Kể từ khi TP.HCM bắt đầu áp dụng lệnh giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, em ở nhà coi báo đã thấy có nhiều trường hợp bị phạt. Theo báo Công an TP.HCM, thống kê từ 0 giờ ngày 09/7/2021 đến 17 giờ ngày 12/7/2021, TP.HCM đã thu về 3,3 tỷ đồng tiền phạt vi phạm Chỉ thị 16.

Có trường hợp coi thấy thật đáng phạt vì loa phát đi xung quanh rồi báo chí, mạng xã hội đã liên tục đưa tin không được ra khỏi nhà khi không cần thiết, vậy mà có người vẫn kiếm chuyện đi ra ngoài. Có vài trường hợp nghe bộc bạch thì cũng thương thiệt, nhưng mà nghĩ đi nghĩ lại phải làm gắt vậy thôi. Chứ ca nhiễm ở TP.HCM mỗi ngày mỗi tăng, nay là hơn 15.000 ca rồi, không biết khi nào sẽ dừng lại nữa cả nhà ạ. Vì nếu quản lý lỏng lẻo vậy thì không biết bao giờ mới hết tình trạng lây nhiễm, dân bao giờ mới thôi khổ.

Qua giờ em thấy nhiều người thắc mắc các câu hỏi liên quan đến việc đi lại trong thành phố, nên sẵn chia sẻ luôn để mọi người hiểu và làm đúng, để không phải tốn tiền nộp phạt nữa.

hình ảnh


Ảnh: Lực lượng chức năng P.4, Q.Phú Nhuận kiểm tra giấy tờ của người dân di chuyển qua địa bàn phường. Nguồn: Báo Tuổi trẻ. 

#1. Đi lại trong thành phố cần giấy tờ gì?

Trước tiên cả nhà cần nhớ 3 lý do chính đáng được phép ra đường, cụ thể:

- Mua lương thực, thực phẩm, dược phẩm và hàng hóa, dịch vụ thiết yếu khác.

- Các trường hợp khẩn cấp bao gồm cấp cứu, khám chữa bệnh, hỏa hoạn, thiên tai và tang lễ.

- Đi làm ở các cơ quan, tổ chức, đơn vị được phép hoạt động.

Rồi giờ việc còn lại là chứng minh lý do của mình bằng giấy tờ chứng từ. Người dân đi lại trong thành phố cần chuẩn bị:

- CMND hoặc thẻ Căn cước công dân của bản thân.

- Nếu đi làm thì phải có xác nhận của cơ quan, đơn vị, tổ chức được phép hoạt động ghi rõ thông tin nhân thân của người đi lại. Còn các trường hợp khác phải có chứng minh cụ thể chẳng hạn như đi khám chữa bệnh phải có hồ sơ khám chữa bệnh…

- Giấy đăng ký xe và bằng lái xe đối với người lái xe.

Lưu ý rằng, việc đi lại trong thành phố sẽ không cần phải có giấy xét nghiệm âm tính nhé.

Giấy xét nghiệm âm tính chỉ cần cho lái xe và người từ tỉnh khác ra vào TP.HCM thôi. Đối với trường hợp đi lại trong thành phố, người dân không cần xuất trình giấy xét nghiệm âm tính và lực lượng chức năng cũng không thực hiện kiểm tra giấy này, theo Công văn khẩn của UBND TP.HCM vào ngày hôm qua 12/7/2021.  

hình ảnh


Ảnh: Người dân trình giấy tờ để qua chốt vào quận Gò Vấp. Nguồn: Báo Tuổi trẻ. 

#2. Ở quận/huyện này có được qua quận/huyện khác để mua lương thực, thực phẩm không?

Không cấm người dân ra đường để mua lương thực, thực phẩm, tuy nhiên, mọi người cần hiểu rằng, theo Chỉ thị 16 là gia đình cách ly với gia đình, thôn bản cách ly với thôn bản, xã cách ly với xã, huyện cách ly với huyện, tỉnh cách ly với tỉnh. Do vậy, khi không cần thiết, mọi người không nên ra khỏi khu vực mình sinh sống theo Chỉ thị.

Việc ra đường không có lý do chính đáng sẽ bị phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 3 triệu đồng, căn cứ Nghị định 117/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.

Thực tế đã có trường hợp qua chốt mua hàng được nhưng đến lúc quay về lại không được. Theo nguồn từ báo Tuổi trẻ thuật lại, đó là câu chuyện của chị P.O. ở quận 12. Do nhà chị ở trên đường Lê Văn Khương, quận 12, khu vực quận chị hết đồ ăn cần thiết nên chị chạy lên cửa hàng ở huyện Hóc Môn, cũng trên đường Lê Văn Khương, cách chỗ chị 1km để mua đồ. Khi qua chốt không ai hỏi gì nhưng khi chị về thì chốt chặn lại, không cho vào dù chị đã trình giấy tờ tùy thân để chứng minh mình ở quận 12. Ngay sau đó chị đã có phản ánh với mong muốn chính quyền cần linh động xử lý, nhất là người dân ở vùng giáp ranh để thuận tiện hơn.

Hay như mấy ngày trước có cô gái ở quận 4, nhưng qua tận quận 10 chỉ để mua cây xúc xích. May mắn là trường hợp này chỉ bị nhắc nhở. Tuy nhiên theo ý kiến của nhiều người, cần phải xử lý nghiêm để răn đe những trường hợp khác.

Một số địa bàn quận/huyện đã có chính sách giúp người dân đi chợ, hay phát thẻ đi chợ nhằm giúp giảm thiểu tình trạng viện cớ ra đường, tránh nguy cơ lây nhiễm.

hình ảnhẢnh trái: Lực lượng chức năng tại chốt cầu An Phú Đông, quận Gò Vấp kiểm tra người dân ra đường không thật sự cần thiết. Nguồn: Báo Tuổi trẻ. Ảnh phải: Mọi người đều cầm sẵn giấy xác nhận của công ty làm việc ngay trên tay. Nguồn: VnExpress. 

#3. Có được dạo hay ngồi ở sảnh hoặc sân chung cư không?

Về nguyên tắc, đây là khu vực công cộng, do vậy, người dân ở chung cư cần ở trong nhà, chỉ ra ngoài khi cần thiết, việc sinh hoạt, vui chơi ở khu vực hành lang, nhà cộng đồng, sân hay sảnh chung cư cũng có thể xem là hành vi vi phạm Chỉ thị 16. Nếu có hành vi tụ tập thì còn có thể áp mức phạt từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng theo Nghị định 117.

Hy vọng sau bài viết chia sẻ trên đây sẽ làm giảm các trường hợp vi phạm Chỉ thị 16 nhé cả nhà. Hãy tuân thủ đúng để sớm trả lại thành phố khỏe mạnh, nhộn nhịp và đông đúc như trước. 

#4. Đi rút tiền, chuyển tiền, gửi thư, gửi hàng cho người thân có vi phạm Chỉ thị 16 không?

Trường hợp này cũng được xem là nhu cầu thiết yếu và không bị phạt và các ngân hàng, bưu điện vẫn hoạt động bình thường. Tuy nhiên, mọi người cần đảm bảo tuân thủ 5K khi ra ngoài giao dịch nhé!