Gần 2 tháng sau cú sốc thất nghiệp, mới đây chị Nguyễn Thị L., 40 tuổi, nhân viên phát hành một công ty sách tư nhân tại TPHCM mới đối diện được sự thật: "Mình đã bị sa thải".

Giữa tháng 7 vừa rồi, biết có tên trong danh sách cắt giảm nhân sự, chị Nguyễn Thị L. đã suy sụp và cả ấm ức. Dẫu rằng sự việc đã được báo trước đó cả tháng. Hơn nữa, so với nhiều người, chị vẫn là nhân viên có thâm niên nhất.

Vậy nhưng, nhìn vào hiệu suất công việc, dấu ấn cá nhân tại công ty, chị biết con đường dẫn tới ngày hôm nay. Đi làm năm này qua năm khác, chị luôn trong nhóm chật vật để "hoàn thành công việc", nhiều năm rớt thảm, ở trong diện "cảnh báo".

Thu nhập đi với hiệu quả công việc, dù có thâm niên nhưng lương thưởng lúc nào lẹt đẹt, chị vẫn chủ quan, tự an ủi: "Mình làm ít hưởng ít". Chị Nguyễn Thị L. thừa nhận ngại học hỏi, thay đổi, mọi thứ trong cuộc sống cho đến công việc đều làm theo thói quen.

hình ảnh

Hình minh họa (Ảnh: VNE)

Nhiều cơ hội học tập về chuyên môn, ngoại ngữ, công nghệ chị đều né tránh hoặc đối phó. Thấy nhiều đồng nghiệp, bạn bè lao vào học cái này cái kia, chị lắc đầu: "Mình chịu". Không ít lần chị đều gạt đi khi người thân, bạn bè khuyên chị học thêm nâng cao chuyên môn, thay đổi công việc, tìm cơ hội mới.

Chị tự nhận không có tham vọng, an phận làm nhân viên đến cuối đời. Có người rủ chị làm thêm cái này cái kia để kiếm tiền, có lúc chị cũng tham gia nhưng đụng đâu cũng thấy khó nên lại thôi. Làm một nhân viên đủng đỉnh, tà tà tháng này qua tháng khác, năm này qua năm khác, chị không nghĩ có ngày chính mình... tự loại mình.

Mong muốn làm nhân viên suốt đời của chị cũng bất thành trước sự cạnh tranh, cắt giảm. Đến lúc rơi vào tình cảnh này, chị mới thẳng thắn: "Mình gần như "trắng tay" sau 15 năm đi làm". Ở tuổi của chị, bạn bè đang thăng hoa trong công việc, người có vị thế, hay có người đã vững mạnh về tài chính sẵn sàng cho tình huống "về hưu sớm".

Trong đó, nhiều người xuất phát điểm thấp hơn chị. Còn chị chuyên môn không đâu đến đâu, vị thế không, ngoại ngữ không, tiền bạc cũng không, con cái cũng thiệt thòi đủ bề... và phía trước là sự lo lắng, bất an. Phải bắt đầu lại mọi thứ, nhưng năng lực không được trau dồi, thiếu khả năng cạnh tranh, lại thêm tâm lý an phận, tìm một công việc mới với chị không hề dễ dàng.

hình ảnh

Hình minh họa (Ảnh: Dân Trí)

Vậy mới thấy, với những người đi làm công sở, dù còn trẻ hay đã già thì không thiếu những thành phần sống không có mục đích, sống cho qua ngày.

Phần lớn họ chỉ cần có được một công việc ổn định là cảm thấy bản thân mình rất giỏi, hoặc ít nhất cũng thấy mình hơn hẳn những người chỉ biết dựa vào các mối quan hệ của cha mẹ hoặc những người không được đi học, không qua đào tạo trường lớp rất nhiều lần.

Nếu ai đó vô tình đặt câu hỏi: "Hiện tại bạn đang đứng ở chỗ nào, sau 30 tuổi thì bạn đang đứng ở đâu?" thì họ trả lời rằng, dù cho đó là công việc gì, là phục vụ trong tiệm nước giải khát hay là trở thành nhân viên hành chính, kiếm được 10 triệu 1 tháng là tốt rồi.

Chỉ cần công việc đó có thể giúp họ kiếm đủ tiền nuôi sống bản thân thì họ sẽ nghĩ công việc đó chính là công việc tốt đẹp. Hàng tháng có lương, có chỗ ở, cơm ăn áo mặc, thỉnh thoảng đến nhà hàng ăn uống, đi dạo, ca hát...

Cuộc sống như vậy chẳng khác gì sống trong chiếc lồng riêng của bản thân. Nếu hiện tại họ không nhận ra điều này, thì 5 hoặc 10 năm nữa, họ chỉ có thể ở trong chiếc lồng chật hẹp đó mà ngước nhìn những người thành công ở thế giới bên ngoài, người ta đi những chiếc xe sang trọng, sống trong nhung lụa, ăn ngon mặc đẹp còn mình thì ngồi đây trách phận, trách thượng đế không công bằng.

Còn nhớ mới đây thôi, một câu nói của Shark Bình lại gây bão mạng xã hội. Vị doanh nhân này nhắn gửi với những người sáng đi làm, tối về lướt Facebook như sau:"Bản chất các bạn ban ngày đi làm kiếm tiền xong rồi về chơi thì mình không gọi là kiếm tiền, mình chỉ gọi là kiếm sống thôi. Hai chữ 'kiếm tiền' và 'kiếm sống' nó hơi khác nhau đấy".

Theo Shark, sau giờ làm, có thể do hoàn cảnh xô đẩy nên nhiều người vẫn phải đi kiếm sống nhưng nếu có đam mê thì cuối ngày về, họ sẽ dành hầu hết thời gian cho đam mê đấy, chứ không chỉ ngồi chơi.

hình ảnh

Suy cho cồng, việc "cắp ô, đếm thời gian" là vấn nạn đã được nhắc đến rất nhiều ở nước ta, không chỉ ở trong các cơ quan nhà nước. Tùy mức độ, nhiều doanh nghiệp cũng mệt mỏi với tình trạng nhân viên làm việc thiếu nỗ lực, học hỏi, chỉ đếm ngày chờ lĩnh lương.

Trong điều kiện ảnh hưởng vì dịch bệnh, các công ty càng quan tâm đến việc tổ chức lại bộ máy nhân sự. Những bộ phận, cá nhân làm việc không hiệu quả, trì trệ luôn nằm đầu tiên trong danh sách sa thải. Rất nhiều người sau cả chục năm đi làm "trắng tay" cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

Vậy cho nên, mong các bạn hãy sớm tỉnh ngộ, đặc biệt là với những phụ nữ còn trẻ tuổi, đừng đợi như chị gái kia, sau 40 mới nhận ra sai lầm thì sửa lại rất khó. Nên nhớ, chúng ta của hôm nay là kết quả của trước đây. Không cần phải chờ đến lúc bị sa thải mới thất nghiệp. Làm mà không học, nhiều người lao động tự "sa thải" bản thân ngay khi đang yên ổn.

Nguồn: Dân Trí