Trong công việc hay trong cuộc sống, có những lúc bạn thường nghe thấy người ta nói anh chàng đó, cô gái nọ hay công ty này làm việc thiếu chuyên nghiệp. Vậy chuyên nghiệp là gì và phải làm sao để trở thành một người chuyên nghiệp? Đó là một câu hỏi không dễ trả lời đối với một số bạn trẻ khi vừa rời ghế nhà trường, thậm chí ngay cả đối với một số người đã có kinh nghiệm làm việc. Một số người quen đánh giá người khác qua vẻ bề ngoài sẽ mặc định người chuyên nghiệp là người có bằng cấp cao hay những chứng chỉ được đóng khung và treo trên tường ở văn phòng, biết cách ăn mặc. Tất nhiên, tính chuyên nghiệp bao hàm điều này nhưng đó không phải là tất cả.


webtretho


Chuyên nghiệp là gì?


Theo từ điển Wikipedia, chuyên nghiệp là chủ yếu làm một nghề nhất định và có chuyên môn về nghề đó.


Theo từ điển Việt Nam (Viện Ngôn ngữ học, NXB Đà Nẵng, 2006) về mặt tính từ, chuyên nghiệp nghĩa là: chuyên là một nghề, lấy một việc, một hoạt động nào đó làm nghề chuyên môn; phân biệt với nghiệp dư.


Từ điển Merriam-Webster định nghĩa tính chuyên nghiệp là các hành vi, mục tiêu, hoặc phẩm chất phản ánh hay thể hiện nét đặc trưng của một ngành nghề hay một chuyên viên và cũng định nghĩa một ngành nghề là “một công việc đòi hỏi kiến ​​thức chuyên ngành và nền tảng học vấn dài và chuyên sâu“.


Theo tôi, việc chuyên về một nghề nào đó chưa hẳn đã được gọi là chuyên nghiệp. Ví dụ: một người chuyên làm nghề may, anh ta mở một cửa hàng quần áo may đo, thế nhưng lúc nào buồn thì nghỉ, lúc vui thì mở cửa, khách hàng đến lấy quần áo thì hẹn lần hẹn lữa. Người như vậy không thể gọi là người chuyên nghiệp được.


Chuyền nghiệp là một tính từ, bản thân nó bao gồm rất nhiều phẩm chất tốt của người lao động. Bạn có bao giờ tự hỏi vì sao các doanh nghiệp nước ngoài lại hoạt động tốt hơn các doanh nghiệp Việt Nam hay không? Câu trả lời chính là vì họ chuyên nghiệp hơn!


Chúng ta phải làm gì để trở thành một người chuyên nghiệp?
Thứ nhất, chúng ta cần tích cực trau dồi kiến thức, kỹ năng, tay nghề chuyên môn.


Trước hết, những người chuyên nghiệp phải là những người có kiến thức chuyên sâu trong lĩnh vực của mình. Không thể tưởng tượng nổi một kiểm toán viên chuyên nghiệp mà vẫn còn nhầm lẫn về cách định khoản, một người thợ sửa xe chuyên nghiệp mà không biết cách sử dụng cờ lê. Theo quan điểm của tôi, người có kiến thức chuyên môn không nhất thiết phải là người có nhiều bằng cấp. Bản thân tôi, trong quá trình làm việc cũng đã từng chứng kiến rất nhiều người có bằng này, cấp nọ nhưng làm việc còn thua cả những người chẳng có bằng cấp gì, thậm chí còn chưa tốt nghiệp đại học.


Trên thực tế, xã hội còn rất nhiều người coi trọng bằng cấp mà không chú trọng đến kiến thức, kinh nghiệm thực sự của người khác. Người như vậy, nếu đứng ở vị trí người chủ doanh nghiệp, chắc chắn sẽ có những sai lầm trong cách dùng người.


Thứ hai, người chuyên nghiệp luôn giữ chữ tín.


Bất cứ khi nào bạn đưa ra lời hứa với khách hàng, đối tác, hãy giữ lời. Trong trường hợp bất khả kháng, hãy cố gắng hết sức để làm giảm thiệt hại cho đối tác.


Tôi nhớ có lần đặt mua đồ đóng gói sản phẩm ở một công ty Việt Nam. Họ hứa chắc chắn là tới ngày đó sẽ giao hàng vậy mà họ không thể sản xuất kịp như trong hợp đồng. Sau khi hứa hẹn sẽ khắc phục, tình trạng trên vẫn không được họ cải thiện. Cực chẳng đã, tôi đành chọn một nhà cung cấp nước ngoài, giá cả tuy đắt hơn một chút nhưng chất lượng và thời gian giao hàng rất đảm bảo. Trên thực tế, không phải là các doanh nghiệp Việt Nam không hỗ trợ nhau mà là vì có quá nhiều doanh nghiệp hoạt động thiếu chuyên nghiệp. Ngược lại, các công ty Nhật Bản lại thường chỉ chọn các đối tác Nhật Bản bởi họ có tinh thần đoàn kết trong kinh doanh và hơn nữa, khi làm việc cùng nhau, họ rất yên tâm.


Thứ ba, người chuyên nghiệp luôn có tinh thần trách nhiệm và biết giữ kỷ luật.


Những người chuyên nghiệp tự chịu trách nhiệm về những suy nghĩ, lời nói và hành động của họ. Đặc biệt là khi họ mắc sai lầm, họ dám nhận trách nhiệm về mình trước những người khác. Trách nhiệm cá nhân này được gắn chặt với sự trung thực và liêm khiết, và đó là một yếu tố quan trọng của tính chuyên nghiệp.


Một người có tinh thần trách nhiệm sẽ luôn cố gắng hoàn thành công việc ở mức tốt nhất có thể. Điều đó thể hiển trách nhiệm của anh ta đối với bản thân và với những người xung quanh. Trong trường hợp công việc của anh ta có liên quan đến người khác, anh ta luôn tôn trọng họ, để họ thực hiện đúng trách nhiệm công việc của mình.


Ví dụ: một người bán hàng đi gặp gỡ khách hàng để giao dịch, tuy nhiên, việc báo giá và thanh toán là trách nhiệm của bộ phận kế toán thì anh ta sẽ phải tuân theo quy trình và mô tả công việc. Anh ta chỉ làm đúng trách nhiệm của mình không tham gia vào công việc của các phòng khác trừ khi có sự chỉ định của người đứng đầu tổ chức. Đối với một nhân viên, tuân thủ nội quy công ty cũng được đánh giá là một trong những tiêu chí của sự chuyên nghiệp.


Thứ tư, chúng ta cần rèn luyện làm chủ cảm xúc.


Đây cũng là điều khó vượt qua nhất đối với những ai muốn trở nên chuyên nghiệp trong lĩnh vực của mình. Tôi đã từng chứng kiến nhiều giám đốc, do bực bội với đối tác mà trút giận lên nhân viên, hoặc những người bán hàng sau khi có mâu thuẫn trong gia đình liền cư xử cộc cằn với khách hàng.


Nếu không làm chủ được cảm xúc, bạn sẽ không thể có tác phong chuyên nghiệp hoàn toàn và điều này cũng sẽ khiến khách hàng, đối tác đánh giá thấp bạn. Người chuyên nghiệp phải giữ được tác phong đúng đắn kể cả dưới áp lực.


Mục đích của sự chuyên nghiệp là nhằm tạo ra sự hoàn chỉnh, chất lượng, hiệu quả và tin cậy ở khách hàng, những điều đó chỉ có được khi tất cả các chi tiết dù là nhỏ nhất đều được chú trọng đầu tư, duy trì. Một người kinh doanh chuyên nghiệp sẽ có nhiều cơ hội dành chiến thắng trên thương trường do tạo được lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ nghiệp dư. Bạn hãy nhớ rằng sự chuyên nghiệp không thể tạo ra trong một sớm một chiều mà đó là kết quả của nỗ lực và khổ luyện không ngừng nghỉ.


Capro
24/08/2015