Bỏ qua những chuyện mưa lũ, ngập lụt giữa phố, kẹt xe ùn tắc gần như “mọi lúc, mọi nơi” ở thành phố hiện đại bậc nhất này. Bỏ qua cả những câu chuyện cướp giật, tan nạn thương tâm, đau lòng, mảnh đất Sài Gòn này vẫn còn những góc khác tươi sáng với những con người thân thiện và tử tế, hào phóng như chính mảnh đất này đã dang tay ra đón họ.


1. Hẻm “ông Tiên” - con hẻm đầy những điều miễn phí cho người nghèo khó



Thùng trà đá mát lạnh giữa trưa, tủ thuốc, tấm bảng ghi dòng chữ sửa xe miễn phí cho người nghèo và người khuyết tật là những hình ảnh người dân Sài Gòn vẫn thường nhìn thấy khi đi ngang hẻm “ông Tiên”. Con hẻm nhỏ nằm trên đường Phan Đình Phùng, cũng toàn những người nhập cư nghèo khó, buôn gánh bán bưng, nhưng tình người thì lúc nào cũng rộng khắp. Gần 20 năm chạy xe ôm cũng là chừng đó thời gian người đàn ông dáng nhỏ nhắn Đỗ Văn Út (53 tuổi) chăm chút cho những công việc từ thiện ở nơi này.


webtretho


Bên trong con hẻm miễn phí đầy tình người. Nguồn: Internet


webtretho


Ông Đỗ Văn Út châm thêm trà đá vào bình lúc không có khách đi xe ôm. Nguồn: Internet



Hằng ngày, châm trà đá vào bình, chiếc bình bên vệ nhỏ thôi nhưng lúc nào cũng đầy ắp nước mát lành cho những cụ già, em bé bán vé số, những chú xe ôm, cô bán hàng rong ghé qua uống đỡ khát, cũng đỡ tốn tiền. Tủ thuốc cũng được cất lên cao, khóa kỹ lưỡng tránh bọn trẻ đùa giỡn phá phách, nó luôn để đó dành cho những người nghèo khó, chẳng may trúng gió ngất xỉu giữa đường, người bị tai nạn giao thông có cái kịp thời cấp cứu. Cả việc mai táng, chôn cất miễn phí cũng được duy trì. “Ông Tiên” chạy xe ôm ấy tươi cười nói rằng sẽ vẫn làm cái việc không công này. Ông sẽ làm khi nào Sài Gòn này hết người nghèo, nhưng có lẽ ông sẽ còn phải làm hoài, làm đến hết đời đó chứ.


2. Hiệp sĩ cầu Bình Lợi chuyên vớt xác, cứu người nhảy sông tự tử


“Hiệp sĩ cầu Bình Lợi” là cái tên quen thuộc mà mọi người thường gọi ông Nguyễn Văn Chúc, người đàn ông ngoài 50 sống bằng nghề đánh cá dưới chân cầu Bình Lợi. Mặc dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, cả gia đình chen chúc trên chiếc ghe ọp ẹp nhưng suốt mấy chục năm qua ông đã cứu sống không biết bao nhiêu người nhảy sông tự tử. Ông cũng vớt hàng trăm thi thể trôi nổi trên sông Sài Gòn. Làm bạn với “ma da”, có khi trầm mình dưới sông suốt mấy tiếng để tìm, vớt thi thể những người chết đuối nơi đây. Đã có hàng trăm câu chuyện đau lòng của những người uẩn khúc kết thúc cuộc đời mình dưới dòng sông lạnh lẽo, nhưng cũng có cả những câu chuyện thấm đẫm tình thương khi ông kịp thời cứu sống một mạng người.


webtretho


Cả nhà ông Nguyễn Văn Chúc sống trên một con thuyền neo dưới chân cầu Bình Lợi cũ. Nguồn Internet



Trên những con đường ngoài phố kia, cũng đã có những vụ tai nạn giao thông kinh hoàng xảy ra, nhưng người ta chỉ lướt qua, ngó ngàng, lấy điện thoại ra tranh thủ chụp hình post facebook trước khi công an tới. Họ cũng có thể cho là mình đang bận, sợ liên lụy, công an mời lên tới lui. Đã có những con người khướt từ hy vọng cứu sống một sinh mạng như thế. Nhưng ở dòng sông này, có một người đàn ông mình trần, lam lũ, nghèo khó nhưng tranh thủ từng phút, từng giây mạng sống con người. Đã có những cuộc đời đổi khác sau lần “chết hụt” được ông Chúc cứu sống. Họ đã có cơ hội viết tiếp cuộc đời mình, chứ không nằm lại mãi mãi dưới đống vỡ vụn của hiện trường một vụ tai nạn giao thông.


3. Tình người trong cơn ngập như lũ ở Sài Gòn của ba anh em làm công nhân


Dân Sài Gòn mấy nay ai cũng kêu trời, khóc đất vì mỗi lần mưa về là lại ca bài ca “Sài Gòn ngập quá, Sài Gòn ơi! Sài Gòn ơi!”. Nghe ai cũng ngán ngẩm, chẳng muốn ra đường. Chiều tan tầm đi làm, đi đón con về,... mà tận 11, 12 giờ đêm mới dắt được cái xe về tới cổng. Đường thì hẹp, xe thì đông, mưa vẫn cứ đổ và ngập đường, xe tắt máy, kẹt cứng là chuyện như cơm bữa ở cái đất này. Nhưng cũng thật may, hôm qua đọc báo tôi thấy hành động thật đẹp, thật sáng tình người của ba anh em anh Phạm Như Thắng, Nguyễn Tài Dũng cùng quê Quảng Ngãi và Nguyễn Mạnh Cường quê Bình Thuận, sau khi tan làm đã xách đồ nghề sửa xe ra trước điểm ngập trên đường Phan Huy Ích (Q.Gò Vấp) để sửa miễn phí cho người dân.


webtretho


Tấm bảng sửa xe miễn phí được đặt trước một bãi sửa xe "dã chiến" trên đường Phan Huy Ích của ba anh, em. Nguồn: Internet


Tấm bảng gỗ đơn sơ ghi dòng chữ Cứu hộ, sửa chữa xe máy bị ngập nước cho bà con miễn phí, khiến nhiều người bất ngờ và rất xúc động. Giữa dòng nước đen ngòm, hàng chục chiếc xe chết máy nối đuôi nhau ở các tiệm sửa xe với giá thay bugi, rửa xe lên tới...150.000 - 200.000/chiếc. Thì lại có ba anh, em này sẵn sàng sửa xe, thay bugi miễn phí cho người qua đường. Cả ba anh, em đều là công nhân làm thuê, ở trọ, lương tháng chẳng bao nhiêu, còn để dành phần gửi về phụ giúp gia đình dưới quê.


webtretho


Không khó để chúng ta bắt gặp những hình ảnh những người tử tế ở Sài Gòn này. Nguồn: Internet


4. Và còn nhiều lắm những tình người như thế khiến Sài Gòn thật đẹp...


Lâu lâu chúng ta vẫn bắt gặp được hình ảnh những người Sài Gòn tử tế trên mặt báo, trên những con đường, ngỏ hẻm chúng ta đi qua. Lạ là đa phần họ đều là những người lao động bình dân, kinh tế cũng chẳng mấy khá giả. Từ quán cơm từ thiện chỉ 2.000 đồng cho người nghèo, sinh viên, tủ quần áo miễn phí “Ai có thì cho, ai thiếu thì lấy”, tủ bánh mỳ nóng hổi đặt ở một góc đường cho chú xe ôm, ông bà cụ bán vé số, hay cô hàng rong ngang qua lấy ăn lót dạ,...


webtretho


Tủ bánh mỳ mỗi người một ổ lúc nào cũng đầy ắp nhưng tấm lòng người ở đây. Nguồn: Internet



Đến cậu bé 19 tuổi tên Beo chuyên sửa dép, giày miễn phí cho người nghèo, người khuyết tật ở hẻm 549, đường Nguyễn Đình Chiểu; hay ông “Minh cô đơn” không nhà cửa, vợ con, chạy xe ôm kiếm sống quanh làng Đại học (Thủ Đức) nhưng gặp trộm cắp, cướp giật là nhảy vào giải cứu cho sinh viên, chẳng màng trên người sẽ có thêm vài vết sẹo nữa,... Còn nhiều lắm những người Sài Gòn tử tế, tốt đẹp khác. Họ vẫn nghèo, nhưng tấm lòng vẫn bao dung, vẫn luôn nghĩ người khác trước khi nghĩ mình, bởi có lẽ ở trong cái nghèo, những con người ấy đã thấm thía sự cơ cực, vất vả, cả thiếu thốn không bù đắp hết được.


webtretho


Cậu bé Ben bên quầy hàng của mình, tấm bảng sửa giày miễn phí được cậu dán ở ngay phía trước. Nguồn: Internet


webtretho


Ông Minh "cô đơn" chuyên bắt cướp ở Làng Đại học Thủ Đức bên chiếc xe - phương tiên mưu sinh hằng ngày. Nguồn: Internet


Trước khi được báo đài, người dân biết đến, những công việc từ thiện này vẫn âm thầm được thực hiện, giúp đỡ cho không biết bao hoàn cảnh khó khăn. Họ không giàu, nếu không muốn nói là phải chạy ăn từng bữa, nhưng cách những con người lao động bình dân ở đây đối xử với nhau khiến cho ta cảm thấy ấm lòng.


Ngày hôm qua có thể bạn đã chửi tay nào đó phóng xe ẩu va trúng bạn mà không xin lỗi, bạn có thể đã bì bõm trong cơn mưa để về được đến nhà, bạn đã từng lóng ngóng giữa đường rồi bị giật mất túi xách, điện thoại, hay từng cay đắng nhận ra mình bị lừa tiền, tình bởi một ai đó xa lạ trên mảnh đất Sài Gòn này. Nhưng hôm nay, giữa đoạn đường tối mịt, chân tay rã rời dắt chiếc xe hết xăng mà đường về xa xôi, bạn vô tình nhận được một câu hỏi thăm và ít lâu sau đó là cái chai nước cũ chứa đầy xăng chìa ra cho mình từ một bàn tay cũng xa lạ nhưng ấm áp. Đất Sài Gòn, người Sài Gòn vẫn còn rất đáng yêu phải không?