Không thể phủ nhận rằng đồng tiền đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống của mỗi chúng ta. Đã là con người, ai cũng phải ăn mới sống được. Có tiền, chúng ta có thể mua được nhiều tiện nghi trong cuộc sống, từ đó, có được cuộc sống hạnh phúc hơn. Thế nhưng, có nhiều người lại coi đồng tiền là thứ quan trọng nhất, là mục đích sống của mình. Bằng mọi giá, họ phải có tiền kể cả việc lừa đảo, dẫm đạp lên người khác.


webtretho


Để có thể sử dụng được đồng tiền, trước hết phải có nhận thức đúng đắn về nó, thấu hiểu được bản chất, mục đích của việc sử dụng đồng tiền. Vậy, tiền bạc được sinh ra từ đâu? Theo Mác, tiền tệ xuất hiện sau một quá trình phát triển lâu dài của trao đổi và các hình thái giá trị. Tiền là tất cả những phương tiện có thể làm trung gian trao đổi được nhiều người thừa nhận. Tiền là bất cứ cái gì được chấp nhận chung trong thanh toán để đổi lấy hàng hoá, dịch vụ hoặc trả các khoản nợ. Tiền tệ thực chất là vật trung gian môi giới trong trao đổi hàng hoá dịch vụ, giúp quá trình trao đổi diễn ra dễ dàng hơn. Lúc đầu vật ngang giá chung là hàng hoá thông thường sau đó là hàng hoá mở rộng (kẽm, đồng, bạc) và cuối cùng là tiền tệ. Người nào càng có nhiều tiền (hay càng giàu có về mặt tiền bạc) thì càng có nhiều khả năng hưởng thụ hàng hóa, dịch vụ trong cuộc sống. Chính sự hưởng thụ này mang lại cho con người sự thoải mái, tiện nghi trong cuộc sống, mang lại cho họ quyền lực sai khiến người khác. Khi đã quen với cuộc sống đó, nếu không được thỏa mãn, họ có thể chết đi hoặc làm tất cả để có được nó. Người nghèo thì khao khát sự sung sướng về vật chất do đồng tiền mang lại, nên họ cũng kiếm tìm mọi cách để có được tiền.


Bác Hồ kính yêu của chúng ta trong bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa cũng đã trích dẫn câu nói ở bản Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Nói như vậy, khát vọng làm giàu là khát vọng vươn tới hạnh phúc chính đáng của con người. Nhưng kiếm được đồng tiền như thế nào để đạt được mục đích của mình, lại tùy thuộc vào nhận thức, năng lực, phẩm chất của mỗi người.


Có người để kiếm tiền, sẵn sàng tham gia những đường dây lừa đảo, bán hàng đa cấp, in tiền giả, buôn hàng lậu… Đó là những cách làm giàu đáng lên án. Đồng tiền mà họ kiếm được là sự ăn cắp công sức, mồ hôi, xương máu của người khác. Họ sung sướng dựa trên sự đau khổ của đồng loại. Kiếm đồng tiền không chân chính liệu có được yên ổn hưởng thụ?


Có người lại kiếm tiền bằng đánh đổi tình yêu, nhan sắc, tuổi trẻ của mình. Ngày nay, cụm từ “chân dài, đại gia” đi đâu cũng thấy xuất hiện nhan nhản ở khắp mọi nơi. Có người thậm chí còn đặt điều kiện khi lấy chồng rằng anh ta phải có bao nhiêu tiền trong tài khoản, có nhà ở thành phố… Những người sống vì vật chất như vậy trong xã hội có rất nhiều. Nhưng họ không ý thức được rằng nhan sắc, tuổi trẻ rồi sẽ tàn phai theo năm tháng. Nếu cứ mãi dựa dẫm vào đại gia, có ngày họ sẽ ngã mà không thể gượng dậy được. Con người thường theo đuổi những gì nhìn thấy, sờ thấy trước mắt mà không nhận thức được cái đáng quý của những giá trị vô hình.


Có người do nghèo khó khao khát kiếm tiền bằng mọi cách. Giả sử bây giờ bạn hỏi những người xung quanh, nếu treo giải thưởng 1 tỷ đồng cho ai dám khỏa thân đi ngoài phố, tôi đảm bảo sẽ có nhiều người giơ tay đồng ý. Kể cả những người đã sống quá nửa đời người. Họ nói: Những 1 tỷ đồng cơ mà? Ai cho mình được 1 tỷ đồng? Thế nhưng, nếu họ có được 1 tỷ đồng, liệu họ có thể mua lại được danh dự của mình và sự tôn trọng, yêu mến của những người xung quanh? Cái nào có giá trị? Tiền hay danh dự đáng quí hơn?


Đồng tiền kiếm được chân chính phải do chính năng lực, phẩm chất của chúng ta mang lại. Cuộc sống có thể tàn nhẫn lấy đi của bạn mọi thứ, nhưng không thể lấy được năng lực, phẩm chất, ý chí của một người. Giàu có dựa trên chính khả năng của mình mới là giàu có bền vững nhất.


Đồng tiền thật đáng quý vì nó đem lại cho chúng ta cuộc sống no đủ, từ đó có thể sống hạnh phúc hơn. Nhưng nếu không nhận thức đúng, không làm chủ được nó mà lại để nó chi phối thì bạn đang lầm đường, lạc lối. Tôi xin trích ra đây vài lời nói mà tôi thấy đúng để chúng ta cùng suy ngẫm:


Tiền mua được nhà cao cửa rộng nhưng không mua được tổ ấm.


Tiền mua được kính Rayban nhưng không mua được tầm nhìn.


Tiền mua được máy tính nhưng không mua được sự sáng tạo.


Tiền mua được địa vị nhưng không mua được sự kính trọng.


Tiền mua được sách, bằng cấp nhưng không mua được tri thức.


Hãy là một người chủ khôn ngoan của đồng tiền, biến nó thành phương tiện để dựng xây tổ ấm và giúp đỡ nhiều người. Giàu có không chỉ về vật chất mà còn cả tinh thần nữa mới là giàu có bền vững và trọn vẹn!


Capro
04/05/2015