Năm 2003, giáo sư Frank Flynn tại trường kinh doanh Columbia và giáo sư Cameron Anderson tại ĐH New York đã tiến hành trắc nghiệm quan điểm về nam và nữ trong công việc. Họ sử dụng bài tập tình huống của Trường Kinh doanh Harvard về một doanh nhân có thật tên là Heidi Roizen (nữ). Bài tập miêu tả quá trình Roizen trở thành một nhà đầu tư mạo hiểm thành công nhờ vận dụng “tính cách phóng khoáng… và mạng lưới mối quan hệ cá nhân và nghề nghiệp rộng lớn bao gồm cả những nhà lãnh đạo đầy quyền lực trong ngành công nghệ”. Flynn và Anderson cho một nửa số sinh viên đọc câu chuyện về Heidi và một nửa còn lại cũng đọc câu chuyện này nhưng có chút thay đổi – tên “Heidi” được đổi thành “Howard”(nam).


Giáo sư Flynn và Anderson sau đó thu thập ý kiến cảm nhận của sinh viên về Heidi hay Howard. Các sinh viên đánh giá Heidi và Howard có năng lực như nhau, điều này cũng là hợp lý vì thành công của họ là giống nhau. Tuy nhiên, mặc dù sinh viên kính trọng cả hai người là Heidi và Howard, đối với họ Howard là một đồng nghiệp thú vị hơn. Heidi, ngược lại, bị xem là ích kỷ và “không phải là người bạn muốn tuyển dụng hay cùng làm việc chung”. Thông tin là như nhau, chỉ có một khác biệt duy nhất – giới tính – đã tạo ra nhận xét hoàn toàn khác.


webtretho


Trên đây là đoạn trích trong cuốn sách Dấn thân (Lean in) tác giả Sheryl Sandberg – COO đương nhiệm của Facebook. Câu chuyện trên cho chúng ta thấy một điều rõ ràng rằng trong khi thành công đối với nam giới được tất cả mọi người ngưỡng mộ thì đối với nữ giới bị xem là ích kỷ, đáng ghét. Tác giả cuốn sách cũng chỉ ra cho chúng ta thấy rằng, trong tiềm thức mọi người, khuôn mẫu của nam giới là bao bọc, can đảm, dám thách thức, là xông xáo gánh trách nhiệm còn đối với nữ giới là nhạy cảm, quan tâm, chăm sóc gia đình. Thành công của Heidi đã vi phạm khuôn mẫu này về người phụ nữ, điều đó khiến cho cô không được ưa thích.


Phải nói rằng quan niệm này cũng đúng với hầu hết người dân Việt Nam. Ví dụ như một phụ nữ Việt Nam mới sinh con được 1 tháng mà đã quay trở lại với công việc, thế nào cũng nhận được những ánh mắt không mấy thiện cảm “Tại sao con còn nhỏ thế mà đã bỏ nó đi làm?”. Thế nhưng đối với một người đàn ông, giả sử khi vợ sinh con mà vẫn còn ở công sở làm việc lại được đánh giá rất cao vì tinh thần trách nhiệm. Định kiến này đã ăn sâu vào tiềm thức trong mỗi người. Trong một lần nói chuyện cùng các đồng nghiệp, có người còn cho tôi lời khuyên rằng “Phụ nữ mà xông xáo quá thì gia đình thế nào cũng không hạnh phúc!”. Chính vì lẽ đó mà tôi đã chứng kiến rất nhiều phụ nữ thông minh và giỏi giang nhưng đành cam chịu hi sinh sự nghiệp để chăm sóc cho gia đình. Một người đàn ông có thu nhập thấp hơn vợ sẽ bị đánh giá là hèn kém, còn người phụ nữ không chịu hi sinh sự nghiệp cho chồng con sẽ bị chê bai.


Cũng sẽ là an ủi phần nào cho người phụ nữ đã chấp nhận ở nhà để chăm lo cho gia đình nhỏ bé của mình nếu như chồng và người thân của họ biết trân trọng điều đó. Thực tế, công việc ở nhà, mặc dù không tạo ra thu nhập, nhưng vô cùng quan trọng và có ý nghĩa. Tôi thường thấy những phụ nữ này tham gia tích cực vào các hoạt động xã hội, các hội phụ huynh ở trường lớp. Bản thân họ mặc dù âm thầm nhưng đang đóng góp một phần không nhỏ đối với xã hội. Tuy nhiên, cuộc sống lại không đơn giản như vậy. Thường thì những người phụ nữ chấp nhận hi sinh cho gia đình lại không nhận được sự cảm thông của bạn đời và người thân. Họ coi người phụ nữ đó là lệ thuộc và hoàn toàn không có tiếng nói gì trong việc quyết định các vấn đề hệ trọng. Những việc như chăm sóc con nhỏ, nhà cửa… được mặc định là nghĩa vụ của phụ nữ, hiếm người đàn ông nào biết chia sẻ gánh nặng này với vợ mình, cho dù vợ của họ ở nhà toàn thời gian hay cũng lăn lộn ngoài xã hội kiếm tiền như họ. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, người phụ nữ cũng sẽ chịu nhiều thua thiệt nếu chấp nhận hi sinh sự nghiệp vì hai lẽ: Thứ nhất, sự hi sinh của họ chưa chắc đã được đánh giá cao, đôi khi còn bị cho là thích lệ thuộc. Thứ hai, họ không thể chủ động về vấn đề tài chính, do đó mà bị mọi người coi thường.


Tôi có người bạn cũng đã từng đắn đo việc đi làm trở lại sau khi sinh con do thu nhập của cô ấy chỉ vừa đủ tiền thuê người giữ trẻ. Tuy nhiên, khi đưa ra quyết định này, bạn cần tính đến thu nhập của mình trong tương lai chứ không phải hiện tại và một vài yếu tố mà tôi đã nêu ra ở trên. Tôi cũng cho rằng việc dựa vào chính mình là điều chúng ta nên lựa chọn để có thể tự chủ trong cuộc sống.


Cho dù bạn được khuyến khích, cho dù bị ép buộc, bạn cũng đừng nên hi sinh sự nghiệp của mình trừ trường hợp bất khả kháng. Định kiến của xã hội đã là một rào cản đối với phụ nữ để vươn lên, đừng nên tự tạo thêm rào cản cho mình. Tôi luôn tin rằng phụ nữ cũng có năng lực như đàn ông, thậm chí có thể hơn đàn ông ở một số lĩnh vực. Tất cả chúng ta đều xứng đáng có được những cơ hội như nhau trong cuộc sống và có quyền tự quyết định số phận của mình.


Capro
02/06/2015