UBND tỉnh Ninh Bình vừa ban hành Kế hoạch số 44 /KH-UBND cơ cấu lại ngành dịch vụ đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh. Theo Kế hoạch, đến năm 2025, Ninh Bình sẽ đón từ 8-9 triệu lượt khách du lịch, doanh thu du lịch đạt 8.000 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu đến cuối nhiệm kỳ 2025 đạt 3.200 triệu USD.


Danh thắng Tràng An

Theo đó, tỉnh sẽ huy động các nguồn lực cơ cấu lại ngành du lịch, tập trung khai thác lợi thế về tài nguyên, sản phẩm du lịch, tăng cường công tác quảng bá xúc tiến, mở rộng, đa dạng hóa thị trường khách du lịch; nâng cao hiệu quả kinh tế xã hội, từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao đời sống nhân dân, quảng bá hình ảnh tỉnh Ninh Bình tới bạn bè trong nước và quốc tế. Phấn đấu đưa Ninh Bình trở thành một trong những trọng điểm du lịch của cả nước, đến năm 2025, thu hút khoảng 8-9 triệu lượt khách, trong đó 1,5 triệu lượt khách quốc tế; tổng thu từ du lịch đạt trên 8.000 tỷ đồng; tạo việc làm cho 30.000 lao động, trong đó có 12.000 lao động trực tiếp, phát triển các sản phẩm du lịch đa dạng, đặc sắc; thực hiện tốt công tác quản lý, bảo tồn, phát triển giá trị Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An; nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch; áp dụng rộng rãi hệ thống du lịch thông minh, khẳng định Ninh Bình là điểm đến an toàn, thân thiện và mến khách.

Để đạt được mục tiêu trên, kế hoạch đề ra các giải pháp: đổi mới các chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch, xây dựng và nâng cao thương hiệu du lịch Ninh Bình; đẩy mạnh liên kết, mở rộng hợp tác phát huy tiềm năng, thế mạnh và các cơ hội, nguồn lực để phát triển gắn kết du lịch Ninh Bình với các địa phương trong cả nước và khu vực, cơ cấu lại thị trường khách du lịch đến Ninh Bình, tập trung khai thác thị trường khách du lịch từ Hà Nội và các tỉnh, thành phố Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An...; mở rộng thị trường đến các trung tâm lớn như Tp. Hồ Chí Minh, Huế, Đà Nẵng, Cần Thơ, Tây Nguyên, tăng cường liên kết với thủ đô Hà Nội và các tỉnh lân cận để mở rộng phát triển thị trường khách du lịch quốc tế ở các thị trường tiềm năng như Nhật Bản, Hàn Quốc, Bắc Mỹ, Úc…

Song song với đó là đổi mới và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hoạt động du lịch, quản lý điểm đến, quản lý doanh nghiệp; phát triển du lịch thông minh gắn với ứng dụng khoa học công nghệ, sử dụng công nghệ xanh - sạch - tái tạo...

Hằng Lê

Báo du lịch