Thay vì sử dụng bếp gas phải thay bình nhiên liệu thường xuyên lại tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao thì nhiều người đã tin dùng bếp điện. Tuy nhiên, những lúc dùng bếp điện mọi người lại có những suy nghĩ sai lầm, khiến cho tiêu tốn nhiều điện năng cũng như làm giảm tuổi thọ của vật dụng, nên cần rút kinh nghiệm ngay từ bây giờ, bỏ đi những thói quen xấu nhé.

Đặt bếp sát mép tường

Có thể thấy bếp điện với kiểu dáng gọn gàng, dễ dịch chuyển nên chỉ cần thấy ở đâu tiện thì mọi người đặt để chế biến món ăn và sự lựa chọn thường là ở một mặt phẳng, sát mép tường để dễ dàng cắm phích. Nhưng đằng sau suy nghĩ ấy là hậu quả khôn lường.

VIệc đặt bếp điện trên mặt phẳng là đúng nhưng sát mép tường là quá sai, bởi lẽ khi hoạt động bếp sẽ sản sinh một lượng nhiệt lớn, mà nếu nấu trong thời gian dài lượng nhiệt này sẽ tích tụ tạo thành ẩm mốc dễ làm hỏng bếp, tăng nguy cơ cháy nổ. Vậy nên, ngoài mặt phẳng thì mọi người phải chọn nơi thông thoáng, đặc biệt cách xa tường và hãy yên tâm dây điện của bếp luôn được nhà sản xuất trang bị đủ độ dài, để đáp ứng điều này.

Nấu đồ ăn ở nhiệt độ cao liên tục

So với bếp gas thì thời gian nấu của bếp điện nhanh hơn đáng kể. Ấy vậy mà nhiều bà nội trợ còn lạm dụng điều chỉnh nhiệt độ cao và nấu liên tục với suy nghĩ tiết kiệm điện năng. Tuy nhiên, đúng kiểu tính quá hóa hại khi mà bắt bếp điện hoạt động quá tải thì tất nhiên tiêu tốn rất nhiều nhiên liệu, đã thế về lâu dài nó sẽ giảm tuổi thọ, đối diện với nguy cơ chập điện, gây cháy nổ cao.

hình ảnh

Ảnh minh họa - Nguồn: Tintuconline

Cho nên, khi nấu một món nào đó mọi người nên chỉnh ở mức nhiệt vừa phải và khi đã hoàn thành thì hãy cho bếp nghỉ “xả hơi” vài phút, sau đó mới tiếp tục nấu món khác. Trường hợp làm món ninh, tốn nhiều thời gian nhất, đồng nghĩa bếp phải hoạt động lâu hơn so với việc chế biến dưới các hình thức khác, do đó mọi người nên để nhiệt độ ban đầu cao, sau khi thức ăn sôi giảm xuống mức nhỏ hơn để đồ ăn chín nhừ mà không làm hư hại bếp.

Tăng nhiệt độ rồi mới đặt dụng cụ nấu lên

Nhiều người quen thói, bật bếp điện, vội vàng điều chỉnh ở mức nhiệt cao rồi mới đặt dụng cụ lên bề mặt. Thật sự thói quen này cần phải bỏ, hãy tập lại bằng việc đặt dụng cụ lên bếp, cho thực phẩm đã sơ chế vào rồi mới bật hoạt động, cuối cùng là điều chỉnh nhiệt cho phù hợp. Cũng lưu ý mọi người nên chọn dụng cụ nấu có kích thước phù hợp với lượng thực phẩm, tránh trường hợp nồi chảo to mà thực phẩm quá ít hoặc ngược lại, có như vậy thì mới nhanh chín, tiết kiệm điện năng đáng kể.

Rút điện ngay khi vừa nấu xong

Cũng không ít người khi thấy thức ăn vừa chín liền bắc xuống và nhanh tay rút phích cắm của bếp, đinh ninh hành động đó giúp tiết kiệm điện cũng như để bếp “nghỉ ngơi”. Nhưng có ngờ đâu, chính điều đó đã khiến bếp nhanh hư, do lúc này chế độ làm mát chưa được vận hành và hoạt động, từ đó kéo dài thời gian làm nguội bếp hơn, cứ thế lâu ngày nó sẽ “dở chứng” và cần đến sự trợ giúp của những người thợ gây tốn kém. Do đó, sau khi sử dụng xong, mọi người cứ nhấn nút tắt bếp, đợi khoảng 30 phút sau rồi rút nguồn điện ra cũng không muộn. Lúc này bếp đã nguội hoàn toàn, chẳng lo vấn đề gì xảy ra cả.

Vệ sinh bếp ngay sau khi sử dụng xong

Trong quá trình nấu nướng khó tránh khỏi việc bếp điện bị bám bẩn nên nhiều chị em nhìn chướng mắt sẽ làm sạch ngay sau khi nấu. Điều này không xấu nhưng nếu vô tình dùng khăn ướt lau bếp thì ảnh hưởng xấu, vì khi ấy bếp vẫn còn nóng nên việc tiếp xúc với nước rất dễ chập mạch và khả năng người lau bị điện giật rất cao. Cho nên, nếu cần thiết thì chỉ nên dùng khăn khô lau khi mặt bếp đã nguội hẳn thôi. Còn đối với trường hợp bếp điện bị những vết bẩn “cứng đầu” thì mọi người không nên dùng vật cứng nhọn để cà, cạy hay dùng chất tẩy rửa quá mạnh để vệ sinh, chỉ nên áp dụng một trong ba cách sau thôi nhé.

Dùng nước chanh hoặc giấm trắng

Bước 1: Pha loãng chanh hoặc giấm trắng cùng với nước theo tỉ lệ 1:1 rồi cho vào bình xịt.

Bước 2: Xịt một chút dung dịch này lên mặt bếp rồi lấy khăn mềm lau. Có thể làm lặp lại khoảng vài lần đối với những vết bẩn quá lâu ngày hoặc có độ bám dính “dai như đĩa”.

hình ảnh

Ảnh minh họa - Nguồn: Tintuconline

Dùng baking soda

Bước 1: Hòa baking soda với nước theo tỉ lệ 2:1 rồi cho vào bình xịt.

Bước 2: Xịt 1 ít dung dịch này lên mặt bếp và để khoảng 15 phút.

Bước 3: Lấy khăn mềm lau lại mặt bếp là được.

Dùng dung dịch tẩy rửa chuyên dụng

Bước 1: Xịt dung dịch tẩy rửa lên mặt bếp rồi xoa đều lên vùng có vết bẩn. Sau đó để yên khoảng 5 phút.

Bước 2: Lấy khăn mềm lau sạch bếp vài lần là thấy sạch bong kin kít đấy ạ.