Mặc cho hàng xóm, bạn bè trêu "4 năm học ĐH tốn tiền mà giờ về quê bán chè", cô gái trẻ vẫn chưa một lần hối hận về quyết định của mình.

Câu chuyện học đại học một ngành nhưng ra trường làm một ngành khác ở người trẻ hiện nay chắc hẳn không còn xa lạ. Tuy nhiên, không phải ai cũng thành công trên con đường rẽ hướng ấy và chịu được áp lực từ những lời "nói ra nói vào" từ bạn bè, hàng xóm.

Điển hình như câu chuyện tôi đọc được trên trang vtc news, là chia sẻ của một cô nhân viên văn phòng 25 tuổi sau tốt nghiệp đại học và làm công sở được 3 năm với mức lương bèo bọt, cộng thêm không thích ứng được môi trường văn phòng đầy cạnh tranh, cô quyết định "bỏ phố về quê" phụ giúp bố mẹ kinh doanh ăn uống.

"Mình 25 tuổi, học xong đại học thì mình ở lại thành phố đi làm văn phòng. Sau 3 năm, mình chán nản vì mức lương bèo bọt, cộng với môi trường cạnh tranh khiến mình cảm thấy mệt mỏi, không hợp. 

Trong một lần tâm sự với người bạn cùng tuổi ở quê, mình chợt nảy ra ý tưởng khá táo bạo. Người bạn đó ngày xưa thi rớt đại học, ở nhà tiếp quản nghề bếp của bố, giờ cũng mở được quán cơm gà khá nổi tiếng ở khu đó rồi. 

Sau một thời gian đắn đo và được người bạn này khích lệ, mình quyết định xin nghỉ làm về tự mở quán chè vì mẹ mình có tài nấu chè khá ngon.

Lúc đấy mình chỉ nghĩ đơn giản là mở một quán chè tại nhà, mẹ nấu, bố phụ giúp bán. 

Ban đầu kinh doanh cũng khó khăn lắm. Mình không có kinh nghiệm, cả nhà cũng chưa từng kinh doanh nên tính chi phí thế nào mà cứ lỗ mãi, cộng thêm việc khá vắng khách nữa.

Thời gian đầu, bố mẹ cũng hay gây gổ với nhau mãi vì chuyện buôn bán của mình. Mẹ thì ủng hộ việc mình về quê mở quán, còn bố thì vẫn thích mình làm việc trên thành phố, ổn định và bõ công 4 năm đi học.  

Nhưng rồi mọi thứ dần thuận lợi hơn. Người bạn mà mình nhắc đến ban nãy đã giúp đỡ mình khá nhiều cũng như giới thiệu khách hàng đến quán. Thu nhập 5 triệu, 10 triệu rồi cứ thế tăng dần. Bố mẹ cũng không cần phụ bán nữa vì giờ mình đã đủ khả năng thuê nhân viên.

Đặc biệt, mình đã có được một khoản tiết kiệm kha khá và sửa sang được nhà cửa cho bố mẹ sau 2 năm - điều mà mình nghĩ nếu còn đi làm nhân viên trên thành phố thì chắc còn lâu mình mới làm được. 

Nhiều người bạn đại học lâu lâu nhắn tin trên mạng hay trêu bảo sao học 4 năm đại học mà giờ về bán chè. Nhưng mình thấy có sao đâu, mình còn có tiền cho bố mẹ dưỡng già, lo được cho bản thân, sắm được nhiều thứ cho gia đình, được ở gần bố mẹ.

Chẳng qua là nghe đến nghề bán chè thì nó không hào nhoáng và sang chảnh như chức trưởng phòng, phó phòng này kia thôi. 

Mặc kệ người ngoài nói gì, mình cảm thấy miễn mình hạnh phúc với những gì mình hiện có là được. Không làm ông này bà nọ cũng chẳng sao, miễn mang tiền về cho bố mẹ, những đồng tiền trong sạch là được."

hình ảnh

(Ảnh minh họa: mgronline, cô Liên-toplistcantho)

Đúng là "trong cái khó ló cái khôn", nhận thấy mình không phù hợp với môi trường công sở tại thành phố, cô nàng nhân viên phòng này quyết định về quê kinh doanh cùng gia đình. Ban đầu cũng khó khăn, áp lực đủ đường nhưng với quyết tâm và ý chí của mình, cô gái đã thành công ngoài mong đợi. Đặc biệt, cô cảm thấy thoải mái và hạnh phúc hơn rất nhiều so với trước kia, quan trọng là còn tiết kiệm được "kha khá" để lo cho bản thân, mua nhà cho bố mẹ.

Chia sẻ này của cô gái sau đó đã nhận được rất nhiều sự đồng cảm từ cư dân mạng:

- "Ngưỡng mộ bạn, chỉ cần bản thân không làm gì sai trái với cảm thấy thoải mái là được!"

- "Miễn bạn đi lên từ chính sức lực của bản thân, cảm thấy vui, thoải mái khi làm công việc đó và kiếm được tiền để chăm lo cho bản thân, gia đình là được rồi"

- "Chúc mừng bạn, không phải ai cũng may mắn thành công với quyết định của mình như bạn đâu!"

Học đại học ra không phải ai cũng may mắn được làm đúng ngành đúng nghề, quan trọng là thành công sẽ luôn mỉm cười với những ai không bao giờ thôi nỗ lực. Nói chung tôi thấy mình cứ làm những gì mình thích, và tập "mặc kệ" những lời bàn tán ra vào. Vì mình làm ra tiền bằng chính công sức của mình, chẳng xin ai đồng nào mà, mọi người nhỉ?

Không làm ông này bà nọ cũng chẳng sao, miễn không phải "ăn bám" ai và mang những đồng tiền trong sạch về cho bố mẹ là được.