Mỗi lần nghe tin thay đổi địa giới hành chính, từ tên đường, tên phường hoặc quận rồi giờ sáp nhập tỉnh là người dân mình phản ứng, vì có nhiều thứ giấy tờ phải làm lại để cập nhật mới. Thật ra việc đổi lại không tốn tiền nhưng ngại khâu đi lại mất thời gian, phiền toái.

Hôm trước, em đọc tin thấy Bộ Nội vụ có đề xuất sáp nhập một số tỉnh miền núi, vùng cao do có diện tích nhỏ hoặc dân số thấp theo tiêu chí. Nay có danh sách chính thức theo nguồn báo Tuổi trẻ rồi nè cả nhà.

Theo kế hoạch là từ năm 2022 đến năm 2025, sẽ hoàn tất thể chế để chuẩn bị cho việc sáp nhập các tỉnh thành, cơ quan có thẩm quyền quyết định. Từ năm 2026 đến 2030 sẽ tổ chức sáp nhập.

hình ảnh


Ảnh: Khu du lịch tâm linh Tam Chúc, tỉnh Hà Nam, đây là tỉnh không đạt cả hai tiêu chuẩn diện tích tự nhiên, quy mô dân số. Nguồn: Báo Tuổi trẻ. 

Dựa trên tiêu chí quy định hiện tại, có 10 tỉnh thành sẽ thực hiện sáp nhập do diện tích nhỏ gồm:

#1. Bắc Ninh.

#2. Hà Nam.

#3. Hưng Yên.

#4. Vĩnh Phúc.

#5. TP Đà Nẵng.

#6. Ninh Bình.

#7. TP Cần Thơ.

#8. Vĩnh Long.

#9. Thái Bình.

#10. Nam Định.

Không chỉ vậy, 10 tỉnh thành khác cũng nằm trong diện đề xuất sáp nhập do có dân số thấp:

#1. Bắc Kạn.

#2. Lai Châu.

#3. Cao Bằng.

#4. Kon Tum.

#5. Ninh Thuận.

#6. Điện Biên.

#7. Đắk Nông.

#8. Quảng Trị.

#9. Lào Cai.

#10. Hậu Giang.

hình ảnh


Ảnh minh họa. Nguồn: Zing News và UBND tỉnh Thái Bình. 

Nhiều người hay tin đã lo lắng vì trong trường hợp đề xuất này sau nhiều nghiên cứu được thông qua thì sẽ có nhiều giấy tờ cần phải điều chỉnh lại. Tuy nhiên, theo quy định hiện hành, việc cập nhật lại các giấy tờ có phần đơn giản hơn rất nhiều và trong tương lai sẽ tinh gọn hơn nữa, chẳng hạn:

Trước đây, quan trọng nhất vẫn là sổ hộ khẩu. Nhưng từ ngày 01/7/2021, Luật Cư trú mới có hiệu lực không còn sổ hộ khẩu giấy nữa, thay vào đó sẽ cập nhật trên Cơ sở dữ liệu về cư trú. Khi đó, cơ quan đăng ký cư trú sẽ có trách nhiệm điều chỉnh và cập nhật lại việc thay đổi này vào hệ thống. Người dân không phải thực hiện thủ tục điều chỉnh. 

Tương tự với thẻ CCCD có gắn chíp, nếu bà con đã được cấp thẻ này thì không phải làm thủ tục đổi hay cấp lại nữa nhé, vẫn được dùng cho đến khi hết hạn sử dụng theo quy định.

Đối với sổ đỏ, sổ hồng dù không phải làm lại hay cấp đổi, cấp lại nhưng chủ sở hữu cần phải làm thủ tục xác nhận thay đổi này theo quy định hiện hành. 

Ngoài ra, còn một số giấy tờ có liên quan khác khá quan trọng, điển hình như Sổ tiết kiệm ngân hàng, Giấy đăng ký xe, Sổ BHXH hay thẻ BHYT… cũng cần cập nhật lại thông tin. Nếu không cập nhật đầy đủ, thiếu sự đồng bộ giữa các giấy tờ, bà con sẽ gặp khó khăn, nhất là các thủ tục liên quan đến rút tiền mặt, mua bán nhà đất... 

Tuy rằng thủ tục đã tinh giản hơn trước, việc cập nhật không tốn chi phí, nhưng đa phần người dân vẫn phản ứng vì ngại phải đi lại nhiều, mất thời gian và làm ảnh hưởng đến công việc. Hy vọng rằng trong thời gian tới, khi thể chế hoàn thiện để chuẩn bị cho việc sáp nhập thì người dân sẽ không còn mất nhiều thời gian cho việc này, mọi thông tin đều được đồng bộ ngay ở đầu mối Cơ sở dữ liệu về cư trú.