Do quan niệm sinh con tuổi đẹp nên lứa dê vàng 2003 khá đông, cạnh tranh giành suất vào đại học gay gắt hơn, điểm chuẩn theo đó cao hơn.

Năm nay điểm chuẩn đại học đã được dự báo từ trước là sẽ tăng, nhưng tăng đến nỗi 30 điểm vẫn trượt đại học thì thật sự quá choáng. Từ bữa có điểm chuẩn đại học đến giờ, em xem thông tin trên các báo thì thấy nhiều bài phân tích nguyên nhân lắm.

Một trong những nguyên nhân được đưa ra là do năm tuổi Quý Mùi, tỉ lệ sinh tăng mạnh dẫn đến thí sinh năm nay đông, tỉ lệ chọi cao. Sinh con tuổi đẹp, mong tương lai con có cuộc sống tốt, mà chưa gì mới xét tuyển đại học thôi, các con đã vất vả quá rồi.

Năm dê vàng 2003, số trẻ sinh ra tăng hơn 10%

Số thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2021 hơn 1 triệu em, tăng 11% so với năm 2020. Số thí sinh xét tuyển ĐH, CĐ cũng tăng đến 24%, trong khi chỉ tiêu xét tuyển ở các trường thì vẫn giữ y như năm trước.

hình ảnh

Học sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2021. Ảnh minh họa, nguồn: Tuổi Trẻ

Tỉ lệ xét tuyển quá cao trong khi chỉ tiêu chỉ có bao nhiêu đó, bảo sao điểm chuẩn đại học bị đẩy lên cao chót vót. Nhiều chuyên gia giáo dục xem việc thí sinh năm nay thi 30 điểm trượt đại học là chuyện dễ hiểu.

Theo Bộ GDĐT thì một trong những nguyên nhân dẫn đến việc điểm chuẩn cao, thí sinh trượt nhiều là do năm tuổi. Do trúng năm dê vàng 2003, tuổi Quý Mùi được xem là tuổi đẹp nên số trẻ sinh năm này cũng tăng đến hơn 10%.

Kết quả là xin vào mầm non vất vả, nhập học lớp 1 cũng đông đúc, bon chen, xét tuyển vào lớp 6, lớp 10 công lập cũng khiến cha mẹ đau đầu. Giờ là xét tuyển đại học, 27, 28 điểm, thậm chí 30 điểm cũng không đậu nổi nguyện vọng 1.

hình ảnh

Ảnh minh họa. Nguồn: sohu

Chính các phụ huynh cũng đồng ý với điều này khi mà các con đã phải cạnh tranh khắc nghiệt ở tất cả cấp học. Các con cạnh tranh nhau từng suất học rất căng thẳng, tỉ lệ chọi cao, số lượng đông, bảo sao điểm chuẩn không tăng chóng mặt.

Sinh ra ngay năm tuổi đẹp, lứa dê vàng, thế mà mới bỡ ngỡ bước chân vào đời đã gặp phải những khó khăn vì cạnh tranh quá gay gắt. Thật sự thương các em trượt đại học quá, không phải điểm các em thi không cao mà do điểm chuẩn cao ngất ngưỡng.

30 điểm không trúng tuyển là điều dễ hiểu

Dù nhiều thí sinh choáng váng vì mức điểm chuẩn đại học quá cao, nhưng với các chuyên gia lĩnh vực giáo dục thì đây là điểu dễ hiểu. Bên cạnh áp lực của tuổi đẹp Quý Mùi, vẫn còn nhiều nguyên nhân khác.

hình ảnh

Ảnh minh họa. Nguồn: sohu

1. Học sinh có xu hướng đăng ký tập trung quá nhiều vào các trường hot, ngành hot đã đẩy điểm chuẩn lên cao kịch trần. Chẳng hạn theo điều chỉnh mới tại khoản 1 Điều 4 Nghị định 116/2020/NĐ-CP, tân sinh viên sư phạm sẽ được hỗ trợ sinh hoạt phí 3,63 triệu đồng/tháng. Như vậy cộng thêm với khoản hỗ trợ miễn học phí như vẫn áp dụng thì số chi phí một sinh viên sư phạm có thể tiết kiệm được sau 4 năm đại học có thể lên đến trên 140 triệu đồng. Điều này sẽ tạo áp lực cạnh tranh khốc liệt giữa các thí sinh đăng ký nguyện vọng. Số lượng chỉ tiêu ít, số thí sinh thì đông nên điểm xét tuyển 30 điểm cũng là điều có thể xảy ra. Nếu những năm sau vẫn vậy thì tuổi đẹp hay không, vẫn có những em 29, 30 điểm trượt đại học.

2. Một lý do khác là các trường có nhiều hình thức xét tuyển như xét điểm thi đánh giá năng lực, nên chỉ tiêu xét tuyển điểm tốt nghiệp không còn nhiều.

3. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, một bộ phận đông đảo đi du học lại phải xét tuyển đại học trong nước. Đa phần các em này có điểm thi rất cao, đặc biệt ở môn ngoại ngữ nên dẫn đến điểm chuẩn đã cao còn tăng cao hơn.

Thi 30 điểm vẫn trượt đại học có thể khiến nhiều thí sinh hụt hẫng, thất vọng. Tuy nhiên điều cần làm hiện tại là các em phải vực dậy tinh thần, tự tìm cơ hội cho mình. Hiện có rất nhiều trường đại học thông báo tuyển sinh bổ sung, các em cần tranh thủ nắm bắt kịp thời, đừng bỏ lỡ mà tiếc nuối cả đời.