến 13 nguyện vọng vẫn trượt. Trong khi 60/61 em này, chỉ đăng ký duy nhất 1 nguyện vọng, trượt là xong. Tự các em không cho bản thân một đường lui nào, thật sự quá đáng tiếc.

hình ảnh

Bảng phân tích số liệu của Bộ GDĐT. Ảnh: Tuổi Trẻ

Theo thông tin trên báo Tuổi Trẻ thì có 61 thí sinh trượt đại học, không đỗ nguyện vọng nào dù điểm rất cao, từ 29,5. Nếu những trường hợp khác, 30 điểm vẫn không đỗ nguyện vọng là do điểm chuẩn tăng cao đột biến, thì với những em này, vấn đề nằm ở việc đăng ký nguyện vọng sai lầm.

Dữ liệu của Bộ GDĐT cho thấy có 61 thí sinh đạt 29,5 điểm trở lên nhưng không đỗ nguyện vọng vào bất kỳ trường đại học nào. Trong đó có 60 em chỉ đăng ký một nguyện vọng duy nhất, 1 em còn lại đăng ký 2 nguyện vọng.

Kết quả, người tính không bằng trời tính, dù điểm cực cao đến tận 29,5 thì các em vẫn trượt. Lý do gì mà các em lại không chừa cho mình một đường lui bằng nguyện vọng 2, nguyện vọng 3. Số lượng nguyện vọng đăng ký của thí sinh không bị giới hạn, kỷ lục có em xét tuyển đến tận 99 nguyện vọng.

hình ảnh

Thí sinh dự kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 1 tại TPHCM năm 2021. Ảnh minh họa, nguồn: NLĐ

Vậy tại sao các em này lại chỉ cho mình đúng 1 cơ hội với 1 nguyện vọng duy nhất? Theo lý giải của Bộ GDĐT, trong số 61 em có 59 em có nguyện vọng duy nhất là vào các trường công an, quân đội. 57/59 em tốt nghiệp từ năm 2019 trở về trước, có lẽ thuộc đối tượng đã đi nghĩa vụ nay được cử đi thi.

Cách tính điểm xét tuyển của các trường công an, quân đội khá đặc thù, nhiều tiêu chí và phức tạp. Việc đỗ, trượt cũng khó nói hơn so với những trường khác. Bên cạnh đó, chỉ tiêu ở các trường rất ít, lượng thí sinh đông nên điểm chuẩn cao dẫn đến 29,5 điểm vẫn không đậu nổi là chuyện thường.

Tuy nhiên, 29,5 điểm nhưng không đậu đại học nào chỉ vì đăng ký 1 nguyện vọng duy nhất thì thật sự quá đáng tiếc.

Lưu ý khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học

Để tránh những trường hợp đáng tiếc, điểm cao gần như tuyệt đối mà vẫn trượt đại học, các em thí sinh cần lưu ý kỹ khi đăng ký nguyện vọng. Theo giáo sư Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban Đào tạo ĐH Quốc gia Hà Nội, các em có thể nhớ nguyên tắc “trước chọn ngành, sau chọn trường”.

Đầu tiên các thí sinh cần hiểu được bản thân mong muốn làm nghề gì, ngành nào phù hợp năng lực của các em. Tiếp đó các em có thể tìm hiểu các trường đại học và những ngành mình thích, nghiên cứu điểm trúng tuyển qua các năm.

hình ảnh

Thí sinh nộp hồ sơ trúng tuyển vào ĐH bằng các phương thức ngoài điểm thi tốt nghiệp THPT. Ảnh minh họa, nguồn: Thanh Niên

Cần lưu ý là phải chọn nhóm ngành và nhóm trường yêu thích ở cả bậc điểm cao, trung bình và thấp. Khi đã có danh mục để lựa chọn, thí sinh đăng ký các nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên. Phải đảm bảo có cả ngành và trường thuộc nhóm có điểm trúng tuyển dự kiến thấp hơn.

Ngành phù hợp với các em thường ở mức điểm trung bình, ngang với học lực hiện tại của em. Bên cạnh đó đăng ký thêm nguyện vọng điểm cao hơn để phấn đấu và thêm nguyện vọng điểm thấp hơn để an toàn. Số nguyện vọng phù hợp cho các em là 3 - 5 nguyện vọng. Hoặc trung bình 1 ngành khoảng 3 nguyện vọng, 1 trường khoảng 3 ngành.

Cuối cùng, ở thời điểm biết kết quả thi, trong thời gian được điều chỉnh nguyện vọng, các thí sinh cần tỉnh táo. Xem xét khả năng, phổ điểm tốt nghiệp hiện tại, từ đó tăng hoặc thay đổi nguyện vọng để tăng cơ hội trúng tuyển.

Thực sự rất đáng tiếc cho 61 thí sinh trượt đại học dù đạt 29,5 điểm. Hy vọng rằng nhiều cánh cửa tương lai khác sẽ mở ra cho các em. Riêng với các em 2K4, cần rút kinh nghiệm để khôn ngoan hơn trong việc đăng ký nguyện vọng đại học.