Một trong những cạm bẫy đối với người kinh doanh là quá lạc quan vào thị trường dẫn đến việc đầu tư một cách ồ ạt, không cân xứng với nguồn thu. Trong cuốn “Những năm tháng của tôi ở General Motors”, tác giả Alfred P. Sloan – Jr. cũng đề cập đến cuộc khủng hoảng năm 1920 ở tập đoàn GM diễn ra chủ yếu là do đầu tư một cách không cân nhắc, chỉ đơn thuần dựa trên yêu cầu của các bộ phận. Hàng tồn kho được mua vào một cách ồ ạt, trong khi đó doanh thu có phần sụt giảm do suy thoái kinh tế. Trước tình hình đó, CEO của GM lúc bấy giờ là Durant đã vay ngân hàng một món nợ khổng lồ và thế chấp bằng chính cổ phiếu của mình để mua hàng tồn kho. Điều này đã dẫn đến việc ra đi của ông và GM bắt đầu một thời kỳ mới với sự dẫn dắt của Dupont.


webtretho


Nhiều người khi bắt tay vào khởi nghiệp, thường mắc phải một sai lầm là tích trữ hàng nhiều, dựa trên cảm tính chứ không căn cứ vào xu hướng của thị trường và dự kiến doanh thu. Khi hàng tồn kho quá nhiều, bạn sẽ gặp các bất lợi sau:


– Vốn lưu động bằng tiền sụt giảm, bạn sẽ đánh mất các cơ hội đầu tư tốt hơn khi chúng đến với bạn.


– Chi phí cơ hội gia tăng, bạn hãy giả sử nếu số tiền đó không nằm ở hàng tồn kho, bạn có thể gửi vào ngân hàng và hưởng lãi hàng tháng.


– Hàng tồn kho không bán được, hết hạn sử dụng hoặc lỗi mốt, giá trị sụt giảm, bạn phải bán đổ bán tháo để thu hồi vốn.


Có một thực tế là khi bạn mua hàng với số lượng lớn, giá mua có thể rẻ đi một chút và bạn sẽ có lời hơn khi bán được hết số hàng đó. Tuy nhiên, hãy cân nhắc đến thời gian mà bạn có thể bán hết được số hàng đó. Để cho bạn dễ hình dung, tôi đưa ra một ví dụ như sau:


Trường hợp 1: Bạn mua 100 cái áo, với giá 100.000 VND/chiếc, tổng chi phí mua hàng là 10.000.000 VND. Mỗi tháng, dự tính bán được 50 cái với giá 150.000 VND/chiếc. Như vậy, sau 2 tháng bạn mới bán hết hàng và tổng số lãi là 5.000.000 VND. Tỷ suất hoàn vốn (ROI) sau 2 tháng của bạn là 50%.


Trường hợp 2: Bạn mua 50 cái áo, với giá 110.000 VND/ chiếc, tổng chi phí mua hàng là 5.500.000 VND. Như vậy, một tháng bạn có thể bán hết hàng, giả sử vẫn giữ mức giá 150.000 VND/ chiếc thì bạn sẽ có lãi 2.000.000 VND. Tháng sau, bạn dùng số vốn đó mua hàng tiếp và bán hết thì tỷ suất hoàn vốn của bạn sau 2 tháng 4.000.000 VND/5.500.000 VND sẽ là xấp xỉ 73%.


Qua ví dụ trên, các bạn có thể thấy rằng mua nhiều với số lượng lớn mặc dù giá rẻ mà tiêu thụ chậm chưa chắc đã thu hồi vốn nhanh và có lợi. Trên đây, chỉ là một ví dụ đơn giản, bởi trong hoạt động kinh doanh, cần tính đến cả khả năng trượt giá và một số yếu tố khác nữa. Bạn càng làm cho đồng tiền luân chuyển nhanh, số tiền mà bạn cần để đầu tư càng ít, khả năng sinh lời càng cao.


Một lợi thế khác của việc duy trì tồn kho ở mức thấp là bạn có thể dễ dàng thu hẹp hoạt động kinh doanh của mình khi thị trường thay đổi theo chiều hướng xấu một cách đơn giản và ít tổn thất nhất. Để duy trì tồn kho ở mức hợp lý, hãy dựa vào doanh thu bán hàng dự tính của bạn trong một tháng. Doanh thu dự tính này lấy ở đâu ra? Không phải là muốn lấy một số nào cũng được đâu nhé! Nếu bạn mới gia nhập thị trường, phải điều tra, nghiên cứu thật kỹ, lấy kinh nghiệm của những người đi trước. Nếu bạn đã kinh doanh được vài năm rồi, thì có thể lấy dự tính từ doanh thu bán hàng cùng kỳ của những năm đó cộng thêm với ước tính của sự tăng trưởng từ thị trường. Một công thức đơn giản để kiểm soát hàng tồn kho của các doanh nghiệp Nhật Bản là duy trì chỉ số Kaiten. Chỉ số này được tính đơn giản là Tổng doanh thu\ Tổng giá trị hàng tồn kho. Giá trị hàng tồn kho và doanh thu phải được lấy vào cùng một thời điểm là cuối tháng. Chỉ số này càng cao thì tốc độ quay vòng vốn của bạn càng lớn và ngược lại.


Khi chưa dự tính được doanh thu, chưa biết được thời gian thu hồi vốn mà đã vội đầu tư ồ ạt, mua hàng thiếu cân nhắc là một hành động thiếu sáng suốt. Hãy bắt đồng tiền của mình làm việc thật chăm chỉ, bạn sẽ thấy mình là một người chủ sáng suốt của nó và sẽ đạt được ước mơ của mình một ngày không xa.


Capro
02/05/2015