Tối qua lướt báo tình cờ đọc được tin này mà thấy hoang mang quá mọi người. Nếu chính sách không thay đổi thì sẽ có rất nhiều người bị ảnh hưởng đấy ạ.

Theo bài đăng trên trang Vietnamplus em đọc được, tại hội thảo về chính sách xã hội hướng tới đảm bảo an sinh cho toàn dân do Bộ Lao động Thương binh và Xã hội phối hợp với Tổ chức Lao Động Quốc tế ILO tổ chức, các chuyên gia quốc tế cho rằng với tốc độ già hóa dân số như hiện nay, nếu chúng ta không thay đổi chính sách BHXH thì có lẽ 8 năm nữa, tức là đến năm 2030 sẽ có 12 triệu người cao tuổi không được nhận lương hưu và đây sẽ là gánh nặng lớn đối với hệ thống an sinh xã hội trong tương lai.

hình ảnh


Ảnh minh họa. Nguồn: Vietnamplus. 

Thực tế trong số 50 triệu lao động hiện tại chỉ có 33% tham gia BHXH và trong số 11,4 triệu người cao tuổi chỉ có 4,3 triệu người được nhận lương hưu.

Theo các chuyên gia quốc tế, hiện tại, chính sách BHXH ở mình đang gặp phải một số vấn đề cần được giải quyết:

Thứ nhất là cho phép tất cả người lao động thoát khỏi hệ thống BHXH và yêu cầu rút BHXH một lần cho tất cả các khoản đóng góp trước đây của họ.

Qua thống kê cho thấy gần 70% các khoản BHXH một lần ở Việt Nam được chi trả cho phụ nữ dưới 35 tuổi. Điều đó cho thấy rằng các khoản này được người lao động dùng để bảo đảm an ninh thu nhập của họ trong giai đoạn làm việc, chứ không phải khi họ đã hết tuổi lao động do các chế độ BHXH chưa đảm bảo được.

Nếu như tình trạng này vẫn cứ tiếp tục diễn ra thì về lâu dài sẽ tác động tiêu cực đến an ninh thu nhập của người lao động cũng như tính bền vững tài chính của hệ thống.

Thứ hai là hệ thống BHXH chưa tiếp cận được với nhóm lao động tự do.

Theo Giám đốc Văn phòng ILO Việt Nam cho biết nhiều người Việt vẫn chưa được tiếp cận đầy đủ với an sinh xã hội, do đó trong thời gian tới cần nỗ lực để đảm bảo an sinh xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau, đặc biệt là nhóm lao động tự do... là nhóm cấp thiết cần tham gia an sinh xã hội.

Thứ ba, thiếu liên kết việc làm.

Đặc điểm của thị trường lao động Việt Nam hiện tại khiến rất nhiều lao động khó có thể tích lũy 20 năm đóng góp, đây là mức tối thiểu theo luật định hiện hành để họ có đủ điều kiện được nhận lương hưu. Do đó mà nhiều người lao động dù có tham gia BHXH nhưng vẫn khó có thể được nhận lương hưu. Chính sách an sinh xã hội chỉ thực sự bền vững và công bằng khi có liên kết với việc làm.

Để làm được điều đó, theo chuyên gia, cần gia tăng cơ hội tạo việc làm hiệu quả và thỏa đáng, điều này không chỉ giúp giảm nghèo mà còn góp phần cung cấp tài chính bền vững cho hệ thống an sinh xã hội. Bởi chỉ khi có việc làm ổn định thì họ mới có thể tham gia đầy đủ vào hệ thống BHXH.

Thứ tư, việc chi cho an sinh xã hội thấp đáng kể so với mức trung bình của thế giới.

Hệ thống an sinh xã hội chỉ thực sự được cải cách khi lĩnh vực này được đầu tư đúng nghĩa và nhiều hơn. Việc tăng cường đầu tư vào lĩnh vực này sẽ là động lực gián tiếp thúc đẩy nền kinh tế hồi phục và phát triển sau đại dịch.

hình ảnhẢnh minh họa. Nguồn: Người Lao Động và Tổ Quốc. 

Từ những vấn đề đó, trước mắt, theo các nhà chức trách trong thời gian tới có thể sẽ sửa đổi Luật BHXH theo hướng giảm số năm đóng BHXH xuống còn 15 năm hoặc 10 năm, đồng thời sẽ giới hạn lại điều kiện để được rút BHXH một lần và đặc biệt là sẽ mở rộng các đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Hy vọng những chính sách mới này sớm được thông qua để đảm bảo quyền lợi cho người lao động.